Hôn mê, nguy kịch vì gặt lúa giữa nắng nóng hơn 40 độ C

05/06/2017 - 19:00

PNO - Sau khi đi gặt lúa về, ông Cao Văn K. (nhà ở tỉnh Tuyên Quang) bỗng có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, sau đó ngất lịm.

Chiều 5/6, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận  bệnh nhân Cao Văn K (42 tuổi, trú tại Thái Long, Hàm Yên, Tuyên Quang) nhập viện trong tình trạng nguy kịch do ảnh hưởng của nắng nóng. Bệnh nhân đã hôn mê, sốt cao 40 độ C, da niêm mạc nhợt nhạt và được các bác sĩ được chẩn đoán sốc nhiệt.

Người nhà bệnh nhân kể, ngày 4/6, ông K. đi gặt lúa về thì hoa mắt, chóng mặt, sau đó ngất đi nên gia đình đưa đến bệnh viện đa khoa huyện Yên Sơn để cấp cứu và được chuyển đến bệnh viện đa khoa tỉnh để điều trị tiếp.

Hon me, nguy kich vi gat lua giua nang nong hon 40 do C
Sau khi gặt lúa, ông K. bỗng hoa mắt, chóng mặt rồi nhanh chóng hôn mê, nguy cơ tử vong cao (ảnh: BV cung cấp)

Tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, bệnh nhân được chườm mát, hạ sốt, bù dịch, bổ sung điện giải, dùng thuốc vận mạch, chống sốc. Xét nghiệm cho thấy, ông K. có biểu hiện suy đa tạng. 

Dù bệnh nhân được cấp cứu và hồi sức tích cực nhưng sức khỏe quá yếu, tiên lượng tử vong cao. Gia đình đã xin cho bệnh nhân được xuất viện.

Trước vụ việc đau lòng này, các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên tránh hoạt động như: tập thể dục, lao động vất vả... dưới trời nắng nóng. Hạn chế đến mức tối đa ra ngoài trời từ 11-15h, nên chọn thời điểm nhiệt độ đã giảm bớt nắng, bớt nóng hoặc nơi râm mát để lao động, thể dục thể thao...

Hon me, nguy kich vi gat lua giua nang nong hon 40 do C
Nắng nóng kỷ lục nên người dân cần tránh lao động dưới trời nắng gắt.

Khi bị say nắng, người bệnh thường có dấu hiệu choáng váng, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt... Gia đình và những người xung quanh cần nhanh chóng đưa người bệnh đến ngay chỗ thoáng mát, sau đó cởi bớt quần áo, cho uống nước có pha muối và chườm lạnh ở những vị trí như: cổ, nách, bẹn, lưng...

Ở các trị này có nhiều mạch máu gần với da nên việc làm lạnh có thể giúp giảm nhanh được nhiệt độ cơ thể. Tiếp tục theo dõi, nếu thấy bệnh nhân đỡ thì có thể ăn uống để bổ sung dinh dưỡng, phục hồi sức khỏe.

Ngược lại, nếu thấy bệnh nặng hơn như: buồn nôn, nôn, sốt cao hoặc hôn mê, cần đưa tới cơ sở cấp cứu gần nhất. Lưu ý, trong quá trình di chuyển, nếu người bệnh có nôn, cần đặt người bệnh nằm nghiêng, đầu thấp để đề phòng sặc.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI