Hy hữu thai sống ở cổ tử cung

15/01/2019 - 18:53

PNO - Chị B.N.N. 27 tuổi chưa kịp vui mừng vì có thai sau 6 tháng kết hôn, nhưng bào thai lại nằm ở cổ tử cung. Các bác sĩ buộc phải hủy thai để cứu mẹ.

Chị B.N.N. (27 tuổi, Bình Dương) phát hiện trễ kinh nên thử thai bằng que, vui mừng chị phát hiện mình có thai sau 6 tháng kết hôn và chờ đợi đứa con đầu lòng.

Hy huu thai song o co tu cung
Thai phụ đến khám và điều trị tại Bệnh viện Từ Dũ 

Thế nhưng kết quả siêu âm của một bệnh viện ở tỉnh Bình Dương – nơi chị cư trú ghi nhận bào thai nằm ngoài tử cung, chính xác là ở vị trí cổ tử cung, chứ không phải trong tử cung như bình thường.

Đây được xem là tình trạng biến chứng thai kỳ nên chị N. được chuyển gấp lên Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM). Khi nhập viện, thai phụ vẫn tỉnh táo, chỉ có đau bụng và không xuất huyết.

Thai ngoài tử cung ở vị trí cổ tử cung rất hiếm gặp. Thường chỉ chiếm khoảng dưới 1% các vị trí ngoài tử cung. 

Bào thai được phát hiện đã làm tổ và phát triển rất mạnh ở vị trí cổ tử cung. Bào thai có sự tăng sinh mạch máu rất mạnh, thai bám chặt vào cổ tử cung tạo thành tình trạng nhau cài răng lược. Lúc này, bào thai ở được 7 tuần tuổi, có phôi thai và tim thai.

Thai ngoài tử cung có sinh được không? Giải thích vấn đề này, bác sĩ Đặng Thị Phương Thảo - Phó khoa Nội soi, Bệnh viện Từ Dũ - cho biết: dù hiện tại bào thai vẫn có sự sống nhưng do thai ở vị trí cổ tử cung nên khối thai sẽ vỡ ra hoặc sẩy khối thai.

Cổ tử cung không phải là vị trí thích hợp cho sự phát triển bào thai. Nếu giữ lại, thai phụ sẽ gặp nguy hiểm vì bị xuất huyết ồ ạt, đe dọa tính mạng, thậm chí ngay cả khi ở tại bệnh viện cũng có thể cứu không kịp.

Hy huu thai song o co tu cung
Hình ảnh bào thai ở cổ tử cung  của chị B.N.N. (Bình Dương)

Để xử trí trường hợp hiếm gặp này, các bác sĩ khoa Nội soi, Bệnh viện Từ Dũ hội chẩn và quyết định hủy thai bằng thuốc để sau đó gắp thai ra ngoài qua ngả âm đạo. Việc hủy thai cũng giúp thai phụ tránh nguy cơ tử vong rất cao khi khối thai tiếp tục lớn lên và vỡ ra. 

Với phương án này, rủi ro chảy máu ồ ạt vẫn có thể xảy ra. Lúc đó, bác sĩ buộc phải mổ để cắt bỏ tử cung nếu gắp thai không thành công. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng đây là lựa chọn tốt nhất để người phụ nữ trẻ này có thể sinh con về sau.

Sau khi thai phụ và gia đình được thông báo, các bác sĩ tiêm một loại thuốc vào bào thai để ức chế sự phát triển của thai. 10 ngày sau đó, thai phụ bắt đầu sẩy thai, được chuyển vào phòng mổ. Ở đây, các bác sĩ thắt động mạch cổ tử cung, gắp bào thai ra ngoài qua ngả âm đạo và cầm máu.

Hy huu thai song o co tu cung
Một bệnh nhân sau phẫu thuật tại BV Từ Dũ

Sau 2 tuần theo dõi kỹ lưỡng, hiện tượng chảy máu không còn. Người mẹ được xuất viện với tử cung được bảo tồn, với hy vọng có thể tiếp tục mang thai tự nhiên.

Theo bác sĩ Đặng Thị Phương Thảo, thế giới chưa có phác đồ xử trí thai ở cổ tử cung. Xử trí như thế nào tùy thuộc vào mỗi trường hợp với các yếu tố như tuổi thai, tình trạng thai... 

Hầu hết, các trường hợp thai ở cổ tử cung trên 12 tuần gây xuất huyết ồ ạt đều buộc phải cắt tử cung để đảm bảo tính mạng cho người mẹ.

Tỷ lệ thai ở cổ tử cung được ghi nhận vào khoảng 1/2.500 đến 1/18.000 ca mang thai. Cơ chế dẫn đến thai phát triển ở cổ tử cung chưa được xác định nhưng thường xuất hiện ở môt số thai phụ có các yếu tố nguy cơ như: tổn thương nội mạc tử cung do nạo hút thai hoặc viêm nội mạc tử cung mãn; u xơ tử cung, thụ tinh ống nghiệm…

Thai cổ tử cung có dấu hiệu như thai ngoài tử cung với các triệu chứng tiêu biểu: đau bụng, trễ kinh và ra huyết. Do đó, với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là chị em đã có gia đình, khi có dấu hiệu trễ kinh và các dấu hiệu nghi ngờ có thai, các bác sĩ khuyên nên đến bệnh viện thăm khám và siêu âm ngay để chẩn đoán cũng như xác định vị trí bám của thai và điều trị sớm, kịp thời..

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI