Ngay cả nhân viên y tế vẫn còn phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

15/03/2019 - 19:19

PNO - Đó là kết quả khảo sát của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM về sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại 3 cơ sở y tế.

Ngày 15/3, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe TP.HCM (T4G) đã tổ chức buổi "Tổng kết hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe năm 2018 và phương hướng hoat động năm 2019".

Trong buổi tổng kết, bác sĩ Trần Nhật Quang ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM thẳng thắn đặt ra vấn đề về thái độ của nhân viên y tế đối với người nhiễm HIV/AIDS.

Theo bác sĩ Quang, nhằm nâng cao sự hiểu biết của nhân viên y tế về kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, vào năm 2016, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM đã thực hiện nghiên cứu khảo sát ở 3 cơ sở, đối tượng được khảo sát là nhân viên y tế của bệnh viện và người nhiễm HIV đang điều trị tại đây.

Ngay ca nhan vien y te van con phan biet doi xu voi nguoi nhiem HIV/AIDS
Bác sĩ Quang báo cáo tham luận tại buổi tổng kết

Kết quả cho thấy 73,1% nhân viên y tế sợ phải chăm sóc người nhiễm HIV. Cụ thể, nhân viên y tế sợ chạm vào quần áo, giường chiếu, các vật dụng, hay sợ phải băng bó vết thương, lấy máu của bệnh nhân HIV/AIDS. Tâm lý lo sợ nên điều dưỡng, bác sĩ không thật sự thoải mái khi chăm sóc người nhiễm bệnh. 

Bác sĩ Quang cho biết: “Tất cả nhân viên y tế đều biết 4 con đường làm lây truyền HIV/AIDS từ người này sang người khác, nhưng gần như 100% nhân viên không trả lời được điều kiện bị nhiễm HIV, bao gồm cả bác sĩ tại bệnh viện. Tâm lý chung của mọi người đều sợ đụng chạm vào người đang bị HIV thì sẽ bị nhiễm virus.

Nhiều lúc, sự tự bảo vệ quá mức của nhân viên y tế vô tình làm cho người bệnh HIV có cảm giác bị kỳ thị, nhưng thực trạng sự kỳ thị người nhiễm HIV vẫn còn ở các cơ sở y tế”.

Ngay ca nhan vien y te van con phan biet doi xu voi nguoi nhiem HIV/AIDS
Bác sĩ Quang thẳng thắn thừa nhận sự kỳ thị người nhiễm HIV vẫn còn ở các cơ sở y tế

Mặc khác, kết quả khảo sát với người lây nhiễm HIV chỉ ra rằng: hơn 35% người  nhiễm HIV tự cảm thấy xấu hổ, tội lỗi vì căn bệnh của mình, 1/3 trong số họ nói cán bộ y tế đã tiết lộ bệnh của họ cho người khác mà không có được sự đồng ý của người bệnh.

Ngay cả hồ sơ bệnh án của người nhiễm HIV cũng bị đánh dấu theo cách khiến cho người xung quanh biết họ bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, người bệnh nhận định, họ vẫn được sự quan tâm, chăm sóc như những người mắc các căn bệnh khác.

Sau cuộc khảo sát, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức 4 lớp tập huấn nhằm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử cho cán bộ y tế tại tất cả cơ sở không chỉ qua các lớp học. Nhân viên y tế được tương tác, chia sẻ những câu chuyện, tâm sự từ những nhóm hoạt động cộng đồng và người mắc HIV/AIDS. 

Bệnh viện cũng giám sát hồ sơ bệnh án, kiểm soát nhiễm khuẩn, thực hiện các quy tắc hành vi ứng xử, phối hợp chặt chẽ với nhóm VNP+ (Mạng lưới người sống với HIV tại Việt Nam) nhằm tránh phân biệt đối xử với bệnh nhân HIV để người bệnh yên tâm điều trị. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI