Nghiện dao kéo, rủ luôn chuyên gia trị tâm lý đi làm đẹp

15/11/2019 - 07:00

PNO - Đang điều trị tâm lý cho chị N. - người nghiện sửa mũi, tâm lý gia Phan Thị Hoài Yến giật mình khi bệnh nhân rủ chị đi sửa mũi vì sống mũi hiện tại gây hao tài, tổn thọ...

2 năm sửa mũi 7 lần

Ai nhìn chị T.T.T.N. (29 tuổi, ở Q.Thủ Đức - TP.HCM) cũng có cảm giác rất thiện cảm vì chị có gương mặt thanh tú. Chị N. cũng rất tự hào về nét đẹp của mình cho đến khi trào lưu “đẹp không góc chết” xuất hiện. 

Giữa năm 2018, trong một lần đi chụp ảnh, chị N. cảm thấy góc nghiêng của mình chưa… “thần thánh” nên quyết định đi làm đẹp. Tìm hiểu trên mạng, chị đến một tiệm mát-xa ở tỉnh Bình Dương để nâng mũi bằng chỉ. 

Nghien dao keo, ru luon chuyen gia tri tam ly di lam dep
Chỉnh sửa liên tục khiến mũi bệnh nhân bị biến chứng, lồi chỉ ra ngoài

“Sau khi được tư vấn, tôi đồng ý cấy chỉ để tạo sống mũi với giá 1,5 triệu đồng. Chủ tiệm khuyến mãi thêu chân mày nhưng tôi không nhận, thay vào đó, tôi đổi loại chỉ chất lượng hơn”, chị N. kể.

Để có được… vẻ đẹp không chỉnh sửa, chị N. hạn chế tiếp xúc bạn bè khoảng một tháng, để vết thương lành hẳn. Thế nhưng, vừa gặp chị, người xung quanh đã hỏi thăm “sửa mũi ở đâu mà đẹp quá”. Buồn bực, không chấp nhận việc ai nhìn vào cũng biết mình nâng mũi, chị N. lại lên mạng tìm hiểu về chỉnh sửa mũi thành… nét đẹp bẩm sinh.

Nghe  quảng cáo ở một cơ sở thẩm mỹ tại Q.Gò Vấp, chị rất mừng. Lần này, chị N. chọn gói chỉ vàng, tiêm filler (chất làm đầy) với giá gần 10 triệu đồng, cùng cam kết đẹp y như thật của người tư vấn. Tuy nhiên, về nhà được hai ngày, chị N. đau nhức cánh mũi, sưng tê mặt bên trái, phù nề khiến gương mặt biến dạng thấy rõ. 

Chị nhớ lại: “Lúc đó, tôi điện thoại cho bác sĩ thẩm mỹ. Vị này nói làm đẹp thì phải đau, uống thuốc, vệ sinh vết thương theo hướng dẫn sẽ khỏi. 2 tuần sau, tôi hết đau nhưng cảm thấy nửa bên mặt như đông cứng, ăn uống khó khăn, mỗi khi cười lại tưởng chừng rách mặt vì căng tức. Tôi lên cơ sở này để giải quyết, bác sĩ đồng ý thay chỉ mũi lại”.

Sau khi được “bảo hành”, gương mặt chị N. bớt căng, nhưng chỉ mũi lại lồi ra ngoài. Lần này, chị đến bệnh viện cầu cứu. Bác sĩ chẩn đoán chị bị hoại tử mũi, tổn thương dây thần kinh, sụn mũi, ứ dịch do nhiễm trùng từ biến chứng nâng mũi bằng chỉ lẫn filler. 

Các ca làm đẹp quá dày, chỉ trong vòng bốn tháng, chị đã thực hiện đến ba lần khiến các tổn thương trở nên nghiêm trọng. Bác sĩ buộc phải phẫu thuật loại bỏ mô hoại tử, cắt lọc sụn, cánh mũi, đợi vết thương lành sẽ ghép da, sụn, tạo hình lại mũi cho chị. 

May mắn, ca phẫu thuật thuận lợi, chiếc mũi của chị được trả về gần như nguyên vẹn.
Mặc dù bác sĩ đã cảnh báo, chỉ ra tác hại của việc liên tục chỉnh sửa, nhưng cho mũi “nghỉ ngơi” được chín tháng, nhìn những bức ảnh của bạn bè trên mạng, chị N. lại tự ti với góc nghiêng của mình, tiếp tục dò hỏi để “xây lại” mũi. 

Cuối năm 2018, một cơ sở làm đẹp tự nhận là thẩm mỹ viện cam kết sẽ trả chiếc mũi của chị N. về vẻ đẹp như diễn viên Hàn Quốc, nhưng đẹp như minh tinh chưa thấy, chị N. nhận về chiếc mũi khoằm như phù thủy. 

Quá bất mãn, chị sửa tới sửa lui đến khi người xung quanh cho rằng chị bị khùng vì gặp ai chị cũng tư vấn, chia sẻ về làm mũi.

Đang điều trị, rủ luôn chuyên gia tâm lý đi sửa mũi

Để chứng minh mình hoàn toàn tỉnh táo, tháng 11/2019, chị N. đến Khoa Tâm thể, Bệnh viện Quận Thủ Đức TP.HCM gặp tâm lý gia Phan Thị Hoài Yến. Trong lần gặp đầu tiên, chị N. khá vui vẻ khi tâm lý gia Phan Thị Hoài Yến luôn lắng nghe những tâm sự của chị. Nhưng khi tâm lý gia hỏi bao giờ chị N. mới hài lòng với vẻ đẹp của mình do chị đã rất đẹp thì chị N. không trả lời được. 

Nghien dao keo, ru luon chuyen gia tri tam ly di lam dep
Tâm lý gia Phan Thị Hoài Yến đang điều trị tâm lý cho bệnh nhân

Chị Yến phân tích: “Có thể ban đầu chị N. đi làm đẹp là do nhu cầu, nhưng tâm lý muốn người khác công nhận mình đẹp tự nhiên khiến chị bị cuốn vào “cuộc chơi thẩm mỹ” lúc nào không hay, dần dần chị bị nghiện. Điển hình, chị cho biết bản thân luôn cảm thấy bứt rứt, bực bội nếu hai, ba tuần không đi chỉnh mũi. 

Từ năm 2018 đến nay, chị khẳng định mũi chỉ liền da lúc điều trị trong bệnh viện, còn lại luôn phải dán băng gạc vì chỉnh sửa liên tục. Nguy hiểm ở chỗ, từ việc sợ người khác biết mình chỉnh sửa, chị gần như trở thành “chuyên gia tư vấn làm đẹp”, đi đến đâu cũng thấy mũi người khác xấu, cần sửa. 

Đây là một dạng rối loạn tâm lý nặng nề, khiến người bệnh bị ám ảnh, luôn muốn can thiệp dao kéo, nếu không sẽ ức chế. Điều này rất nguy hiểm vì không làm đẹp sẽ bị rối loạn về cảm xúc, tâm lý nhưng được chỉnh sửa lại tổn thương lớn về thực thể”.

Khi được nói về làm đẹp, chị N. rất hân hoan và đầy tự tin, nhưng nếu ai đó cắt ngang câu chuyện, thái độ chị sẽ thay đổi ngay, trở nên cáu gắt. Vì vậy, ở lần tiếp xúc đầu tiên, chị Yến tiếp nhận chia sẻ của bệnh nhân hơn một tiếng đồng hồ. Kết thúc phiên điều trị, chị N. rất vui mừng nói: “Ai cũng chửi em khùng, chỉ có chị là biết em tỉnh”, rồi đòi gặp tâm lý gia ngay hôm sau. 

Lần trị liệu thứ hai, tâm lý gia hỏi chị N. làm đẹp cho ai, chị đột nhiên im lặng. Suy nghĩ hồi lâu, chị nói: “Tôi chỉ cảm thấy nếu mặt tôi không đi chỉnh, tôi rất khó chịu, chỉ cần tháo băng hơn một tuần, tôi đã bị ám ảnh phải đi nâng mũi tiếp. Chị Yến cũng đi sửa mũi đi, mũi của chị không tốt, hao tài, tổn sức”.

“Lúc này, chị ấy gần như lao về phía tôi, bắt đầu lấy tay vẽ lên mũi, vừa chỉ vừa nói như một chuyên gia về thẩm mỹ. Tôi trấn an, rồi phân tích về trạng thái của chị. Chị cũng tiếp thu, ngồi suy tư một góc. Sau lần đó, chị xin tôi lịch hẹn nhưng đến nay vẫn không thấy trở lại”, chị Yến nói.

“Tôi có khùng hay không?”

Chị Yến cho biết, hiện nay, những trường hợp như chị N. không ít, đa số bệnh nhân đến tìm tâm lý gia chỉ để hỏi: “Tôi có khùng hay không, sao ai cũng nói tôi khùng”. Có người kiên nhẫn theo đúng liệu trình điều trị về tâm lý đã quay trở lại cuộc sống bình thường, nhưng đa số bỏ ngang. Có thể cũng nhận ra được vấn đề mình đang mắc phải, cũng nhiều khả năng lại tiếp tục lao vào tìm kiếm cái đẹp cho mình.

Về việc này, tâm lý gia Phan Thị Hoài Yến phân tích nghiện phẫu thuật thẩm mỹ hay đúng hơn là chứng ám ảnh ngoại hình, một dạng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Người mắc chứng bệnh này luôn không hài lòng về bản thân, liên tục sửa một hoặc tất cả mọi thứ trên cơ thể. Nguy hiểm ở chỗ, chứng bệnh thường gây rối loạn lo âu, mất ngủ, mặc cảm quá mức về ngoại hình. 

Có rất nhiều nguyên nhân để một người đi phẫu thuật thẩm mỹ: người yêu bỏ, bạn đời chê bai, muốn tự tin hơn, hoặc luôn có cảm giác người khác nhìn vào khuyết điểm của mình, nhạy cảm với những câu nói đùa của bạn bè, theo trào lưu, thậm chí ngay cả không có khiếm khuyết họ cũng tự tưởng tượng tiêu cực về ngoại hình của mình.

Quá hy vọng vào dao kéo sửa tướng để sửa tài, sửa mệnh, người làm đẹp dễ rơi vào trầm cảm, chán nản, muộn phiền khi không được như ý rồi bị cuốn vào làm đẹp lúc nào không hay.

“Để giúp đỡ người bệnh thoát khỏi suy nghĩ này, bác sĩ thẩm mỹ nên kết hợp với bác sĩ về chuyên khoa tâm thần, chuyên gia tâm lý giúp bệnh nhân nhìn ra vấn đề của mình và hợp tác chữa trị. 

Quan trọng, người thân, bạn bè của người bệnh cần nhận biết sớm các dấu hiệu của họ để nhờ chuyên gia can thiệp kịp thời. Tránh để lâu vì ngoài những rối loạn về sức khỏe tâm thần, cơ thể người bệnh còn bị tổn thương nặng nề, khó khăn trong điều trị về sau”, tâm lý gia Hoài Yến khuyến cáo. 

Các dấu hiệu nhận biết một người nghiện phẫu thuật thẩm mỹ

Luôn nghĩ về những khiếm khuyết hình thể của mình như sẹo, da khô, nám, mụn… thường đưa ra nhận xét về ngoại hình, sắc đẹp của bản thân và người đối diện.

Soi gương thường xuyên, phiền muộn, lo âu, chán ghét khuyết điểm, đôi khi chỉ một vài nốt mụn cũng khiến bản thân bực tức, mệt mỏi.

Đột nhiên trang điểm lòe loẹt, mua trang phục, trang sức nổi bật, so sánh mình với người khác.

Liên tục hỏi người đối diện xem hôm nay mình thế nào, có thấy gì xấu hay không, nhưng hầu như không tin vào những nhận xét tích cực.

Tìm kiếm, hỏi thăm các thông tin về phẫu thuật thẩm mỹ, im lặng hoặc có cảm giác giận dữ, hằn học nếu được người đối diện cho rằng không cần thiết. 

Sau khi chỉnh sửa một điểm trên cơ thể, sẽ tiếp tục mong muốn sửa những phần tiếp theo, hoặc phẫu thuật nhiều lần chỉ ở một bộ phận như nhấn mí, nâng mũi, bơm môi…

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI