Lấy dị vật ở tai, mệt bở hơi tai

21/04/2018 - 13:02

PNO - Trong số các ca mắc dị vật thì dị vật ở tai có vẻ hiền lành hơn cả.

Lý do khiến dị vật tai không quá ầm ĩ: ít leo cao chui sâu, ít gây tổn thương, ít biến chứng nặng, sau cùng là ít ngóc ngách thuận lợi cho việc lấy dị vật. Tuy nhiên, không nên vì thế mà chủ quan với những trường hợp trẻ mắc dị vật ở tai.

“Chữ tác thành chữ tộ”

Chính vì đơn giản mà việc lấy dị vật tai dễ sinh chủ quan, biến “chữ tác thành chữ tộ”. Lỗi thường gặp là càng cố lấy (sai cách) càng đẩy sâu dị vật vào trong. Khác người lớn, trẻ nhỏ thường không nhận ra dị vật lọt vào tai.

Có trường hợp hạt mãng cầu ăn dầm nằm dề trong tai một bé trai suốt nhiều năm, đến khi ù tai, nghễnh ngãng, nôn (kích thích thần kinh phế vị), chảy mủ nhiễm trùng tai giữa, gia đình đưa đi khám mới vỡ lẽ. Y văn thế giới từng chứng kiến những ca hạt đậu… nảy mầm hay cả đám giòi bọ lúc nhúc trong tai của nạn nhân mắc dị vật nhiều năm.

Lay di vat o tai, met bo hoi tai
 


Lấy dị vật ở tai, khôn hơn khéo

Thực tế, lấy dị vật tai không dễ. Nhiều trường hợp bở hơi tai rồi phải bỏ cuộc mà còn để lại “chiến trường” tệ hơn lúc mới bắt đầu:

Với dị vật bất động: những dị vật loại này thường là hạt lúa, hạt mãng cầu, hạt bắp, hạt đậu, hạt cườm, nút áo, miếng lego, đầu tăm bông… Nếu nhìn thấy rõ cần nhận dạng kỹ dị vật để định bề. Nếu đó là vật mềm, dễ nắm, có thể gắp bằng nhíp. Vật cứng, tròn, trơn thường khó gắp, dễ rơi và mắc lỗi kinh điển càng cố đẩy vật vào sâu. Trường hợp này nên dùng dụng cụ dạng móc, cây lấy ráy tai, luồn sát thành ống tai ra phía sau dị vật và nhẹ nhàng kéo ra. 

Một số trường hợp bảo trẻ nghiêng đầu về bên tai có dị vật, lắc nhẹ đầu nếu cần, may mắn dị vật có thể rơi ra mà không tốn công. “Thủy công” là cách lấy dị vật mềm mỏng lại khá được việc. Bạn dùng ống tiêm bơm nước vào thành trên ống tai ra sau dị vật và lùa dị vật ra. Lưu ý, không bơm nước thẳng vào dị vật vì sẽ đẩy dị vật vào sâu hơn. Không dùng nước với dị vật thấm nước (chẳng hạn đầu tăm bông) vì sẽ làm dị vật phình to khó lấy.

Dị vật ngọ nguậy: dạng này có thể là côn trùng, đỉa, giun… Trẻ con cũng có thể nhận ra ngay dị vật bởi tiếng sột soạt và nhất là những cú cắn vào ống tai, ngọ nguậy chạm vào màng nhĩ gây đau đớn, nếu nặng có thể gây nôn, xây xẩm, trẻ nhỏ có thể hoảng loạn. Khác với hạt lúa, những dị vật sống đòi hỏi người lớn phải xử lý khôn khéo, nếu không sẽ gây nhiều phiền toái. Đầu tiên, nếu những vị khách không mời còn sống và đang ngọ nguậy thì không nên hấp tấp chọc ngoáy bởi tập tính càng bị động chạm, kích động, càng khiến ong, kiến lùi sâu, chòi đạp lung tung.

Côn trùng trong cơn chống cự thường quơ càng, xoạc chân nhiều ngạnh, mắc càng sâu càng khó lấy ra. Một số nổi điên tiết ra những hóa chất sinh học gây tổn hại đến tai. Trường hợp này nên dùng chiến thuật “dọa” cho côn trùng sợ và chui ra hoặc bức tử bằng cách nhỏ cồn nhẹ, rượu, dầu dừa hoặc thuốc nhỏ tai có vị đắng (không dùng xăng, dầu lửa gây tổn hại tai). Khi vị khách phiền phức đã chết thì râu, cánh, càng, chân khép lại dễ lấy bằng dụng cụ hoặc bằng tia nước. 

Nếu các phương pháp trên đều thất bại, bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện chuyên khoa, bởi trong trường hợp này, có thể phải gây mê mới trục xuất được dị vật. Cả khi lấy dị vật thành công, nhất là những ca khó, đôi khi phải đưa trẻ đi khám để xem xét tình hình trong tai bởi có thể đã có tổn thương trong quá trình lấy. Phụ huynh càng không nên chủ quan với dị vật côn trùng, bởi có thể trước đó chúng đã kịp để lại hậu quả trong tai trẻ. 

Có trường hợp nhử mồi ngọt đối với một số “vị khách hảo ngọt”, nhất là kiến, đôi khi thành công nhưng đa phần không tác dụng vì kiến mắc kẹt, không quay đầu trở ra được. Cách khác là tắt hết đèn, chỉ dùng nguồn sáng nhỏ (đèn pin...) bên ngoài tai để dùng bản năng hướng sáng “dụ” côn trùng chui ra. Thực tế, tương tự cách nhử mồi ngọt, cách này không phải lúc nào cũng thành công bởi côn trùng bị mắc kẹt.

Những nguyên tắc cần tuân thủ khi lấy dị vật tai

- Không chắc thì không làm, cả khi có thể nhìn rõ dị vật.
- Sau một hai lần phạm lỗi “càng cố càng đẩy dị vật vào sâu”, cần ngưng ngay.
- Cần xem dị vật tai ở trẻ em là ca khó bởi sự chịu đựng và hợp tác của trẻ rất kém, chẳng những gây khó mà còn gây tổn hại nghiêm trọng cho bé trong quá trình lấy dị vật. Nhiều ca hỏng màng nhĩ vì trẻ vùng vẫy trong lúc lấy dị vật.

 Bác sĩ Đỗ Trình Thoại

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI