Mùa mưa, coi chừng nhiễm bệnh ngoài da từ thú cưng

12/08/2018 - 07:00

PNO - Mùa mưa, những chú cún và mèo cưng dễ bị nhiễm bệnh do môi trường ẩm ướt tạo điều kiện cho các vi khuẩn, vi nấm phát triển.

Trong số đó, có một số bệnh ngoài da có thể lây nhiễm sang người khi chúng ta ôm ấp, vuốt ve thú cưng.

Nhiễm vi khuẩn Bartonella henselae từ mèo

Mới đây, tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh - Phòng khám Chăm sóc da Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - vừa tiếp nhận một trường hợp nhiễm bệnh do mèo cào. Bệnh nhân là một cô gái 27 tuổi, tên T.K.M. (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) tới khám trong tình trạng cổ và cánh tay có những vết trầy xước. Không chỉ thế, vết thương còn bị lở loét, nổi ban sẩn. Bệnh nhân sốt nhẹ, vết thương ở tay đã qua một tuần mà vẫn chưa lành.

Bác sĩ Vân Thanh xác định, bệnh nhân đã mắc một chứng bệnh do vi khuẩn Bartonella henselae gây ra. Mèo nhiễm khuẩn Bartonella henselae sẽ lây truyền cho người qua vết cắn, liếm hoặc cào. Trẻ em hay có cử chỉ thân thiết với thú cưng là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất. Bệnh mèo cào rất nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời có thể diễn tiến nặng, gây ra các tổn thương ở não và tim, thậm chí tử vong. Trường hợp của chị M. may mắn phát hiện sớm, đã được điều trị và hồi phục sau một tuần.

Mua mua, coi chung nhiem benh ngoai da tu thu cung
 


Chó mèo lây nấm cho chủ

Một trường hợp khác là N.V.H., 17 tuổi (ngụ Q.7, TP.HCM) cũng đang phải điều trị bệnh ngoài da vì lây bệnh từ mèo. H. được bố mẹ mua cho một con mèo Anh với giá gần chục triệu đồng. Sài Gòn đang mùa mưa, chú mèo cứ lang thang đi chơi, bộ lông xù ướt sũng rồi tối về leo lên giường ngủ cùng với chủ. H. rất yêu chú mèo, thường xuyên vuốt ve, ôm ấp. Bỗng dưng cách đây một tuần, trên cánh tay H. xuất hiện các vết tròn màu hồng, màu đỏ, ngứa, có bóng nước li ti. Những vết này còn lan cả lên cổ và mặt. Đi khám da liễu, H. được xác định bị lây một loại nấm từ chó, mèo tên là Microsporum canis. 

Chó, mèo bị nhiễm nấm Microsporum canis thường bị rụng lông, nổi mẩn đỏ. Đôi khi các tổn thương do nấm xuất hiện ở vị trí khuất trong tai nên chủ vật nuôi khó lòng nhận biết. Thậm chí thú cưng chẳng có biểu hiện bất thường nhưng trên lông mang mầm bệnh và vẫn có thể lây cho người nếu không rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc. Người bị lây vi nấm này nổi các sần đỏ trên da với những bóng nước nhỏ li ti, ngứa và lan rộng dần ra xung quanh trông như đồng tiền (lác đồng tiền). Để điều trị, bệnh nhân phải bôi thuốc trị nấm, đồng thời cách ly với vật nuôi. Chó, mèo bị nhiễm nấm cũng cần được điều trị triệt để, nếu không vẫn có khả năng tái lây nhiễm cho người.
Dù không ôm ấp chó, mèo nhưng trẻ em vẫn có nguy cơ lây nhiễm vi nấm Microsporum canis. Chị P.T.D. (32 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM) cho biết, trên mặt và tay của con gái chị (7 tháng tuổi) bỗng nổi những nốt tròn màu hồng như đồng tiền. “Bác sĩ nói rằng, tuy bé không tiếp xúc với chó nhưng lúc bò trên sàn vẫn có nguy cơ chạm phải lông chó. Trên lông chó có chứa sẵn vi nấm nên bé bị lây bệnh”, chị D. kể. 

Chủ động phòng bệnh từ chó, mèo
Ngoài nguy cơ lây nhiễm vi nấm Microsporum canis và vi khuẩn Bartonella henselae, những chú cún và mèo cưng còn có thể lây truyền những bệnh nguy hiểm khác cho người như: dại, ký sinh trùng (giun), lyme (bệnh do ve chó)… 

Để phòng tránh bị nhiễm bệnh từ vật nuôi, cách tốt nhất là tiêm phòng bệnh cho chó, mèo đầy đủ, phát hiện và điều trị triệt để nếu thú cưng nhiễm bệnh. Nên hạn chế tiếp xúc gần với chó, mèo. Sau khi chơi với chó, mèo phải rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn. Chẳng may bị thú cưng cào, cắn, đừng chủ quan mà nhanh chóng đi tiêm phòng dại và khám chuyên khoa da liễu nếu thấy vết thương có biểu hiện bất thường.

 Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI