Gần tết, trẻ bị tai nạn tăng đột biến

07/01/2019 - 17:36

PNO - Bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết mới bước sang tết Dương lịch 2019 vài ngày nhưng số lượng trẻ bị tai nạn tăng gấp 5 lần, trong đó có những trẻ bị chấn thương nghiêm trọng.

Mẹ tử vong, con chấn thương nặng

Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu – Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - cho biết: “Từ sau tết Dương lịch 2019, hầu như ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận trẻ bị chấn thương do tai nạn.

Riêng tại khoa Răng Hàm Mặt, so với năm 2017, số lượng trẻ tăng gấp 5 lần, chủ yếu tai nạn giao thông nghiêm trọng vì trẻ không được đội mũ bảo hiểm".

Gan tet, tre bi tai nan tang dot bien
Bé H.S.P. (6 tuổi) với đa chấn thương mặt

Bác sĩ Đẩu dẫn chứng, trong lúc chở hai anh em bé N.T.P. (5 tuổi, ở Bình Tân, TP.HCM) đi công việc, mẹ của bé va chạm với xe máy phía trước. Tai nạn bất ngờ khiến mẹ bé P. tử vong tại chỗ, bé và em được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu.

"Tôi e sợ vết sẹo trên mặt bé sẽ hằn in mãi theo thời gian khiến bé tự ti về sau", bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu chia sẻ. 

Bé P. gãy xương tay phải, gãy xương hàm phải lên bàn mổ cấp cứu. Ngoài ra, do bé không được đội nón bảo hiểm nên đầu đập mạnh xuống đường và đang được theo dõi chấn thương sọ não.

Tương tự, trên đường mẹ chở đi chơi, bé P.T.T.A. (10 tuổi, ở Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) bị một chiếc xe máy khác chạy cùng chiều gây tai nạn. Bé A. ngã đập mặt xuống đất bị đa chấn thương. Thấy con bất tỉnh, người mẹ hoảng loạn kêu cứu. 

Gan tet, tre bi tai nan tang dot bien
Nhiều cha mẹ thường chủ quan khi không đội mũ bảo hiểm cho trẻ, đến khi xảy ra tai nạn, các bé chịu hậu quả nặng nề nhất

Các kết quả xét nghiệm, chụp X-Quang cho thấy bé A. bị gãy cả hai tay, chân phải, gãy xương mũi, hàm gò má, bờ ổ mắt, xương hàm dưới bên trái, gãy xương cành bên hàm phải đã được phẫu thuật xử lý. Tuy nhiên bé bị chảy máu liên tục kèm theo dịch trong từ mũi nghi ngờ chảy dịch não tủy do chấn thương sọ não cần được theo dõi sát.

“Vùng mặt bé A. gần như gãy nát xương nên bác sĩ mất 3 tiếng đồng hồ để xử trí, dùng nẹp cố định chỉnh lại xương. Hy vọng sau khi lành, xương mặt bé sẽ phục hồi tốt về chức năng nhai, nuốt. Tôi e sợ vết sẹo trên mặt bé sẽ hằn in mãi theo thời gian khiến bé tự ti về sau. Ngoài ra bệnh nhi cần được theo dõi chấn thương sọ não vì tai nạn”, bác sĩ Đẩu cho biết.

Tự điều khiển xe gây tai nạn

Ngoài những bé được cha mẹ chở, có nhiều trẻ tuổi từ 12-15 tự điều khiển xe điện, xe máy không đội mũ bảo hiểm lưu thông với tốc độ cao, tự ngã, hoặc gây tai nạn với những phương tiện khác.

Gan tet, tre bi tai nan tang dot bien
Số lượng trẻ bị chấn thương do tai nạn tăng gấp 5 lần so với năm 2017

Mới biết đi xe máy, em L.H.P. (15 tuổi, ở Long An) thường thích tự đi xe. P. đội mũ không đúng cách nên khi va chạm với người đi trên đường, P. té ngã, nón bảo hiểm văng ra ngoài. Sự cố khiến P. gãy xương hàm gò má, vỡ sàn ổ mắt phải và được chuyển từ tỉnh đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 ngay trong đêm. 

Sau khi tiếp nhận, bác sĩ của bệnh viện phải phẫu thuật cấp cứu cho P. từ 3g khuya đến sáng hôm sau. Tuy ca phẫu thuật thành công nhưng bệnh nhân có thể gặp các biến chứng trong thời gian tới.

Nặng nề nhất là trường hợp em P.H.D. (15 tuổi, ở Vĩnh Long) điều khiển xe máy với đầu trần. Khi xảy ra tai nạn, hậu quả là D. bị chấn thương sọ não, nhiều vết thương nghiêm trọng ở mặt, gãy nát xương gò má. Dù được phẫu thuật xử lý, D. vẫn đang mê man trên giường bệnh, tình trạng bệnh đang trở nặng.

Gan tet, tre bi tai nan tang dot bien
Xương vùng mặt của em D. gãy nát

Những bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đa phần bị chấn thương sọ não, gãy xương tay, chân, chấn thương vùng mặt, ổ mắt… rất phức tạp. Dù cấp cứu kịp thời nhưng sau này bệnh nhi có thể đối mặt với nhiều ca phẫu thuật ảnh hưởng cả về vận động lẫn thẩm mỹ gây tự ti, mặc cảm khi trưởng thành.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 cảnh báo: rất nhiều tai nạn nghiêm trọng ở trẻ nhỏ đều do cha mẹ chở bằng xe máy nhưng trẻ không được người lớn trang bị mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Trong khi, người lớn vì sợ vi phạm luật giao thông nên chỉ đội mũ bảo hiểm cho riêng mình.

Ngoài ra, trẻ bị tai nạn giao thông còn do cha mẹ cho bé ngồi phía trước, hoặc chở cùng lúc nhiều bé. Thông thường, khi xảy ra tai nạn các bé đều bị văng ra xa, phần đầu, mặt đập mạnh xuống đường gây hậu quả đau lòng.

Phụ huynh nên kiểm soát những trẻ ở độ tuổi mới lớn, nhất là trẻ từ 12-15 tuổi, các em mới biết đi xe máy nên thường hay chứng tỏ trong khi tay lái chưa vững, không may xảy ra tai nạn thì hậu quả rất nặng nề”.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI