Đừng để phải cưa chân vì… gút

25/08/2017 - 16:22

PNO - Ngày nay,có lẽ ai cũng từng nghe về bệnh gút (gout) nhưng không mấy người thật sự quan tâm, kiểm soát bệnh chặt chẽ, nên đã dẫn đến nhiều hậu quả đau lòng;vì căn bệnh này tiến triển chậm nhưng tàn phá cơ thể rất kinh khủng.

TS-BS Nguyễn Đình Khoa, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP.HCM, đưa chúng tôi đi thăm 6 bệnh nhân (BN) chung một bệnh cảnh, đang điều trị ở khoa. Trong số họ, có người bị cưa mất cả bàn chân, người mất nửa bàn chân, người nhẹ hơn thì bàn chân cũng chẳng còn ngón nào.

Tất cả đều là nam giới, đang trong độ tuổi lao động; trước đây hoàn toàn khỏe mạnh, gánh vác vai trò trụ cột gia đình. Bệnh gút đã hủy hoại họ giờ chỉ còn da bọc xương, các khớp khắp cơ thể nổi những cục tophi viêm loét. Họ bị tàn phế vì đã không tuân thủ việc điều trị để kiểm soát bệnh.

Trong số họ, ông P.V.V., 52 tuổi, ở Thanh Hóa, chỉ mới nhập viện. Ông V. vào TP.HCM làm thợ hồ, không nơi cư trú cố định. Được chẩn đoán gút từ nhiều năm trước nhưng ông chỉ uống thuốc cầm chừng, cả thuốc Tây, thuốc Nam lẫn thuốc Bắc…

Lần này, tất cả các khớp của ông V. đều sưng to, cục tophi nổi toàn thân, biến chứng lở loét. Đau đớn không chịu nổi, ông V. nằm bẹp một chỗ, được đồng nghiệp đưa vào BV cấp cứu. “BN đã bị hoại tử mô mềm vùng bàn cẳng chân kéo dài, nhiễm trùng vào tận xương và khớp cẳng chân phải.

Cổ chân trái của BN cũng có các cục tophi vỡ ra. Chúng tôi đã điều trị tích cực bằng tiêm, truyền kháng sinh, nhưng không ngăn nổi tình trạng nhiễm trùng xương, đành phải cắt cụt chi. Hiện ổ loét nhiễm trùng chân trái của BN vẫn chưa lành”, bác sĩ Khoa nói. 

Dung de phai cua chan vi… gut
Bàn chân bị biến chứng tàn phế vì bệnh gút tàn phá. (Ảnh minh họa)


Anh T.V.D., một BN khác cho biết, anh bị gút đã 5 năm, lúc đầu chỉ hiện tượng đau nhức khớp, nhất là các khớp ngón chân, đau nhiều hơn sau mỗi lần uống bia rượu. Khi được hỏi đã làm những gì để kiểm soát bệnh, anh D. chỉ cười: “Đau thì ra nhà thuốc mua thuốc đau khớp uống.

Vợ tôi cũng có bốc thuốc Nam về sắc cho tôi uống. Biết ăn nhậu là không tốt nhưng tính chất công việc, rồi bạn bè rủ rê, không từ chối được. Lần này cũng định vào khám, lấy thuốc về uống vì chân đau quá không đi được; nhưng BS bắt phải nhập viện vì có khả năng chân tôi không giữ được ngón do bị viêm loét, nhiễm trùng nặng”.

Phòng khám Đa khoa Viện Gút TP.HCM cũng là nơi chuyên điều trị những BN gút giai đoạn nặng. Nhiều BN rất trẻ, chỉ khoảng 30 tuổi, đã phải ngồi xe lăn đến khám. Bệnh gút không chừa một ai, bất kể trẻ  già, nam nữ. BN lớn tuổi nhất đang điều trị tại đây là một cụ bà 70 tuổi, bị teo và suy thận vì biến chứng bệnh gút. Theo ông Nguyễn Đình Quang - Chủ tịch Viện Gút TP.HCM, vấn đề nan giải nhất đối với những BN gút hiện nay là họ chỉ chú trọng giải quyết phần ngọn; cứ thấy bớt đau là tự ý bỏ điều trị.

Dung de phai cua chan vi… gut
 

BN cũng thiếu ý thức trong việc ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, dẫn tới bệnh nhanh chóng biến chứng. BS Phạm Đức Thành - Trưởng phòng khám Nội - Phòng khám Đa khoa Viện Gút chia sẻ: “Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ BN bị biến chứng tàn phế do gút cao nhất. Các nước khác cũng có BN gút nhưng họ kiểm soát bệnh tốt hơn chúng ta rất nhiều”. 

PGS-TS-BS Nguyễn Văn Thắng - Phòng khám Cơ xương khớp - BV ĐH Y Dược TP.HCM - cũng ghi nhận rất nhiều trường hợp bị biến chứng do gút. Theo BS Thắng, khi bệnh còn nhẹ, người bệnh không có thói quen đi khám ngay mà đợi đến lúc không chịu nổi mới đến BV.

Mỗi ngày, bác sĩ Thắng khám khoảng 50 ca cơ xương khớp thì có khoảng 5 trường hợp mắc bệnh gút. Độ tuổi của BN rất đa dạng, ca trẻ nhất BS Thắng từng gặp chỉ ngoài 20 tuổi. Đa phần BN đến khám đều đã mọc các cục u tophi, nặng hơn thì tiêu xương, biến dạng xương khớp.

  Thanh Huyền

Bệnh nhân cần nâng cao ý thức và tuân thủ điều trị 

TS-BS Nguyễn Đình Khoa khuyến cáo, gút là một bệnh rối loạn về chuyển hóa liên quan đến việc tăng sản xuất hoặc giảm đào thải chất acid uric trong cơ thể. Có thể nói, nguyên nhân trực tiếp gây bệnh là sự lắng đọng vi tinh thể muối urate natri tại các cơ quan trong cơ thể như các khớp, tim, thận...

Điều trị gút quan trọng nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa BN và BS. Ngoài việc tái khám, uống thuốc, theo dõi bệnh, BN cần phải bỏ hẳn rượu bia, hạn chế thức ăn chứa nhiều purin như hải sản, thịt đỏ, nấm, măng, thịt gà, đậu, sữa.

Nếu không kiểm soát chặt chẽ, những cơn gút cấp sẽ tiến triển thành mãn tính, từ từ tàn phá cơ thể, gây tàn phế thậm chí tử vong. Theo PGS-TS-BS Nguyễn Văn Thắng, những trường hợp phát hiện bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc kháng viêm, giảm đau, giảm nồng độ axit uric trong máu, kiểm soát chức năng hoạt động của gan, thận. Nếu cục u tophi gây chèn ép thần kinh, có thể phải phẫu thuật để giải phóng.

Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI