Mẹ giang mai, con bị biến dạng xương, mù, điếc

30/09/2018 - 14:23

PNO - Em bé chào đời với nhiều bóng nước to bị vỡ ra, da bong tróc rải rác toàn thân. Xương cẳng chân của em bị biến dạng. Em bị giang mai bẩm sinh do lây từ mẹ.

Sáng 30/9, tại Hội nghị khoa học da liễu khu vực phía Nam do Bệnh viện Da liễu TP.HCM tổ chức đã thông báo có 5 trường hợp trẻ bị giang mai bẩm sinh được ghi nhận tại bệnh viện trong năm 2018.

Me giang mai, con bi bien dang xuong, mu, diec
Khám bệnh da liễu tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM

Tất cả các trường hợp trẻ bị giang mai đều lây truyền từ mẹ khi còn nằm trong bào thai.  Trong số này có một em bị phá hủy xương ở đầu xương cẳng chân. Ngoài ra, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM ghi nhận trên cơ thể em có nhiều bóng nước to đã vỡ, da bong tróc rải rác toàn thân.

Nguyên nhân trẻ mắc bệnh do thai phụ không xét nghiệm giang mai và điều trị lúc mang thai.

Em chào dời khi mẹ mới 17 tuổi. Trước khi lấy chồng, người mẹ quan hệ với một người khác từ năm 15 tuổi.

Khi khám thai ở tỉnh Hòa Bình, người mẹ chỉ siêu âm thai, không làm xét nghiệm máu. Đến khi thai phụ vỡ ối sớm, chuyển dạ sinh non khi thai chưa được 36 tuần; các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) mới phát hiện người mẹ bị giang mai.

Một em bé khác, cũng sinh non khi mới 32 tuần tuổi. Lúc này, các bác sĩ mới phát hiện mẹ bị giang mai nhưng không điều trị. Em bé khi sinh ra bị tràn dịch màng bụng.

Cả hai em bé được điều trị giang mai sơ sinh bằng kháng sinh kéo dài từ 3-4 tháng và sau đó lành bệnh.

Theo bác sĩ Huỳnh Thị Thanh Thùy, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, trong 4 năm đầu mắc bệnh giang mai, nếu không điều trị thì 70% thai phụ lây bệnh cho con. 

Ngược lại, nếu dùng kháng sinh điều trị giang mai trước tuần 28 của thai kỳ, tỷ lệ ngừa bệnh giang mai cho con lên đến 98%. Việc điều trị rất đơn giản bằng loại kháng sinh rẻ tiền nhưng rất hiệu quả.

Giang mai là bệnh nhiễm trùng mạn tính ở đa cơ quan, do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Bệnh lây lan qua 3 đường: tình dục, truyền máu, mẹ con.

Người mẹ bị giang mai nếu không điều trị sẽ lây sang con (giang mai bẩm sinh). Sự lây truyền thường xảy ra từ tháng thứ 4- 5 của thai kỳ, do màng nhau thai mỏng đi, máu mẹ dễ dàng trao đổi với máu thai nhi, xoắn khuẩn giang mai sẽ xâm nhập vào thai nhi qua nhau thai để gây bệnh.

Giang mai bẩm sinh có thể gây sảy thai, thai chết lưu, sinh non, tử vong so sinh. Ngay cả khi trẻ sơ sinh còn sống, vẫn có các biểu hiện của giang mai, bị biến dạng răng, xương, mù lòa, điếc.

Nếu nhiễm xoắn khuẩn nhẹ, em bé mới sinh trông có vẻ bình thường nhưng sau vài ngày hoặc 6 - 8 tuần sẽ xuất hiện các thương tổn giang mai, khi đó gọi là giang mai bẩm sinh sớm.

Giang mai bẩm sinh có thể xuất hiện muộn hơn khi trẻ trên 2 tuổi, khi 5 - 6 tuổi hoặc lớn hơn gọi là giang mai bẩm sinh muộn.

Tổ chức Y tế thế giới WHO ước tính có 1,5 triệu ca giang mai trong thai kỳ mỗi năm. Năm 2016, Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) ghi nhận tỷ lệ  trẻ bị giang mai bẩm sinh là 15,7 trường hợp/100.000 ca còn sống.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI