Hành trình cứu sống bé gái sinh non 5 tháng tuổi, năng 900 gram

18/08/2016 - 12:40

PNO - Bác sĩ Tuyết kể lại: "Có những lúc bé Bình tưởng chừng không còn cơ hội sống, sau khi bé được chăm sóc tại hồi sức nhi cũng có những diễn biến, tình huống phức tạp".

Sinh non, da bé rất mỏng

Ngày 17/8, bé gái Tạ Lê Mỹ Bình (3 tháng tuổi) được được Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt làm thủ tục cho xuất viện sau quãng thời gian nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch trong lồng ấp, bằng một chế độ rất đặc biệt.

Ngày 18/8, chia sẻ với báo Phụ Nữ TP.HCM, bác sĩ Chế Thị Ánh Tuyết, Trưởng khoa Nhi của bệnh viện cho biết, bé Tạ Lê Mỹ Bình được mẹ sinh non khi mới chỉ mang thai đến tháng thứ 5, nặng 900 gram.

Mẹ cháu là chị Lê Thị Lan Hương (ngụ tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng). Đến nay, cháu bé đã nặng 2,4kg, sức khỏe đã tiến triển bình thường, tự bú và không còn phải hỗ trợ thở máy.

Bệnh nhi sinh ra trong tình trạng suy hô hấp, nhiễm khuẩn từ bào thai, sức khỏe cháu rất yếu. Bé Bình đã được đưa vào lồng ấp, hỗ trợ thở máy bằng khí áp lượng dương, cách trùng với bên ngoài.

Hanh trinh cuu song be gai sinh non 5 thang tuoi, nang 900 gram 
Sản phụ Hương cùng con gái trước lúc xuất viện. Ảnh: CAND

Tại thời điểm đó, sự nguy hiểm đối với người mẹ không nhiều vì sản phụ đã vỡ ối nên việc sinh con trở nên đơn giản hơn nhưng vấn đề ở đây là em bé. Bé sinh non rất nguy hiểm, nếu không xử trí kịp lúc đó thì em bé có thể tử vong luôn.

Sau khi sinh, thực hiện hồi sức sau sinh tốt, bé được chuyển lên Khoa nhi, được hỗ trợ có các thiết bị về thở thì bé đã qua được nguy kịch tại thời điểm đó. Nhưng trong tiến trình đó, bé lại tiếp tục bị tác động nhiều yếu tố từ môi trường, khả năng của bé không thể tự chịu đựng được nên các bác sĩ phải chăm sóc rất cẩn thận, đặc biệt là khâu chống nhiểm trùng thật tốt.

Có nghĩa là tất cả những can thiệp trên em bé phải đảm bảo vô trùng, vì em bé còn quá non nên da của bé không còn khả năng bảo vệ, da rất mỏng. Trong khi đó, hàng rào bảo vệ da là hàng rào tốt nhất trong giai đoạn sau sinh để bé có thể chống được tình trạng nhiễm trùng.

"Bé Bình khi đó lại không có hàng rào – không có khả năng đó nên việc can thiệp trên bé phải đảm bảo việc vô trùng hoàn toàn tuyệt đối. Cái đó là 1 điểm đặc biệt đối với em bé này", bác sĩ Ánh Tuyết nhận định.

Nữ bác sĩ tiếp lời: Từ khâu chăm sóc đến khâu điều trị phát sinh rất nhiều những biến cố có thể xảy ra đối với bé này nhưng chúng tôi xử lý theo đúng quy trình về điều trị. Cần phải tính từng ly từng tý theo tất cả các phác đồ hướng dẫn của Bộ Y Tế và kinh nghiệm của các cái bệnh viện lớn như là Nhi Đồng, tôi cũng áp dụng hết vào cho bé".

Có những lúc tưởng như bé sắp ngừng thở

"Có những lúc bé Bình tưởng chừng không còn cơ hội sống, sau khi bé được chăm sóc tại hồi sức nhi cũng có những diễn biến, tình huống phức tạp, em bé cũng có thể “rớt tim”, ngưng thở nhưng mà mình vẫn kịp thời can thiệp, giúp bé qua khỏi cơn nguy kịch đó, nữ bác sĩ kể lại.

Bác sĩ Tuyết vẫn giữ nguyên cảm xúc hồi hộp: "Những tình huống xảy ra khá phức tạp và bất ngờ nên không thể tính trước được điều gì cả, chúng tôi phải túc trực 24/24, phòng trường hợp biến cố xảy ra để mình phải xử lý thật nhanh, còn nếu không thì bé không thể chống đỡ nổi".

Bé Bình được nuôi trong lồng kính trong vòng 2 tháng. Trong quãng thời gian này, ngoài các y, bác sĩ, chỉ có mẹ của bé là người được tiếp xúc với cháu, các bác sĩ phải đảm bảo tránh những gì mà đụng chạm đến bé thì phải hạn chế tuyệt đối. Mẹ của bé cũng phải được hướng dẫn cách chăm sóc con, xử lý vô trùng.

Nữ bác sĩ cũng chia sẻ, trong quá trình đó, chị còn chú ý đến việc động viên người mẹ, khi bé bình còn có cơ hội thì mình cứ cố gắng mọi thứ, tạo điều kiện tốt nhất có thể để cho bé Bình có cơ hội. Ngược lại, tình yêu của người mẹ cũng là một trong những nguồn động viên tất cả đội ngũ khoa nhi cố gắng, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

"Mặc dù mẹ của bé là người yếu đuối khi thấy con mình như vậy nhưng họ cũng động viên mình. Việc chăm sóc cháu trong thời gian qua là niềm vui, hạnh phúc không chỉ của mẹ cháu mà còn của toàn thể đội ngũ - tập thể khoa nhi. Điều kỳ diệu đã xảy ra", bác sĩ Tuyết mỉm cười.

Trước đây, tại bệnh viện cũng đã gặp trường hợp tương tự, nhưng tình huống đó phức tạp hơn, khi bé mới chỉ được 25 tuần thai, bé được 800 gram, lại không có phương tiện, máy móc hiện đại như bây nên nên ngày hôm sau, bé đã tử vong.

"Sự thành công trong việc cứu sống em bé này không phải của riêng tôi mà của cả hệ thống đội ngũ khoa nhi", bác sĩ Tuyết giản dị nói.

Hương Trà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI