Mùa nóng: Trẻ dễ mắc bệnh vì giải nhiệt sai cách

19/03/2018 - 07:27

PNO - Nắng nóng là điều kiện thuận lợi làm bùng phát nhiều bệnh, nhất là ở trẻ em. Trong đó, có những bệnh do phụ huynh đã giải nhiệt sai cách cho con.

Không nên cho trẻ uống nước mát quá 3 ngày

Cả tuần nay, khoa tiêu hóa và khu vực phòng khám các bệnh viện nhi đều đông đúc trẻ và phụ huynh. Tiếng khóc của trẻ, tiếng dỗ dành của phụ huynh làm không gian bệnh viện hầu như không bao giờ yên tĩnh.

Mua nong: Tre de mac benh vi giai nhiet sai cach
Trẻ được ba mẹ đưa đi khám bệnh do nắng nóng. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Chị Kim Thanh, ở P.12, Q.10, vừa thay tã cho con gái 21 tháng, vừa càu nhàu: “Bé bị tiêu chảy 3 ngày nay vì ở nhà cho uống nước mát gồm râu bắp, rễ tranh, lá thuốc dòi… để phòng rôm sảy”. 

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên khoa Y học cổ truyền Trường đại học Y Dược TP.HCM - cho biết: “Thầy thuốc chúng tôi thường xuyên phải “khắc phục hậu quả” những trường hợp trẻ bị ảnh hưởng sức khỏe vì bị phụ huynh cho uống nước mát quá nhiều.  Có trẻ uống nước mát nhiều bị lợi tiểu đến mất nước, mắt trũng sâu, môi khô, nhưng phụ huynh tưởng con bị nhiệt nên càng cho uống nước mát nhiều hơn, dẫn đến tình trạng trẻ bị mất nước nặng, lơ mơ. Nếu không phát hiện sớm, mất nước nặng có thể dẫn đến hôn mê và tử vong”. 

Bác sĩ Vũ khuyến cáo: “Nước mát không phải ai cũng uống được, với trẻ con càng phải thận trọng, đặc biệt là trẻ có thể hàn thì không nên uống nước mát, có thể gây lợi tiểu, tiêu chảy… Ngay cả với những loại nước giải nhiệt được xem là lành tính và quen thuộc như nước râu bắp, nha đam, rau má, nước dừa… cũng không nên tự tiện cho trẻ uống. Không nên cho trẻ uống nước mát quá 3 ngày và không uống thay nước lọc vì có thể khiến trẻ bị lợi tiểu, mất nước mà phụ huynh không hay”.

Mua nong: Tre de mac benh vi giai nhiet sai cach
Trẻ đi khám bệnh ở Bệnh viện Nhi đồng 1 - ảnh: Phùng Huy

“Trốn nắng” phải đúng cách

Hiện nay, những buổi chiều các hồ bơi đông nghịt người. Có trẻ vừa tới nơi là lập tức nhảy xuống nước, không khởi động, không  tắm qua để giữ sức khỏe cho mình và giữ vệ sinh hồ bơi. Vì vậy, hồ bơi vô tình đã trở thành ổ chứa vi khuẩn.

Lại thêm thuốc sát trùng khử nước được xem là thủ phạm gây kích ứng cơn suyễn và bệnh về da… Nhiều phụ huynh cho trẻ đi bơi cho mát mà quên rằng “người ngâm dưới nước, đầu vẫn bị nắng chang chang”, nên có trẻ chỉ sau 1 lần bơi về đã bị sốt. 

Bác sĩ Trần Châu Thái - khoa Mắt Bệnh viện Nhi đồng 1 - cảnh báo: “Môi trường nước hồ bơi có thể làm lây nhiễm bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, da, mắt… Riêng với mắt, đặc biệt là bệnh viêm kết mạc do vi-rút gây bệnh này có trong dịch tiết mắt và mũi của trẻ bị bệnh. Khi xuống hồ bơi, dịch tiết này hòa lẫn vào nước, làm nước bị nhiễm khuẩn. Trẻ nào hay lặn hụp hoặc lỡ uống nước hồ bơi thì dễ bị viêm kết mạc”.

Vì vậy, sau khi bơi, nếu trẻ có những dấu hiệu như: cộm, xốn, rát và mắt đỏ, ngứa sưng nề, chảy nước mắt là trẻ đã bị viêm kết mạc. Nếu chăm sóc không tốt (dụi mắt, dùng khăn không sạch lau mắt), thì 2-3 ngày sau trẻ sẽ bị bội nhiễm (dấu hiệu là mắt đổ ghèn, dính chặt vào buổi sáng) và có thể gây viêm loét giác mạc, làm mờ mắt hoặc có thể bị mù.

Ngoài ra, còn cách giải nhiệt gây bệnh thường xuyên ở trẻ em là ở trong phòng máy lạnh suốt ngày, rồi ăn kem, uống đá nên trẻ rất dễ bị bệnh đường hô hấp. Thậm chí, có những cách giải nhiệt, dù đúng phương pháp, nhưng nếu không cẩn thận vẫn có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Một số phụ huynh thường để chậu nước trong phòng máy lạnh, hay gần quạt để tăng độ ẩm, giúp bé đỡ khô họng. Thế nhưng, đã từng có trường hợp phụ huynh ngủ say, nửa đêm con dậy, bò té úp mặt vào thau nước tử vong. 

Cách giải nhiệt an toàn và phòng bệnh mùa nóng

- Hạn chế cho trẻ chơi ngoài trời nắng, vì dễ bị mất nước, say nắng, trúng nắng.

- Hạn chế cho trẻ uống đá và những thức ăn, uống lạnh. 

- Hạn chế cho trẻ ngồi lâu trong phòng máy lạnh. Không cho trẻ ngồi trước luồng gió máy lạnh, quạt. Đặc biệt, trẻ đang đổ mồ hôi, trẻ vừa đi ngoài nắng về không vào phòng máy lạnh ngay, nhằm tránh tình trạng sốc nhiệt; đồng thời cũng không cho trẻ đi tắm ngay, mà phải chờ khô mồ hôi. 

- Mùa nóng, nên tắm gội cho trẻ mỗi ngày. Tuy nhiên, không nên tắm quá nhiều lần và tắm lâu. Lưu ý, buổi tối trước lúc ngủ không nên gội đầu, làm ướt tóc trẻ có thể gây cảm lạnh. 

- Khi đi bơi, cha mẹ nên chọn hồ bơi có mái che và không nên cho trẻ tắm quá lâu. 

- Khi đặt thau nước làm mát và ẩm không khí, cần phải chú ý tránh tầm tay, lối đi, chỗ nằm của trẻ và canh chừng trẻ cẩn thận, không dùng vật chứa sâu có nguy cơ trẻ té ngã. 

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI