Liên thông kết quả xét nghiệm: Dẹp lợi ích ẩn náu là xong!

20/03/2017 - 09:00

PNO - Chẳng ai tin ai - là tình trạng chung của các bệnh viện (BV) và các cơ sở khám chữa bệnh đối với những xét nghiệm (XN) cận lâm sàng.

Nếu ngành y tế dùng mệnh lệnh hành chính để “bắt” các BV phải chấp nhận kết quả XN của nhau là việc rất đơn giản, nhưng thực tế là dễ rơi vào hình thức và không giải quyết được áp lực tâm lý của bác sĩ (BS) khi đưa ra một chỉ định.

Tuy nhiên, tình trạng hoa hồng trong chỉ định đã gây khủng hoảng niềm tin, khiến bệnh nhân (BN) tốn kém, xã hội ác cảm với những XN cứ lặp đi lặp lại từ BS này sang BS khác, BV này sang BV khác. Phải giải quyết vấn đề này thế nào?

Lien thong ket qua xet nghiem: Dep loi ich an nau la xong!
Để tiến hành nội kiểm (cho chạy máy trong nội bộ) hằng ngày, Trung tâm Medic Hòa Hào (TP.HCM) cần đến gần 20 người, chi phí 50 triệu đồng/ngày - Ảnh: Quốc Ngọc

Chuẩn hóa phòng xét nghiệm nên thế nào?

Thực hiện Quyết định 316/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã yêu cầu các BV trực thuộc bộ lập kế hoạch để liên thông công nhận kết quả XN trước ngày 1/7 tới. Các BV hạng 1 và tương đương sẽ thực hiện liên thông kết quả XN trước 1/1/2018. Đến năm 2020, liên thông XN đối với các phòng XN có cùng mức chất lượng trong phạm vi tỉnh, thành phố. Đến năm 2025, việc liên thông kết quả XN sẽ thực hiện đối với tất cả các phòng XN toàn quốc.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, hiện còn nhiều BV yếu kém về XN. Chất lượng phòng XN không đồng nhất, cùng một mẫu test nhưng mỗi nơi cho kết quả khác nhau. Tồn tại này đã ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, khiến không thể công nhận kết quả XN giữa các BV, gây phiền hà, tăng chi phí cho BN.

Nhằm tạo cơ sở cho việc liên thông, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đang xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng phòng XN y học theo năm mức: rất tốt, tốt, khá, trung bình - khá, trung bình và chưa xếp hạng.

Đây sẽ là bộ công cụ đánh giá việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng XN; từng bước nâng cao chất lượng XN để đảm bảo kết quả XN chính xác, kịp thời và chuẩn hóa. Bộ Y tế cũng sẽ hình thành mạng lưới phòng XN tham chiếu, để bảo đảm chất lượng và độ tin cậy, tiến tới việc các BV công nhận kết quả XN của nhau; đến năm 2025 sẽ hoàn thiện mạng lưới toàn quốc.

Thực tế tại TP.HCM, từ lâu đã có nhiều đơn vị chuẩn hóa phòng XN, có chế độ nội kiểm và ngoại kiểm chặt chẽ giúp kết quả XN chính xác hơn. Tuy nhiên, theo BS Diệp Bảo Tuấn - Phó giám đốc BV Ung Bướu TP.HCM, sự thiếu đồng bộ xuất phát từ các khó khăn như nhiều nơi chưa có đủ những máy XN hiện đại, nhân lực thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng yếu, giải phẫu bệnh chưa được đào tạo chuyên sâu nên kết quả XN chưa phù hợp với lâm sàng.

“Tôi cho rằng nếu chuẩn hóa thì nên chuẩn hóa các phòng XN theo hạng BV, theo tuyến thực hiện. Như vậy việc thông tuyến kết quả XN sẽ được hợp lý hơn”, BS Tuấn nói. BN sẽ không còn phải làm XN nhiều lần, vừa mất tiền, vừa mất thời gian. Đối với BV Ung Bướu, hiện không chỉ quá tải về số lượng BN mà còn quá tải cả về việc thực hiện các XN chẩn đoán. Mỗi ngày, BV phải thực hiện khoảng 7.000 XN, đọc 950 tiêu bản giải phẫu bệnh, tế bào học, 860 lượt siêu âm…

Nếu thực hiện liên thông kết quả XN, BV Ung Bướu sẽ giảm tải rất lớn. Về vấn đề chuẩn hóa các phòng XN, BS Tuấn lưu ý, cần cập nhật thông tin xếp hạng các phòng XN lên mạng của Bộ Y tế để các BV tham khảo, đồng thời: “Cần định rõ những nhóm XN nào có thể thực hiện theo hạng BV nào. Ví dụ các XN tìm đột biến gen, XN tế bào học chỉ được thực hiện ở một số BV có trang thiết bị hiện đại và nhân lực có chuyên môn cao. Cũng cần xác định thời hạn của XN, kết quả XN có giá trị trong thời gian bao lâu. Được vậy, việc liên thông XN mới khả thi”.

Bác sĩ không phải người máy

Về chuyên môn, BS Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Chợ Rẫy TP.HCM, cho rằng, cần có cái nhìn thấu đáo khi một BS “không công nhận” một kết quả XN nào đó. Ý nghĩa của các XN cận lâm sàng là giúp cho BS khẳng định chẩn đoán, loại trừ những vấn đề nghi ngờ… Khi khám, BS sẽ nghe BN khai các triệu chứng cơ năng (tức cảm nhận của BN), sau đó tiến hành khám thực thể để BS kiểm tra, ghi nhận triệu chứng thực thể.

Từ triệu chứng cơ năng và thực thể, cộng với kiến thức, kinh nghiệm của mình, BS đưa ra hai chẩn đoán chính (điều mà BS nghĩ đến nhiều nhất) và chẩn đoán phân biệt (tức những điều tiếp theo BS còn nghĩ đến ngoài cái chính). Tiếp theo, BS cho các chỉ định XN cận lâm sàng để củng cố các chẩn đoán của mình.

“Như vậy, luôn có thể xảy ra tình huống trong đầu BS nghĩ nhiều đến khả năng A, nhưng kết quả cận lâm sàng lại cho ra B. Nếu BS vẫn tin vào chẩn đoán của mình, theo nguyên tắc chuyên môn, BS toàn quyền và chịu trách nhiệm trong việc quyết định xem kết quả XN đó có sử dụng được hay không, hoặc phải làm lại”, BS Việt giải thích.

Tại BV Chợ Rẫy, ngay cả khi kết quả do chính Khoa XN của BV thực hiện có khác biệt, nếu vẫn tin vào chẩn đoán của mình, BS hoàn toàn có thể cho làm lại. Có trường hợp phải làm lại hai-ba lần để có thể kết luận chính xác.

“Nguyên tắc của ngành y là nếu BS tin tưởng cái gì thì chịu trách nhiệm cái đó. Ngược lại, nếu khi anh không tin thì ngay cả số liệu máy móc đưa ra cũng phải chống lại. BS chứ không phải người máy. BS mà chỉ biết nghe máy “bảo” làm gì làm nấy thì cũng không ổn. Máy móc chắc chắn không thể tránh khỏi những lúc trục trặc, không chính xác”, BS Việt chia sẻ.

Trong tình huống BN mang kết quả XN từ nơi khác đến, theo BS Việt, cần phải xét thêm các yếu tố. Thứ nhất, thời gian XN đã thực hiện là bao lâu? XN hôm nay thì có thể mai đã thay đổi, cụ thể như điện tim thay đổi từng giờ từng phút…

Thứ hai, XN còn phụ thuộc vào loại bệnh lý, loại cận lâm sàng. Một số bệnh lý có quy định chuẩn bao lâu làm XN một lần, nhưng phần nhiều là phải tùy theo diễn tiến của bệnh để tính toán cho làm XN theo đáp ứng của mỗi người. Thứ ba, là chất lượng phòng XN. “Hiện nay các BS vẫn rất lo vấn đề này nếu liên thông XN. Nhà nước phải làm sao có cách quản lý và công bố chất lượng của các phòng XN để mọi người được biết”, BS Việt đồng quan điểm BS Tuấn đã nêu.

Lợi ích “ngầm”

Trao đổi tại hội thảo tăng cường quản lý chất lượng XN ngày 13/3 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đồng ý có những XN mang tính theo dõi tại từng thời điểm trong quá trình điều trị, vẫn phải XN lại. Có thể dùng lại kết quả đối với XN có giá trị sử dụng dài, với điều kiện phòng XN phải có độ tin cậy cao.

Theo ông Tiến, tình trạng chỉ định quá mức XN còn có nguyên nhân từ việc các thiết bị XN được đầu tư bằng nguồn xã hội hóa, liên doanh đặt máy… Về yếu tố này, BS Việt đưa ra khuyến cáo: “Tôi băn khoăn nhất việc chúng ta đang hiểu thế nào là sự không công nhận một XN của BS? Tôi đã giải thích nhiều lý do khiến BS quyết định không sử dụng một kết quả XN nào đó. Do đó, không nên cứ thấy BS cho làm lại XN thì lập tức cho rằng BS ấy không công nhận kết quả XN cũ theo hướng tiêu cực”.

Nếu phát hiện có chuyện hoa hồng trong chỉ định, phải tính ngay đến biện pháp quản lý. Theo BS Việt, BV Chợ Rẫy tuyệt đối không cho bất kỳ cá nhân nào đầu tư vào các thiết bị, máy móc cận lâm sàng. “Nếu cá nhân đầu tư vào trang thiết bị cận lâm sàng, thì người đó phải lạm dụng cái máy thôi. Chúng tôi cương quyết không để một cá nhân nào đó đầu tư vào máy móc liên quan đến chỉ định của BS để bảo đảm khi BS ra chỉ định là hoàn toàn khách quan”, BS Việt khẳng định.

Ngay cả việc cho BN làm một XN bên ngoài, BS tại BV Chợ Rẫy cũng phải chứng minh được XN đó hiện BV không có, kèm giấy chuyển viện để được bộ phận quản lý thông qua. Trường hợp BN có yêu cầu thì ghi vào hồ sơ thể hiện nguyện vọng muốn ra ngoài làm XN của BN. BS Việt thừa nhận, do các nhóm lợi ích đang “ẩn náu” nên dư luận có quyền đặt nghi vấn việc chỉ định làm lại các XN là vì cái gì, vì chuyên môn hay vì “không tin”?

Theo ông, nếu tất cả các chỉ định đều mang tính khách quan không vụ lợi, sẽ có đến hai lần tích cực: “Một, BS sẽ tuyệt đối chỉ định vì chuyên môn, không ai rảnh mà bày ra việc chỉ định này nọ. Về phía BN, nếu biết chắc chắn không có trục lợi thì đâu còn vấn đề gì nữa. Dẹp cái lợi ích ẩn náu đó đi là xong!”. Vì thế, bên cạnh mục tiêu từng bước nâng cao và chuẩn hóa chất lượng phòng XN làm cơ sở cho việc liên thông kết quả XN giữa các BV, giảm phiền hà, chi phí cho BN, ngành y tế có dám “mạnh tay” với các nhóm lợi ích “ẩn náu”?

Quốc Ngọc

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong năm 2016, các cơ sở y tế trên toàn quốc đã thực hiện hơn 516 triệu XN các loại. Kể từ năm 2011 đến nay, số lượng XN tại các BV hằng năm tăng trung bình trên 10%.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI