Một khúc cây nằm nửa năm trong gò má bé trai

14/04/2017 - 05:30

PNO - Một khúc cây nằm nửa năm trong hốc xương gò má bé trai mới được phát hiện, đoạn kim loại dài 10cm đâm từ xoang hàm ló lên hốc mắt

Đó là một số  trong những ca dị vật hy hữu chưa từng thấy được Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cảnh báo.

Khúc cây mục kẹt trong xương gò má nửa năm

Ngày 11/4, bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, từ tháng 2/2017 đến nay, đơn vị này tiếp nhận năm trường hợp dị vật bị bỏ quên trong vùng hàm mặt gây biến chứng.

Ca bệnh đặc biệt nhất là bệnh nhi N.V.L., 14 tuổi, quê Kiên Giang, tạm trú tại Đồng Nai. Đích thân BS Nguyễn Minh Hằng, Phó khoa Răng - Hàm - Mặt tiếp nhận ca này trong tình trạng vết thương ở má phải bị rỉ mủ. L. kể, cách đây nửa năm, trong lúc đùa giỡn với bạn, chẳng may bị té sấp mặt vào gốc cây mục.

Lúc đó bệnh nhi chỉ thấy đau và chảy máu ít. Vài ngày sau, vết thương ở má sưng to, mưng mủ. L. có tới cơ sở y tế ở địa phương khám, thực hiện phẫu thuật tới hai lần nhưng không tìm ra nguyên nhân.

Gần đây, thấy vết thương con trai mãi chưa lành, cha của L. lại đưa con đi khám, được một bệnh viện yêu cầu mổ. Lo sợ phẫu thuật lần thứ ba vẫn không có kết quả, hai cha con bé L. dắt nhau lên TP.HCM khám.

“Ngay lúc nhìn thấy tôi đoán ngay đây là ca dị vật hàm mặt. Dưới sự giúp sức của siêu âm, tôi gây tê bệnh nhi, gắp ra được hai mảnh cây mục có đường kính 0,5cm. Siêu âm kiểm tra lại, thấy dị vật vẫn còn nhưng nằm rất sâu. Chúng tôi quyết định chuyển bệnh nhi lên phòng mổ để tiến hành phẫu thuật”, BS Hằng chia sẻ.

Mot khuc cay nam nua nam trong go ma be trai
Khúc cây kẹt trong gò má bệnh nhi 6 tháng trời - Ảnh: Thanh Huyền


Sau một tiếng đồng hồ, các BS vẫn không tìm thấy dị vật. BS Đẩu và BS Hằng quyết định rạch một đường ở thái dương bệnh nhi, đi sâu vào tận xương gò má. Lúc này các BS thấy có ổ mủ vỡ ra, lấp lóe tia hy vọng, lại tiếp tục mổ thám sát sâu hơn nữa.

“Tôi không thể ngờ dị vật là một khúc cây rất to nằm kẹt trong hốc xương gò má của bé. Loay hoay mãi chúng tôi cũng lấy được dị vật ra. Kích thước của khúc cây dài 5cm, đường kính 0,5cm.

Chúng tôi không hiểu làm sao bệnh nhi có thể sống với khúc cây đó trong mặt suốt sáu tháng trời. Mô mềm xung quanh dị vật bị nhiễm trùng, phá hủy, may mắn chưa hủy vào tới xương”, BS Hằng thảng thốt.

Nổ bình ga mi ni, bé gái bị găm vô số mảnh thủy tinh trong má

Trường hợp dị vật vùng hàm mặt thứ hai kinh hoàng không kém là bé gái tên P.B.N., 39 tháng tuổi, quê Bình Phước, được chuyển tới Bệnh viện Nhi Đồng 1 mới đây. Cách lúc nhập viện hai ngày, bệnh nhi đi ăn cùng cha mẹ, bị nổ bình ga mi ni gây chấn thương.

Khi thăm khám, BS Hằng nhận định, vết thương của bé N. có đặc điểm chung của những vết thương do hỏa khí (miệng vết thương rất nhỏ nhưng bên trong lại bị phá ra). Kết quả siêu âm cho thấy có dị vật trong vết thương, BS Hằng gắp ra tại chỗ được các hạt thủy tinh li ti và cả những mảnh đũa (nghi do lúc bình ga nổ làm văng mảnh đũa và ly bể găm vào).

Tuy nhiên, trường hợp này vẫn chưa thể lấy hết dị vật ra, các mảnh thủy tinh vẫn còn sót vì rất khó phát hiện bằng chẩn đoán hình ảnh do tính chất thấu quang trong suốt.

Chớ chủ quan với vết thương lâu lành

Liên quan tới dị vật nghiêm trọng vùng hàm mặt, một trường hợp khác được các BS cảnh báo là bé trai bảy tuổi tên H.V.M., ngụ tại Tây Ninh. Bé M. bị ngã sấp mặt vào gốc cây mục. Bẵng đi một thời gian, thấy vết thương ở mặt con cứ chảy mủ không lành, gia đình mới đưa đi bệnh viện.

Ngay tại phòng khám của khoa Răng - Hàm - Mặt, BS Đẩu và BS Hằng đã gắp ra được 10 mảnh cây mục từ vết thương trên mặt em bé. Sau đó bệnh nhi được chuyển lên phòng mổ, tiếp tục gây mê, lấy ra thêm được ba mảnh cây mục nữa nằm sâu trong mặt.

Trước đó, các BS còn chứng kiến một bé trai bị cây lẹm đâm từ xoang hàm xuyên lên và lấp ló ở hốc mắt. Bệnh nhi này đã được phẫu thuật rạch mi mắt để lấy dị vật ra.
Qua những trường hợp kể trên, BS Hằng nhấn mạnh, khi trẻ em bị té có vết thương, hoặc vết thương lâu lành, phụ huynh không được chủ quan mà phải đưa bé đi khám ngay.

Về nguyên tắc, nếu có dị vật trong cơ thể thì dứt khoát sẽ bị nhiễm trùng, chảy mủ. Xử lý chậm trễ, ổ nhiễm trùng sẽ phá hủy các mô, xương xung quanh, thậm chí chuyển sang nhiễm trùng máu và gây tử vong. Vấn đề chỉ được giải quyết triệt để khi dị vật được lấy ra. Khâu kín vết thương không phải là giải pháp.

 Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI