Nếu phải về nơi xa ấy, con ơi, hãy là chốn bình yên

15/08/2019 - 18:00

PNO - Vu Lan về, đâu đó còn đong đầy nỗi đau của những người mẹ ngày ngày nhìn con quặn mình trong bệnh tật hiểm nghèo, và lời thỉnh cầu ngập tràn nước mắt “con đừng bỏ rơi mẹ”.

Bỏ việc theo con vào bệnh viện

Những ngày gần đây, chị Nguyễn Thị Thế Trân (37 tuổi, ở Bình Phước) lo lắng không yên khi cơn đau của con gái chị - bé N.N.M., 13 tuổi, ngày càng nhiều hơn. Từ đứa trẻ hoạt bát, giờ M. nằm thu lu một góc, ít nói, ít cười khi mái tóc rụng dần theo từng đợt hóa trị. 

Với chị Trân, bé M. là nguồn sống, là niềm vui, hy vọng duy nhất của chị trong cuộc đời này. Bởi lúc M. được 3 tuổi, chồng chị bị tai nạn lao động qua đời, "tài sản" quý giá nhất của người mẹ trẻ chính là cô con gái nhỏ.

Neu phai ve noi xa ay, con oi, hay la chon binh yen
Từ lúc chồng mất, bé M. là tài sản quý giá nhất của chị Trân

Chị Trân cứ nghĩ cuộc sống của hai mẹ con sẽ yên ả như hơn 10 năm qua. Chị vốn là giáo viên ở Bình Phước, sáng sáng tranh thủ chở con gái đến trường rồi lên lớp dạy. Cuộc sống không dư dả, nhưng 2 mẹ con luôn thủ thỉ, vui buồn cùng nhau.

Vậy mà đầu năm 2019, thấy con gái bị sốt, chị chạy ra tiệm thuốc Tây mua thuốc cho con uống, rồi cơn sốt cũng qua. Đến tháng 5/2019, bé lại nóng sốt dai dẳng, có khi ôm bụng than đau, nôn ói, chị Trân đưa con đến bệnh viện thăm khám.

Kết quả siêu âm cho thấy, bé M. bị khối u trong ổ bụng. Lật đật, chị đưa vội bé đến một bệnh viện ở TP.HCM điều trị. Sau đó, bệnh viện tiếp tục chuyển bé đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM với kết luận khối u ác tính.

Chị Trân nhớ lại: “Tôi chỉ nghĩ có khối u thì mổ cắt bỏ sẽ hết, chưa bao giờ tôi tin con bị ung thư. M. còn quá nhỏ, bé không bị bệnh nặng như vậy đâu. Nhưng bác sĩ lặp đi lặp lại, giải thích cho tôi rất nhiều về bệnh của M.. Tôi không biết làm sao! Tôi chỉ có một mình con bé!”.

Neu phai ve noi xa ay, con oi, hay la chon binh yen
Chị Trân luôn nắm chặt tay con gái trong hành trình chống lại ung thư

Phải mất nhiều ngày chị Trân mới chấp nhận được sự thật quá phũ phàng này. Bác sĩ dặn bé M. phải hóa trị liên tục ở bệnh viện nên chị kiên quyết nộp đơn xin thôi việc để đồng hành cùng con.

Chị thuê căn trọ nhỏ gần bệnh viện để 2 mẹ con tá túc. Những ngày bé không truyền thuốc thì chị đi xin việc, ai thuê gì chị làm nấy kiếm tiền cho đợt điều trị sau. Ban đầu, chị làm công nhân, sau không đủ giờ chăm con nên chị chuyển sang chạy bàn cho quán ăn, sau nữa là rửa chén, quét dọn...

Nhưng đến khi có người phát hiện con chị bị ung thư, một số người ngại thuê chị làm. Từ đó, những bữa ăn của hai mẹ con chị dần vơi đi miếng rau, lát thịt.

Chị Trân rưng rưng: “Tôi không dám nói thật với con về căn bệnh của cháu. M. chỉ nghĩ mình bị đau bụng, nhưng con đã lớn rồi, tôi không thể giấu cháu lâu được; nhất là khi tóc con bắt đầu rụng gần hết.

Con hay hỏi bệnh đau bụng sao lâu quá, đến khi hết đau bụng thì tóc có mọc lại không, sắp vào năm học, tóc mọc kịp không vì sợ bạn bè trêu ghẹo. Nhìn con, tôi đau lắm, không biết phải làm gì cho con. Cực khổ bao nhiêu tôi cũng không sợ, chỉ sợ M… không kịp đến trường”.

Neu phai ve noi xa ay, con oi, hay la chon binh yen
Cũng như chị Trân, những bà mẹ ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đều có chung nỗi sợ phải lìa xa con. Suốt buổi sáng, người mẹ này luôn ẵm đứa con trai mắc bệnh hiểm nghèo trên vai mình.

"Tôi cảm nhận được con đang dần rời xa"

Ngồi học cùng con trong lớp học dành cho trẻ em bị ung thư tại khu B, khoa Nội Nhi của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, thi thoảng, chị Đặng Thị Phi (40 tuổi, ở Quảng Ngãi) lại lén quay mặt đi chỗ khác lau nước mắt.

Biết mẹ khóc, bé N.Đ.N.A. (7 tuổi, con gái chị Phi) lại dỗ dành mẹ: “Con không đau”.

Nhìn con, chị Phi nhớ lại, năm 2016, bé A. thường té ngã những khi chạy chơi với các bạn. Sau đó, người bé xuất hiện nhiều mảng bầm tím, kêu khóc than đau, nóng sốt không hạ, chị Phi ôm con đến một bệnh viện nhi thăm khám.

Bác sĩ tại đây chuyển em đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM với nghi ngờ bé bị ung thư xương. Lúc này, ung thư đã di căn, bé A. có chỉ định điều trị bằng phẫu thuật và hóa trị.

Bước ra khỏi phòng bác sĩ, chị Phi choáng váng khi biết duyên mẹ con với bé A. giờ chỉ tính bằng ngày, rất khó níu giữ con bên mình. Nhưng chị không từ bỏ. 

Neu phai ve noi xa ay, con oi, hay la chon binh yen
Bé A. luôn miệng nói "khỏi bệnh con sẽ đến trường" khiến chị Phi không cầm được nước mắt.

Để có nhiều thời gian bên con, chị Phi xin nghỉ làm kế toán ở một công ty tại TP.HCM. Chị đến khu công nghiệp xin việc bán thời gian để phụ chồng chăm bệnh cho bé A. và nuôi chị gái A. ăn học.

Làm việc được vài tháng, lịch khám, truyền thuốc của bé A. ngày một nhiều hơn, chị lại xin rửa chén cho các quán ăn, gom góp tiền mua sữa cho con.

Cứ như thế ròng rã 2 năm trời, người mẹ ấy phải làm đủ mọi việc, miễn được ở bên con. Nước mắt lặng lẽ rơi, chị Phi nghẹn ngào: “Càng ngày tôi cảm nhận càng rõ con gái dần xa mình nên con vui vẻ, đầy đủ được lúc nào hay lúc đó.

Bé A. thích đi học lắm, con luôn nhìn ngắm bộ đồng phục học sinh của chị gái. Sợ con không kịp tuổi đến lớp, tôi xin cho cháu học trước tuổi. Thương tình, cô giáo gật đầu, tôi mua cho A. bộ đồng phục mới tinh, bé mừng lắm. Nhưng học được một tuần, A. phải vào bệnh viện phẫu thuật”.

Ung thư di căn quá nhanh, bé A. phải cắt bỏ hơn nửa chân trái mới giữ được tính mạng. Vậy mà khi tỉnh dậy, bé hỏi: “Chân con như vầy, con mặc váy đi học được không?”, chị Phi gật đầu, tim quặn thắt. 

“Từ đó, mỗi tháng bé vào bệnh viện một lần, mỗi lần nằm điều trị 3 tuần, hành trang mang theo có thêm vài quyển sách, con sợ quên bài, sợ thua các bạn. Hôm nào truyền thuốc mệt quá thì con ôm sách ngủ, hôm khỏe một chút lại lôi ra viết”, chị Phi nói.

Neu phai ve noi xa ay, con oi, hay la chon binh yen
Chị Trần Thị Hận và con trai T.B.N.T. (7 tuổi, ở Long An), bé bị khối u não ác tính, não úng thủy đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

Hôm nay, bé A. tiếp tục đến lớp học của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, dù lúc này bé quá mệt, ngủ thiếp đi trên giường bệnh, chai thuốc nhỏ từng giọt nặng nề vào tâm tư người mẹ.

Những sợi dây chằng chịt truyền niềm hy vọng cho sự sống của con, cũng truyền đi nỗi sợ hãi trong từng người mẹ nơi đây. Bởi trong thời gian nuôi con ở bệnh viện, các chị tận mắt chứng kiến nhiều mầm non chưa kịp đâm chồi đã về với đất. 

Vu Lan về, những người mẹ ấy vẫn ngày ngày sợ hãi, cảm giác rõ rệt sợi dây mẫu tử quá mong manh, có thể đứt phựt bất cứ lúc nào. Dù dành tất cả yêu thương để níu giữ thì nào ai biết trong giấc ngủ say, con bỗng hóa thiên thần, rong chơi nơi xa nào đó.

Nơi mà trong tâm tưởng, những người mẹ ấy gạt nước mắt mơ rằng con mình không còn phải chịu đớn đau. Nếu phải về nơi xa ấy, con ơi, hãy là chốn bình yên.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI