Hậu tết: nhiều trẻ nhập viện

03/03/2018 - 15:00

PNO - Sau tết, thay vì trở lại với công việc, nhiều bà mẹ phải ôm con đến bệnh viện. Những ngày này, nhiều bệnh viện, phòng khám nhi tấp nập bệnh nhân.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, trẻ thường gặp những bệnh tiêu chảy, táo bón, viêm họng, lở miệng… do ăn uống thoải mái và sinh hoạt không điều độ trong dịp tết.

Nỗi khổ “đầu ra” 

Tại khu vực phòng khám Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2 có đủ bệnh nhi từ sơ sinh đến hơn 10 tuổi. Phần nhiều là trẻ bị rối loạn tiêu hóa với triệu chứng tiêu chảy, ói, táo bón.  Trong lúc chờ đến lượt khám, các ông bố bà mẹ khá vất vả, nhất là với những trẻ vừa ói trên thải dưới. 

Hau tet: nhieu tre nhap vien
Trẻ đến khám bệnh ở Bệnh viện Nhi Đồng 1

Chị Lê Thu Hiền ở P.9, Q.10, TP.HCM, gần Bệnh viện Nhi Đồng 1 nên khi đi viện có lực lượng hùng hậu nhất: ba người phục vụ cho bé trai 14 tháng. Chị than thở với một bà mẹ ôm đứa con hơn 1 tuổi cũng bị nôn trên thải dưới: “Chẳng biết thằng nhỏ ăn trúng cái gì mà hai ngày nay ói, tiêu chảy suốt. Cho gì vô miệng cũng ói ra, lại đi ngoài 4-5 lần mỗi ngày. Mới bệnh có ba ngày mà thằng bé sút gần 2kg rồi, xót quá”.

Nghe vậy, bà mẹ ngồi kế bên cũng “bán than”: “Con chị đi 4-5 lần còn đỡ, con gái em 3 tuổi, đi cầu cả chục lần/ngày, mệt lả người. Em đưa bé đi khám mấy ngày ở bệnh viện quận không hết nên đưa lên đây coi sao?”.

Người mẹ này cho biết, con chị vốn kén ăn nên ngày tết thấy bé tự lấy bánh mứt, khô bò… ăn và uống nước ngọt, chị rất mừng và hy vọng sau tết bé sẽ lên cân. Nào ngờ mới mùng 5 tết bé đã bị tiêu chảy, ói. Ngày đầu chỉ ói và đi ngoài 2-3 lần nên chị cho uống men tiêu hóa.

Nhưng sang hôm sau bé đi ngoài nhiều hơn, lại hâm hấp sốt. Đầu năm, chị kiêng không cho con đi bệnh viện nên tự chữa tại nhà bằng cách cho bé ăn cháo cà rốt, uống lá ổi non, lá mơ lông nhưng không giảm, ăn gì bé cũng ói ra, thậm chí uống nước lọc nhiều cũng ói. Chị đành đưa con đến bác sĩ tư gần nhà: “Bác sĩ nói, con em bị rối loạn tiêu hóa do ăn uống và cho uống bù nước, men tiêu hóa, thuốc kháng sinh… nhưng ba ngày rồi vẫn không cầm, nên em đưa bé lên bệnh viện này. Vô đây mới thấy, con nít mắc bệnh này nhiều quá chừng”.

Nếu hai bà mẹ trên lo lắng vì con bị “té re”, thì vợ chồng chị Cẩm Hồng ở Bình Chánh lại khổ sở vì con bị “tắc đầu ra”. Mới 5 tuổi nhưng bé Tài đã có thâm niên táo bón 3 năm, sau mỗi mùa tết là lại phải đi bệnh viện vì gần chục ngày bé không ị được. Gia đình đã làm đủ cách: cho bé ăn đu đủ, uống nước chanh, cam, táo… nhưng chất thải vẫn “đình công”. Nhìn cậu con trai dù đang cầm điện thoại xem phim hoạt hình nhưng mặt vẫn nhăn nhó, khó chịu vì nặng bụng, chị Hồng muốn rơi nước mắt.

Chị chia sẻ: “Bây giờ thằng bé gặp bô hay nhà vệ sinh là co rúm người lại, vì mỗi lần đi ngoài là cháu rặn đến vã mồ hôi, đau đớn nhưng phân vẫn không ra được. Ngoài những trẻ bị bệnh liên quan đường tiêu hóa, có nhiều trẻ khác lại đến khám do viêm họng, viêm phế quản, lở miệng… 

Hau tet: nhieu tre nhap vien
 

Rèn ăn đúng, ngủ đủ

Để phòng ngừa táo bón, bác sĩ Hoàng Lê Phúc - Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1 khuyên: phụ huynh cần cho trẻ uống đủ nước (không nhất thiết phải uống quá nhiều sẽ khiến trẻ đầy bụng, không ăn được gây thiếu hụt dinh dưỡng, chậm phát triển. Hơn nữa, bị suy dinh dưỡng làm trẻ không đủ sức để rặn khi đi ngoài, càng làm tình trạng táo bón nặng nề hơn), ăn cân bằng với đầy đủ 4 nhóm chất: đạm, chất xơ, tinh bột, chất béo và cần tập cho trẻ đi ngoài mỗi ngày. 

Với những trẻ đang điều trị táo bón thì phải kiên trì, vì đòi hỏi sự liên tục, dài hạn, không được ngưng thuốc giữa chừng sẽ khiến việc chữa trị càng khó khăn, trẻ táo bón nặng nề hơn. Lưu ý: khi trẻ bị bón, phụ huynh không được tự ý điều trị hay thụt tháo vì có thể làm trẻ mất phản xạ đi ngoài, thụt tháo không đúng cách còn khiến trẻ bị rách hậu môn, trực tràng. 

Với những trẻ bị tiêu chảy thì hơn 90% có thể xử trí tại nhà. Phụ huynh cần chú ý ba nguyên tắc: phải bù nước cho trẻ để tránh việc bị mất nước (có thể bù nước bằng oresol, nước dừa); trẻ phải ăn nhiều hơn để có sức, mau lành bệnh, phục hồi niêm mạc và tăng trưởng; những trường hợp bé sốt cao khó hạ, đi tiêu phân có máu, tiêu chảy chuyển sang kiết lỵ, trẻ khát nước nhiều, uống nước liên tục, khóc không có nước mắt, ngủ li bì khó đánh thức, bị co giật thì nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.

Phụ huynh tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy, mà phải có chỉ định của BS. Nhiều phụ huynh bắt trẻ kiêng khem quá mức bởi quan niệm cho trẻ ăn uống sẽ bị ói, tiêu chảy nhiều hơn. Điều này có thể khiến bé dễ bị mất nước và kiệt sức, dẫn đến tình trạng hôn mê, nguy cơ tử vong. 

Tương tự, với những bệnh lý đường hô hấp, khi trẻ mới chớm ho, sổ mũi, phụ huynh cần chăm sóc bé bằng cách: giữ ấm, nhỏ mũi nước muối sinh lý, uống si-rô ho thảo dược, thoa dầu tràm, khuynh diệp vào lòng bàn chân. Khi trẻ ho, thở mệt, thở co rút lồng ngực, hoặc sốt cao, sốt liên tục trong ba ngày thì cần đưa đến BV để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Điểm chung dẫn đến việc trẻ bị bệnh thời hậu tết phần nhiều liên quan đến sinh hoạt, ăn uống. Dịp tết, cha mẹ bận rộn chăm sóc nhà cửa, tiếp khách, tiệc tùng nên lơ là việc ăn uống của con. Nhiều trẻ bình thường bị cấm uống nước ngọt, nước đá, phải đi ngủ sớm, nhưng “tết mà”, nên cha mẹ nới lỏng, có bé được ăn uống, vui chơi thả ga nên sau đó ho, sốt, tiêu chảy…

Vì vậy, bên cạnh việc chữa bệnh cho con, cha mẹ phải “thiết lập lại trật tự” ăn đúng, ngủ đủ. Điều này rất cần thiết, vì sau một thời gian được thả ga trẻ sẽ quen và thích nếp sống đó. Cha mẹ cần giải thích, giúp trẻ ăn uống, ngủ nghỉ đúng bữa, đúng món, đúng giờ. Đây là cách vừa giúp trẻ mau hồi phục sức khỏe, vừa giúp tăng đề kháng để trẻ có thể chất và trí lực minh mẫn.

Khánh Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI