Đôi tay co quắp, anh vẫn dìu em đến trường

08/09/2018 - 06:00

PNO - Đôi bàn tay bị dị tật từ nhỏ, ngay cả cầm nắm cũng khó khăn, nhưng từ ngày cha mẹ mất, bằng đôi tay co quắp ấy, Thạch Dinh vẫn muốn dìu em gái mình đến trường.

Sau cơn tiền sản giật của mẹ, Thạch Dinh (21 tuổi, ở ấp Tà Rơm B, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) bị sinh non. Em chào đời với nhiều biến chứng nặng.

Bà con lối xóm ở huyện nghèo vùng sâu xót thương khi sang thăm, thấy đứa bé nhỏ thó, đang cố mở to mắt, đôi tay ngón ngắn ngón dài huơ huơ đòi sữa. 

Doi tay co quap, anh van diu em den truong
Mồ côi cha mẹ, hai anh em Dinh luôn đùm bọc lẫn nhau.

Biết bản thân bị dị tật, Dinh cố gắng học tập chăm chỉ, tự mình làm tất cả công việc cá nhân. Một ngày, cha Dinh đột ngột qua đời, cũng là lúc nhiều căn bệnh không rõ nguyên nhân bám lấy em. 

“Khi ba mất, mẹ tôi làm nhiều việc hơn, không có thời gian nghỉ ngơi để lo cho tôi và bé Diễn. Lúc đó, mắt trái tôi ngày càng mờ, nhìn không rõ. Tôi cũng không hiểu sao đôi chân không còn nghe lời, nó cứ cong vào nhau, đi đứng không vững" - Dinh kể lại trong hoang mang.

Dinh học đến lớp 9, người dân trong xóm không còn thấy cậu bé đen đúa, cố lê đôi chân khoèo đến trường nữa. Thay vào đó, họ mủi lòng khi nhìn đôi tay cùn kẹp chặt xấp vé số, Dinh bỏ học, xin mẹ phụ giúp gia đình.

"Đôi chân ngày càng đỏ, ngứa ngáy, tôi không thể tập trung ngồi học được. Tôi xin mẹ đi bán vé số để phụ nuôi bé Diễn, để dành tiền, sau này cho em gái học tới nơi tới chốn”, Thạch Dinh nhớ lại.

Bán vé số được hơn 1 năm, chân Dinh ngày càng ríu lại, té ngã không biết bao nhiêu lần, thấy vậy mẹ em không cho đi bán nữa. Ba mất chưa tròn giỗ đầu, mẹ của Dinh cũng bệnh nặng qua đời.

Dinh trầm ngâm: “Tôi không biết mẹ bị bệnh gì, hôm đó bà chỉ than đau chân, rồi chân cứ phù to ra. Chỉ sau vài ngày chân sưng to, đau nhức, mẹ nằm ngủ rồi ra đi lúc nào không hay”.

Doi tay co quap, anh van diu em den truong
Ngoài đôi tay bị dị tật, Dinh còn đối mặt với nhiều bệnh tật khác, nhưng luôn muốn đi làm nuôi em.

Từ ngày mẹ mất, ngôi nhà nhỏ của hai anh em thêm hiu quạnh, Dinh bất lực nhìn em gái nhỏ 10 tuổi, cơm không đủ no nên còm cõi như đứa trẻ lên 6, ngày càng héo hon.

Bà con họ hàng ít người lại nghèo khó, hũ gạo nhà họ như của nhà Dinh, hôm nào cũng vét lọc cọc. Dinh không dám sang xin, cô chú cho cái gì, anh đều nhường em gái.

Vốn sẵn nhiều bệnh, lại không được ăn no, Dinh ngày càng ốm yếu, mắt trái hoàn toàn không nhìn thấy, mắt phải đang mờ dần, da nổi mẩn ngứa đau rát không ngừng. Muốn bước đi, Dinh phải nhờ em gái dìu đỡ.

Thấy anh bệnh nặng, em gái Thạch Diễn xin nghỉ học để đi làm mua thuốc cho anh. Dinh nói: “Em có thể xin anh bất cứ điều gì, nhưng nghỉ học thì không”.

Doi tay co quap, anh van diu em den truong
Dù đôi tay bị dị tật, Dinh vẫn muốn đi làm nuôi em gái, nhất định không cho em bỏ học.

Nói xong, Dinh quay đi hướng khác, trầm tư lo lắng rau cháo có thể qua ngày, nhưng để em đi học, tìm đâu ra các khoản chi phí. Dinh đếm lại tiền phúng điếu của mẹ, tiền hàng xóm gom góp cũng chỉ xoay xở được vài học kỳ cho em. Anh quyết tâm kiếm việc làm để lo chuyện học của em gái.

“Tay tôi tật nguyền, có chút khó khăn nhưng vẫn còn cầm nắm được, mắt phải tuy mờ nhưng vẫn còn nhìn được 2-3 mét. Tôi chỉ mong hai chân đi lại được bình thường để nhanh nhẹn hơn, có đủ sức khỏe, làm được nhiều việc hơn và lo cho em mình, bé Diễn còn nhỏ quá”, Dinh buồn buồn.

Doi tay co quap, anh van diu em den truong
Với đôi tay không lành lặn, Dinh vẫn muốn dìu em gái đến trường.

Biết được trường hợp của Thạch Dinh, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Khanh – Giám đốc Bệnh viện Quận 2, TP.HCM - đồng ý tiếp nhận chữa bệnh cho anh. Dinh được đưa đến Bệnh viện Quận 2 khám tổng quát ở các chuyên khoa. 

Bác sĩ Khanh cho biết sau khi có kết quả xét nghiệm, bệnh viện sẽ mời bác sĩ chuyên khoa ở bệnh viện tuyến trên để hội chẩn, sớm tìm ra nguyên nhân và xử lý các vấn đề về thị giác cho Dinh vì mắt anh đang mờ dần.

"Bàn tay Dinh bị dị tật bẩm sinh, da đang có dấu hiệu bị sừng hóa, chàm... nhưng vẫn có thể tạo hình lấy lại chức năng cầm nắm. Chúng tôi sẽ hỗ trợ một phần chi phí để em điều trị”.

Doi tay co quap, anh van diu em den truong
Bác sĩ Khanh (áo trắng) - Giám đốc Bệnh viện Quận 2 và bác sĩ Phan Minh Hoàng - Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Quận 2 - thăm khám cho Dinh.

Không chỉ khám cho mình, Dinh quay sang nhờ bác sĩ thăm khám giúp vết chàm trên mặt em gái rồi nói: “Nếu được, tôi mong bác sĩ chữa bệnh cho em gái tôi trước. Nó là con gái, vết chàm to quá sau này sẽ mặc cảm. Bệnh của tôi, thôi để từ từ”.

Nghe anh nói, Diễn nhất định đòi anh mình phải chữa bệnh trước, em thỏ thẻ: “Ông bà ngoại, ba mẹ em mất hết rồi, em chỉ còn anh hai thôi. Em không muốn anh hai bị đau, em sợ ở một mình lắm”.

Chia sẻ với hoàn cảnh của anh em Thạch Dinh, mời bạn đọc, nhà hảo tâm đóng góp qua địa chỉ: Báo Phụ Nữ TP.HCM: 0071001049165 tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), chi nhánh TP.HCM. Với nội dung "giúp anh em Thạch Dinh".

Bạn đọc có thể đến trực tiếp phòng Bạn đọc của Báo Phụ Nữ TP.HCM số 311 Điện Biên Phủ, phường 4, Quận 3. Hoặc đến phòng CTXH, Bệnh viện Quận 2 để giúp đỡ bệnh nhân.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI