Ghi nhận số ca mắc Zika: Liệu có bị bỏ sót nhiều ca bệnh

03/11/2016 - 06:10

PNO - Việt Nam đã có nguồn bệnh, số lượng muỗi nhiều nên việc gia tăng ca mắc Zika ở các địa phương có thể xảy ra. TP.HCM là một trong những điểm trọng tâm của sốt xuất huyết nên cũng có nhiều muỗi truyền bệnh Zika.

Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ chiều 1/11, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, vi-rút Zika có mặt tại nhiều tỉnh thành như Trà Vinh, Khánh Hòa, Bình Dương… Việt Nam đã có nguồn bệnh, số lượng muỗi nhiều nên việc gia tăng ca mắc Zika ở các địa phương có thể xảy ra. TP.HCM là một trong những điểm trọng tâm của sốt xuất huyết (SXH) nên cũng có nhiều muỗi truyền bệnh Zika. Bộ Y tế đã chỉ đạo TP.HCM tăng cường giám sát chặt các ca bệnh.

* Theo nhiều chuyên gia y tế, một trong những lý do khiến việc ghi nhận số ca mắc Zika tại TP.HCM tăng là do hệ thống giám sát dịch của địa phương đang thực hiện tốt. Như vậy, liệu có thể bỏ sót nhiều ca bệnh tại các địa phương khác?

Ghi nhan so ca mac Zika: Lieu co bi bo sot nhieu ca benh
Muoix truyền vi-rus zika

- Không thể kết luận như thế được. Các địa phương cũng lấy mẫu, giám sát. Không thể nói địa phương nào giám sát tốt, giám sát kém mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố như lưu hành, điều kiện tự nhiên - xã hội. Thực tế, việc diệt muỗi truyền SXH và Zika tại TP.HCM cũng chưa triệt để vì nhiều nơi người dân còn sinh hoạt trong điều kiện chật chội, không xử lý được hết các nguồn nước, chưa vệ sinh kỹ dụng cụ trong gia đình, dụng cụ chứa nước… Thêm nữa, TP.HCM có mùa mưa kéo dài.

* Như thế công tác y tế dự phòng tại TP.HCM chưa tốt?

- Công tác y tế dự phòng TP.HCM đã làm tốt, nếu không dịch bệnh đã bùng phát nhiều hơn. Điển hình như SXH, số ca mắc và tử vong thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới như Philippines, Malaysia…

* Theo ông, TP.HCM cần tập trung vào những biện pháp nào để kiểm soát số ca mắc Zika?

- TP.HCM cần tiếp tục tăng cường các biện pháp diệt muỗi, loăng quăng. Cần đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ nữ, đặc biệt là thai phụ. Người mang thai phải đi khám định kỳ, khi phát hiện triệu chứng bệnh phải đến cơ sở y tế điều trị ngay. Việc khám và quản lý thai nghén tại các phòng khám, bệnh viện cần quản lý tốt hơn. Chúng tôi đề nghị các khoa nhi, sản tại các bệnh viện, nếu phát hiện dấu hiệu của bệnh nhân mắc chứng đầu nhỏ, cần nhanh chóng thống kê và gửi báo cáo về Bộ Y tế.

Huyền Anh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI