Nam thanh niên ở Sài Gòn chảy máu dạ dày như vòi phun nước

05/12/2017 - 13:01

PNO - Vết loét ở dạ dày tá tràng khiến nam thanh niên 20 tuổi phun máu thành vòi. Hơn 2 lít máu truyền cấp tốc nhưng vẫn khiến các bác sĩ không chắc cứu được mạng sống.

Hơn 3 giờ sáng 30/11/2017, anh T.H.P. (20 tuổi, tạm trú ở Hóc Môn, TP.HCM) được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Trưng Vương vì ói ra máu liên tục, rơi vào tình trạng lơ mơ, huyết áp tụt.

Thậm chí, khi đã nằm trên giường bệnh, P. vẫn tiếp tục ói ra máu. Khi đưa ống nội soi vào bên trong cơ thể của P., các bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương hết hồn khi thấy máu đang phun thành vòi tại một ổ loét dạ dày tá tràng. Ngay sau đó, một loạt các kỹ thuật được triển khai nhằm chặn đứng tình trạng xuất huyết ồ ạt trong hệ tiêu hóa của P. 

Nam thanh nien o Sai Gon chay mau da day nhu voi phun nuoc
Em T.H.P. đang được điều trị tại BV Trưng Vương TP.HCM

Đầu tiên, các bác sĩ dùng thuốc giúp đông máu. Bác sĩ Cao Tấn Phước, Phó Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương cho biết, đến 90% các trường hợp xuất huyết tiêu hóa sẽ bị chặn đứng chỉ bằng cách dùng thuốc; nhưng với ca này, cách điều trị bằng thuốc không thành công.

Lần lượt theo như phác đồ điều trị, các bác sĩ áp dụng thêm 2 lần nữa phương pháp cầm máu qua đường nội soi. Vẫn thất bại.

Chỉ trong buổi sáng và trưa 30/11, bệnh nhân được truyền đến 8 đơn vị máu (tương đương khoảng 2 lít máu) vì bị mất quá nhiều máu. Lúc này, chỉ còn duy nhất 1 phương pháp có thể áp dụng là can thiệp bằng dao kéo.

Nhưng phương pháp này bị loại trừ  vì theo các bác sĩ, với tình trạng xuất huyết ồ ạt chứng tỏ cơ thể bệnh nhân bị rối loạn đông máu. Can thiệp bằng một cuộc phẫu thuật để mở ổ bụng, cắt đứt dạ dày tá tràng chẳng khác nào "mở cửa mời tử thần".

Nam thanh nien o Sai Gon chay mau da day nhu voi phun nuoc
 

Sau đó, các bác sĩ hội chẩn can thiệp nội mạch là phương án có thể giúp an toàn tính mạng bệnh nhân. Bác sĩ Ngô Minh Tuấn, Trưởng Đơn vị Can thiệp mạch máu, Bệnh viện Trưng Vương nhớ lại: "Lúc đó đã vào khoảng 15 giờ, bệnh nhân xuất huyết cả ở miệng và hậu môn khi nằm trên bàn mổ. Bệnh nhân đang trong tình trạng sốc, bứt rứt, không tiếp xúc được.

Can thiệp mạch máu được thực hiện song song với hồi sức cấp cứu. Chúng tôi phải quyết chạy đua với thời gian. Nếu can thiệp quá chậm sẽ gây khó khăn cho hồi sức của bác sĩ cấp cứu.

Lúc này, bệnh nhân được truyền máu bằng thủ công. Bác sĩ và điều dưỡng dùng xi lanh 200ml bơm thẳng máu vào người bệnh nhân. Trong lúc đó, một ống thông bắt đầu luồn từ động mạch đùi tìm đến vị trí phun máu”.

Qua màn hình theo dõi, các bác sĩ điều khiển đưa ống thông tìm đến vị trí phun máu ở tá tràng. Đó là mạch máu vị tá tràng. Sau khi đã xác định chính xác vị trí, một ống thông khác nhỏ hơn đi luồn trong ống thông đầu tiên, bơm vào vị trí mạch máu bị vỡ một chất kết dính, gọi nôm na là keo sinh học. 

Khi vết rách được bịt kín lại, gần như ngay lập tức huyết áp bệnh nhân trở lại bình thường. Lúc này, có thể khẳng định, bệnh nhân đã thoát khỏi cơn sốc do mất máu. Tổng cộng thời gian cân não kéo dài 20 phút từ lúc bệnh nhân lên bàn mổ.

Nam thanh nien o Sai Gon chay mau da day nhu voi phun nuoc
P. là một trong những bệnh nhân rất nặng của sốt xuất huyết

Bác sĩ Bùi Trọng Hợp, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Trưng Vương cho biết: Bệnh nhân T.H.P. được xác định mắc sốt xuất huyết do Denguage vào ngày thứ 4. Đây là thời điểm bắt đầu trở nặng của bệnh, kéo dài đến ngày thứ 7.

Và có thể chính vết loét sẵn có từ trước của bệnh nhân ở dạ dày tá tràng kết hợp với sự tấn công của bệnh sốt xuất huyết đã dẫn đến tình trạng xuất huyết ồ ạt vào ngày thứ 4 của bệnh.

Nếu không kịp thời chặn lại sự ra máu liên tục này, không ai có thể sống thêm được 3 ngày nữa – thời điểm bệnh sốt xuất huyết tự rút lui. Bác sĩ Bùi Trọng Hợp cho biết đối với trẻ em, khi mắc sốt xuất huyết đáng lo ngại nhất là tình trạng sốc choáng; còn với người lớn, đó là tình trạng xuất huyết tiêu hóa.

Hiện tại, sau khi được bít tắc mạch máu vị tá tràng, bệnh nhân T.H.P. đang hồi phục sức khỏe. P. cho biết trước khi bị ói ra máu, em bị cảm sốt nên ra trạm y tế mua thuốc về uống nhưng không giảm. Chỉ đến khi ói ra máu nhiều, người nhà mới vội vã đưa em đi nhập viện cấp cứu.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI