Lựa chọn sống và quên đi cửa tử

01/12/2019 - 07:00

PNO - Cuộc sống này thật ngắn ngủi bởi những dự liệu chẳng kịp thực hiện nhưng với nhiều bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, từng ngày được sống chính là từng ngày họ học được bài học cuộc sống một cách sâu sắc nhất.

“Tôi chọn sống” chính là lời khẳng định mạnh mẽ của họ, khước từ khoảng trống tối tăm và tự thắp lên ngọn lửa hy vọng cho chính mình. 

Chuẩn bị cho sự kiện ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12), Việt Nam đã khởi động Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10/11 - 10/12/2019) với nỗ lực hướng đến mục tiêu các quốc gia kết thúc đại dịch này vào năm 2030 theo khuyến cáo từ Liên Hiệp Quốc. 

Lua chon song va quen di cua tu

Một trong những nỗ lực không thể thiếu để chạm đến mục tiêu trên chính là giáo dục ý thức của cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Không ai khác, họ chính là điểm tựa cho chính bản thân họ, là những người gieo niềm tin, tinh thần lạc quan cùng khát khao được sống. 

Họ chẳng phải là những người dị biệt như số đông mặc định mà là những người mẹ, người cha, nghệ sĩ, giáo viên… đang từng ngày đóng góp giá trị cho cộng đồng, khẳng định rằng họ cũng có khát khao được sống, được cống hiến như bất kỳ ai trong chúng ta.

Chính định kiến mới giết chết chúng ta

Cụm từ “HIV/AIDS” bấy lâu xuất hiện trên truyền thông kèm mô tả “căn bệnh thế kỷ”. Điều này khiến những người nhiễm bệnh ít nhiều mặc cảm với căn bệnh họ không may mắc phải.

Eric Leonardos cũng từng như thế. Anh nhận chẩn đoán nhiễm HIV năm 2006, lúc mới 25 tuổi và đang sống ở Texas, Mỹ. Nơi ấy, mọi người không mấy thoải mái khi biết mình đang sống cạnh người nhiễm HIV/AIDS.

Anh chia sẻ: “Chẳng ai quên được ngày mình nhận kết quả xét nghiệm HIV dương tính. Tôi hoang mang, lo sợ, cảm giác cô đơn bủa vây lấy mình, không biết phải đối diện với người thân, bạn bè ra sao. Tôi thật sự xấu hổ. Rồi tôi sẽ sống tiếp thế nào? Liệu có ai còn mở lòng dành tình yêu cho tôi không? Dòng suy nghĩ cứ miên man, vô số câu hỏi hiện lên mà tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. 

Tôi hiểu những cảm xúc tiêu cực mà bệnh nhân nhiễm HIV phải đối diện khi đón nhận “tin dữ”. Với tôi, đó là trải nghiệm quý giá, tạo động lực thúc đẩy tôi chia sẻ câu chuyện của mình, giúp những người trong hoàn cảnh tương tự sớm thoát khỏi “cái bẫy” cảm xúc đến từ HIV/AIDS. Tôi muốn mọi người thấy căn bệnh không nói lên con người tôi mà chính những gì tôi đã nỗ lực, cố gắng mới định nghĩa đầy đủ về tôi”. 

13 năm là hành trình Eric không đơn độc vì anh đã dũng cảm mở lòng. Sau khi phát hiện bệnh, Eric suy sụp khi nhận ra những người xung quanh bắt đầu lạnh nhạt, xa lánh anh. Anh chia sẻ với một người bạn và người này khuyên anh chuyển đến Los Angeles, nơi mọi người cởi mở hơn rất nhiều.

Lựa chọn thay đổi đã tạo nên bước rẽ quan trọng với Eric. Anh được chấp nhận và từ đó, quyết tâm điều trị. Eric biết ơn những tiến bộ của khoa học để những xét nghiệm có thể diễn ra nhanh chóng và quá trình chăm sóc cũng dễ dàng hơn. Giờ đây, mỗi ngày Eric chỉ uống một viên thuốc sau bữa trưa và diễn tiến sức khỏe ngày càng tích cực. Bản thân anh hiểu điều khó khăn nhất chính là thay đổi tư duy của mọi người.

Eric kể: “Mọi người không dám đến phòng xét nghiệm vì lo lắng kết quả HIV dương tính. Khoảng cách giữa việc dám xét nghiệm với việc chọn không làm gì cả chính là hố sâu định kiến. Tôi nhận ra trong hoàn cảnh này, thứ mọi người cần là sự thấu cảm và tôi tình nguyện làm cầu nối.

Tôi muốn sống có ích, là điểm tựa tinh thần để ai đó trong lúc lạc lối có thể bấu víu. Chỉ cần họ chấp nhận thực tế, mọi việc sẽ khác đi rất nhiều. Và tôi đã dùng cuộc đời mình chứng minh điều đó”. 

Lua chon song va quen di cua tu
 

Khi nhìn vào Eric, người ta không thấy vẻ mệt mỏi, chán chường mà thay vào đó là một chàng trai tràn đầy sức sống. Anh liên tục xuất hiện, chia sẻ với cộng đồng về quá trình chung sống với HIV/AIDS và những nỗ lực cải thiện điều kiện sức khỏe của bản thân. Eric đã thành công trong việc tạo nên nếp nghĩ mới cho mọi người, trao cho những bệnh nhân HIV/AIDS niềm tin rằng, chính họ mới là người quyết định diễn tiến của bệnh. 

Càng mở lòng chia sẻ, Eric càng có cơ hội cảm nhận rõ vẻ đẹp nội tâm chính mình, sẵn sàng đón nhận tình yêu thương. Năm 2016, Eric tham gia chương trình truyền hình thực tế “Finding Prince Charming” (Đi tìm hoàng tử quyến rũ) và giành chiến thắng. 

Đây là chương trình hẹn hò dành cho đối tượng đồng tính nam lấy từ ý tưởng của chương trình “The Bachelor” (Người độc thân). Khi tham gia chương trình, Eric không còn mặc cảm mình là người có bệnh. Anh cảm nhận trái tim mình vẫn biết rung động, vẫn tràn ngập tình yêu thương. Sau chương trình, người ta biết đến anh nhiều hơn và Eric càng có thêm nhiều cơ hội lan tỏa bài học anh đã có được.

Lòng thấu cảm sẽ xoa dịu tất cả

Eric chia sẻ: “Mỗi khi kể lại quãng đường mình đã trải qua, tôi lại nhận về tình yêu và sự chấp nhận. Đó chính là sức mạnh cho tôi tiếp tục cố gắng, tiếp tục bảo vệ những người yếu thế đang phải gồng mình chống chọi không phải với HIV/AIDS mà với định kiến nặng nề.

Chỉ khi nào phá bỏ được định kiến trong bản thân mỗi người, chúng ta mới động viên thành công họ làm xét nghiệm. Bước tiếp theo là xây dựng cơ hội cho bác sĩ, bệnh nhân và người thân đối thoại với nhau, tạo nên một vòng tròn an toàn giúp người bệnh giữ được tinh thần lạc quan, niềm hy vọng.

Tôi biết ơn những người quen và cả những người xa lạ ở Los Angeles. Chính họ đã vực dậy tinh thần của tôi, trao cho tôi cơ hội được sống. Họ củng cố trong tôi suy nghĩ rằng mình phải sống và đó là sự lựa chọn duy nhất, thay vì quẩn quanh với những suy nghĩ bi quan, tiêu cực”. 

Một trong những thông điệp quan trọng Eric thường nhắc đi nhắc lại khi kết nối cộng đồng với những người nhiễm HIV/AIDS chính là hãy hiểu đúng về thái độ mà người bệnh mong muốn đón nhận. Eric chia thành hai khái niệm rõ ràng là lòng thương cảm và sự thấu cảm.

Lòng thương cảm thường mang sắc thái của sự thương hại: “Ồ tội quá. Bây giờ người nhiễm HIV/AIDS có thể sống lâu hơn rồi đấy. Bạn sẽ ổn thôi mà!”. Còn sự thấu cảm sẽ xuất hiện với một sắc thái khác: “Tôi không thể tưởng tượng được những cảm giác bạn đã trải qua. Bây giờ bạn thế nào rồi?”.

Sự giao tiếp với sự thấu cảm khiến người HIV/AIDS xóa được mặc cảm mình đang là người yếu thế. Trải nghiệm cá nhân của Eric cũng như những trường hợp anh trực tiếp nâng đỡ, hỗ trợ giúp anh nhận ra chính xác điều mà người nhiễm HIV/AIDS cần. 

Năm 2016, các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đã đạt được đồng thuận về một chương trình nghị sự khẩn cấp và mang tính lịch sử, nhằm thúc đẩy các nỗ lực hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Đồng thuận này chính là “Tuyên bố chính trị về kết thúc dịch AIDS: dồn tổng lực để đẩy nhanh tiến độ phòng, chống HIV và kết thúc dịch AIDS vào năm 2030”. Theo đó, việc dồn tổng lực để đẩy nhanh tiến độ phòng, chống AIDS là trách nhiệm của toàn thế giới.

Thông điệp mới trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS vừa được các tổ chức phòng, chống HIV/AIDS thế giới đưa ra là “không phát hiện = không lây truyền”, được viết tắt là K=K. Theo đó, người nhiễm HIV mới sẽ được điều trị tích cực và sử dụng luôn phác đồ điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV).

Khi được sử dụng phác đồ này, khả năng lây nhiễm HIV gần như bằng không. Vì vậy, việc xét nghiệm được thực hiện càng sớm càng tốt và đây là một trong những thông điệp truyền thông quan trọng của các tổ chức phòng, chống HIV/AIDS. 

Thiên Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI