Đọc vị tâm lý đám đông

15/09/2018 - 11:00

PNO - Khoa học tâm lý không dừng lại ở những khái niệm, mô hình, liệu pháp mà còn có khái niệm thực nghiệm tâm lý để chỉ những thí nghiệm ghi nhận, quan sát hành vi đám đông trong từng tình huống cụ thể.

Người tiến hành thực nghiệm không chủ đích hướng số đông lựa chọn, đó là lý do vì sao thực nghiệm tâm lý luôn cho những kết quả thú vị. 

1. Violinist in the Metro Station - Nghệ sĩ đàn vĩ cầm ở ga tàu điện ngầm 

Joshua Bell là một trong những nghệ sĩ đàn vĩ cầm nổi tiếng, từng đoạt giải Grammy. Năm 2007, Joshua Bell hợp tác cùng tờ Washington Post thực hiện một thực nghiệm tâm lý thú vị với bối cảnh ở một ga tàu điện ngầm tại Washington DC. Việc của Joshua Bell là thả hồn theo giai điệu vĩ cầm trong trang phục bình dân, khác hẳn vẻ bóng bẩy trên sân khấu như ngày thường. Kết quả là rất ít người dừng chân thưởng thức âm nhạc của anh. Bình thường, giá vé xem Joshua Bell biểu diễn vài trăm USD trở lên. Thế nhưng, suốt buổi đứng ở ga tàu điện ngầm, anh chỉ nhận được 32 USD từ người qua lại. 

Thực nghiệm này đưa ra kết luận: một người đang bận rộn thường bỏ lỡ cơ hội thưởng thức, đón nhận điều gì đó thú vị, đẹp đẽ xuất hiện ngay trước mắt mình. 

Doc vi tam ly dam dong
 

2. Piano stairs - Bậc thang dương cầm

Hãng sản xuất ô tô Volkswagen của Đức từng tài trợ thực hiện một thực nghiệm tâm lý dựa trên âm nhạc. Một cầu thang bộ ở ga tàu điện ngầm tại Stockholm, Thụy Điển trang trí các bậc thang thành những phím đàn dương cầm bắt mắt. Hơn 66% người được khảo sát chọn đi cầu thang bộ nhiều hơn ngày thường. 

Thực nghiệm tâm lý đã củng cố thêm “Lý thuyết vui vẻ” mà hãng Volkswagen đặt ra. Họ tin rằng, việc tạo cảm giác vui vẻ, thoải mái sẽ khiến một người đưa ra quyết định mà ngày thường họ không chọn dù biết việc ấy có ích cho bản thân.  Có thể nói, niềm vui là yếu tố quan trọng khiến mọi người thay đổi hành vi của mình.

3. Cognitive Dissonance - Bất hòa về nhận thức

Thực nghiệm này được Đại học Stanford thực hiện năm 1957 với ý niệm tìm hiểu sự xung đột về thái độ, niềm tin, hành vi nhằm giảm thiểu hoặc xóa bỏ cảm giác không thoải mái, giữ trạng thái cân bằng. Những người tham gia được yêu cầu lần lượt xem một màn trình diễn tẻ nhạt. Hầu hết xem xong đều xác nhận đó là màn biểu diễn vô nghĩa.

Sau đó, từng người được tặng 1 USD hoặc 20 USD kèm yêu cầu nói với người kế tiếp rằng màn trình diễn rất hay. Kết quả là, người được tặng 1 USD dường như không có đủ “động lực” để nói dối. Trong khi người được tặng 20 USD dù trước đó nhận định không hay về màn biểu diễn, nhưng khi thuyết phục người khác lại tìm được rất nhiều lý do “từ trên trời rơi xuống” để ca ngợi. 

Ở đây đã xuất hiện sự mâu thuẫn, buộc người nhận 20 USD phải thay đổi cách đánh giá, vì đây chính là cách họ chứng tỏ việc nhận 20 USD là xứng đáng. 

Doc vi tam ly dam dong
 

4. The Marshmallow Test - Thực nghiệm kẹo dẻo

Thực nghiệm được tiến hành năm 1972 bởi nhà tâm lý học Walter Mischel thuộc Đại học Stanford. Một nhóm 600 trẻ từ 4-6 tuổi lần lượt được đưa vào phòng có sẵn kẹo dẻo Marshmallow đặt trên bàn. Trước khi để mỗi em ở lại một mình, người hướng dẫn dặn rằng, các em sẽ nhận được viên kẹo thứ hai nếu chịu đợi 15 phút sau mới được ăn viên kẹo đầu. Trong phòng có lắp sẵn camera ghi lại phản ứng của các em.

Chỉ 1/3 trong số ấy cố gắng chờ đợi hết 15 phút, phần còn lại hầu như không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của viên kẹo. Thực nghiệm này kéo dài vì gắn với việc quan sát những đứa trẻ ấy khi trưởng thành. Những đứa trẻ càng đợi được lâu, khi trưởng thành càng có thành tích học tập tốt hơn, cụ thể là điểm SAT (điểm số sát hạch học sinh, trong các kỳ thi tuyển sinh vào hệ đại học, cao đẳng tại Mỹ) cao hơn. 

Thực nghiệm trên cho thấy, thái độ kiên định, lòng kiên trì ở một đứa trẻ nếu được phát huy sẽ giúp đứa trẻ ấy vững vàng hơn trong tương lai.

5. Thực nghiệm Stanley Schachter & Jerome E. Singer về cảm xúc 

Hai nhà khoa học Stanley Schachter và Jerome E. Singer thuộc Đại học Columbia tiến hành thực nghiệm này năm 1962. Nhóm tham gia gồm 184 người đàn ông. Họ cùng được tiêm hoóc-môn epinephrine. Đây là hoóc-môn kích hoạt trạng thái “chiến đấu” ở một người vì nó làm tăng nhịp tim, gây thở nhanh. Người hướng dẫn nói rằng, việc tiêm này để kiểm tra nhãn lực của họ. Nhóm đầu tiên còn được nói rằng, việc tiêm sẽ gây ra một số tác dụng phụ, nhóm hai thì không. Sau đó, một số người đã được “cài” vào hai nhóm bộc lộ một trong hai cảm xúc: vui vẻ hoặc tức giận. Nhóm đầu tiên đã được “cảnh báo” về tác dụng phụ bỗng nhiên cảm thấy vui vẻ và tức giận theo, cảm xúc mãnh liệt hơn nhóm thứ hai. 

Đây là cơ sở để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu thêm đâu là yếu tố ảnh hưởng đến cảm xúc một người: suy nghĩ cảm tính hay nhận thức. 

Hoàng Di

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI