Giải mã các trường hợp tử vong do hóc dị vật

19/08/2018 - 16:00

PNO - Hóc dị vật là nguy cơ có thể xảy ra với bất kỳ trẻ em nào mà hậu quả có khi rất đau lòng.

Dưới đây, bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 - sẽ cung cấp các kiến thức về hóc dị vật ở trẻ em, từ đó giúp phụ huynh có nhận thức đúng đắn, mở ra cơ hội sống cho bé nếu chẳng may rơi vào tình huống tương tự.

Giai ma cac truong hop tu vong do hoc di vat
Các bước sơ cấp cứu khi trẻ hóc dị vật

Phóng viên: Thưa bác sĩ, số lượng trẻ em bị hóc dị vật nhập Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 có phổ biến không? Tỷ lệ bệnh nhân không qua khỏi do hóc dị vật chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm?

Bác sĩ Đinh Tấn Phương: Tháng nào chúng tôi cũng gặp trung bình 1-2 ca hóc dị vật. Những bé được đưa đến đây đa phần là ca nặng. Từ đầu năm tới nay, chúng tôi tiếp nhận khoảng 10 ca hóc, sặc dị vật. Trong số này, cứu được khoảng 50%. Tuy nhiên, trong số 50% cứu được đó vẫn có một số bé bị di chứng não nặng. Mới đây nhất là trường hợp bé gái tên P.T.M., 13 tháng tuổi, ngụ tại Q.5, TP.HCM. Cháu bé bị hóc quả mận, khi đưa tới bệnh viện cấp cứu đã ở trong tình trạng tím tái, ngưng thở. Để cứu sống cháu bé, chúng tôi đã lập tức hồi sức tim phổi, đặt nội khí quản trợ thở và chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực. Bé đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn đang phải nằm bệnh viện theo dõi di chứng thần kinh do não bị thiếu ô-xy trong một khoảng thời gian.

* Trường hợp cháu bé 11 tuổi bị hóc hạt trân châu vừa xảy ra mẹ cháu làm bác sĩ, cũng đã nỗ lực sơ cứu con mà vẫn thất bại?

- Những ca hóc dị vật không cứu được là do bé không kịp tới bệnh viện, đã tử vong trước khi nhập Khoa Cấp cứu. Những nguyên nhân tử vong ở trẻ hóc dị vật thường do sơ cứu ban đầu không đúng cách hoặc thất bại. Nói vỗ lưng, hà hơi thổi ngạt, làm động tác Heimlich thì dễ, nhưng khi thực hiện không hề đơn giản. Tại sao lại vỗ lưng trẻ và làm động tác Heimlich? Trước tiên ta phải hiểu mục đích của động tác này là để tạo áp lực đột ngột trong đường thở với hy vọng đẩy được dị vật ra. Thế nhưng khi cha, mẹ vỗ lưng, làm Heimlich cho con lại thao tác không đủ mạnh (sợ con đau), đó là một trong những lý do khiến sơ cứu thất bại. Tiếp đến, sau khi vỗ lưng hoặc làm Heimlich 4 0 5 chu kỳ (trong khoảng hai phút) mà thấy trẻ vẫn tím tái, không thở được, phụ huynh phải lập tức vừa hà hơi thổi ngạt vừa nhấn ngực hồi sức tim phổi trong quá trình di chuyển đưa con đi cấp cứu. Nếu bình tĩnh và làm đúng như thế, giữ cho trẻ không bị ngưng thở thì chỉ cần đưa được đến Khoa Cấp cứu của bệnh viện, chúng tôi sẽ cứu được. Ngoài việc thực hiện động tác và các bước chưa đúng, còn có một khả năng nữa khiến sơ cứu thất bại là dị vật lấp bít quá chặt. 

* Với một ca hóc dị vật nặng nhưng sơ cứu và vẫn giữ cho trẻ còn thở, các bác sĩ sẽ làm gì để cứu bé? Tỷ lệ thành công có cao không?

- Chỉ cần phụ huynh sơ cứu ban đầu đúng cách, giữ cho não bộ của trẻ không bị thiếu ô-xy dưới 4 phút thì khả năng cứu sống rất cao. Tại bệnh viện, chúng tôi sẽ lập tức đặt nội khí quản hỗ trợ thở. Thay vì gắp dị vật ra quá mất thời gian và phức tạp, trong lúc đặt nội khí quản, chúng tôi đẩy luôn dị vật vào trong, lọt vào một nhánh phổi. Chỉ cần một bên phổi có ô-xy là đã cứu được bé, xử lý dị vật là việc sau này. 

* Những dị vật nào khiến cho quá trình sơ cứu ban đầu dễ thất bại nhất?

- Người ta thường nghĩ dị vật cứng như viên bi, hạt nhãn là nguy hiểm nhất nhưng ngược lại. Nhiều năm làm việc tại Khoa Cấp cứu, tôi rút ra một điều, trẻ em thường tử vong khi hóc các dị vật dạng sệt, mềm như hạt trân châu, rau câu, kẹo dẻo, cháo đặc, bánh ít. Vì các dị vật cứng bít luôn ngã ba thanh môn, khi làm động tác vỗ lưng, Heimlich dễ tạo ra áp lực trong đường thở để đẩy dị vật ra. Còn các chất sệt, dẻo, mềm không bít kín ngã ba thanh môn tuyệt đối. Lúc làm động tác sơ cứu không tạo được áp lực trong đường thở, vì thế trẻ thường tử vong trước khi đến bệnh viện.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

 Thanh Huyền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI