Ngăn chặn tình trạng ngộ độc rượu: Chỉ giải quyết phần ngọn

13/03/2017 - 17:57

PNO - Trước tình trạng liên tục xảy ra các ca ngộ độc rượu, Hà Nội gắt gao kiểm tra, lấy mẫu rượu tại các nhà hàng, chợ truyền thống… Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đó chỉ là giải pháp tình thế, giải quyết phần “ngọn” của...

Danh sách ngộ độc cứ nối dài

Sau hàng loạt ca ngộ độc, tử vong vì “rượu độc” methanol ở nhiều địa phương, mới đây Hà Nội lại xảy ra vụ ngộ độc rượu tập thể khiến 12 người phải cấp cứu. Trong số các nạn nhân có những sinh viên (SV) Trường Sư phạm tiểu học Hải Dương (chi nhánh Hà Nội) đã mua khoảng 1,5 lít rượu không rõ nguồn gốc về uống mừng 8/3.

Sáng ngày 9/3, một số người có triệu chứng đau đầu, mờ mắt và nôn ra máu nên được đưa đi cấp cứu tại BV 198, sau đó được chuyển đến Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai). Hiện mới chỉ có ba trường hợp được xuất viện. Đáng lo là có sáu bệnh nhân (BN) đang trong tình trạng hôn mê, thở máy, phải lọc máu; hai nam SV trong số này đang nguy kịch.

Theo xác minh của UBND Q.Cầu Giấy (Hà Nội), nhóm SV đã sử dụng rượu mua tại ngõ 259, phố Yên Hòa, Q.Cầu Giấy. Trong ngõ này có hai hàng tạp hóa bán rượu là số nhà 5B và số nhà 17. Chủ nhà 5B cho biết, rượu được lấy tại cơ sở rượu Bắc Hùng (cụm 8, làng Thủy Hội, xã Tân Hội, Đan Phượng).

Đầu mối cung cấp rượu cho nhà số 17 được xác minh là bà Nguyễn Thị Hảo (Cự Đà, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội). Loại rượu này mang nhãn mác “Duy Hảo”, phân phối cho nhiều hàng ăn, tạp hóa ở Hà Nội, giá 7.000-8.000đ/500ml.

Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, chỉ từ ngày 26/2-11/3, đã có 24 trường hợp ngộ độc rượu methanol, trong đó có hai trường hợp tử vong; hầu hết các trường hợp ngộ độc đều dùng rượu pha chế thủ công. Trong số các mẫu rượu được lực lượng chức năng xét nghiệm, có hai mẫu có hàm lượng methanol cao hơn từ 900-2.000 lần so với quy định.

Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm

Trước tình trạng trên, ngày 10/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành kiểm soát chặt chẽ những cơ sở kinh doanh rượu; thực hiện nghiêm các quy định về kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nói chung và rượu nói riêng. Đồng thời, sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về quản lý rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, rượu không rõ nguồn gốc.

Tại cuộc họp về ATVSTP của Hà Nội cuối tuần qua, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nhấn mạnh, để xảy ra tình trạng này, lỗi trước tiên thuộc về Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) và lực lượng chức năng các quận, huyện đã lơi lỏng kiểm tra. Ngay sau đó, ngày 11/3, Chi cục QLTT Hà Nội đã đồng loạt ra quân kiểm tra các cơ sở sản xuất và tiêu thụ rượu không rõ nguồn gốc. Các đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSTP cũng ráo riết vào cuộc. Theo số liệu của Chi cục ATVSTP Hà Nội, tính đến ngày 10/3, đã có hơn 75/833 cơ sở bị xử phạt, tiêu hủy 120 lít rượu, niêm phong hơn 6.500 lít rượu không rõ nguồn gốc.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên viên, việc tăng cường kiểm tra, truy tìm rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc chỉ là giải pháp tình thế, chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Hiện Hà Nội chỉ có 24,5% cơ sở kinh doanh thực phẩm được cấp phép; nhiều nơi có các hộ nấu rượu theo kiểu tự phát, nấu đến đâu tiêu thụ ngay đến đó.

Do đó, để kiểm soát tận gốc vấn đề ngộ độc rượu do pha cồn methanol, quan trọng nhất là phải nâng cao vai trò của chính quyền địa phương; tổ chức, hướng dẫn các hộ gia đình sản xuất theo quy định của luật pháp. Từ đó, cấp phép cho các cơ sở có đủ điều kiện, tổ chức kiểm tra định kỳ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục ATVSTP, Bộ Y tế cho rằng, rượu methanol trôi nổi trên thị trường, trách nhiệm đầu tiên và cao nhất thuộc về chính quyền các địa phương, cụ thể là UBND các cấp. “Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm kiểm tra, xử lý ngay các vi phạm.

Nhiều người nói UBND xã phường không có cán bộ chuyên môn để phân biệt rượu methanol với rượu thường, khó xử lý được vi phạm của cơ sở sản xuất, nhưng nói như vậy là không được. Dù không có kiến thức chuyên môn sâu về y tế, về ATVSTP nhưng điều đơn giản nhất là khi kiểm tra, nếu thấy sản phẩm, nguyên liệu không có nguồn gốc rõ ràng, nguyên liệu không được cấp phép sử dụng thì hoàn toàn có thể xử lý ban đầu để ngăn chặn nguy cơ”, ông Phong nói.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI