Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại Việt Nam

20/02/2019 - 12:00

PNO - Hai địa phương của Việt Nam là Thái Bình và Hưng Yên đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông kêu gọi người chăn nuôi và người tiêu dùng không nên hoang mang vì bệnh dịch này không lây truyền sang người.

Tiêu hủy 257 con lợn nhiễm bệnh

Chiều 19/2, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức họp báo về tình hình dịch tả lợn châu Phi. Ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y cho biết, tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận một số ổ dịch tả lợn châu Phi tại Hưng Yên và Thái Bình. Cụ thể, tại Hưng Yên, có hai điểm xuất hiện dịch là tại hộ ông Dương Văn Vũ (xã Trung Nghĩa, TP.Hưng Yên) và hộ ông Lê Xuân Tình (xã Yên Hòa, H.Yên Mỹ).

Tại Thái Bình, một số hộ chăn nuôi ở xã Đông Đô (H.Hưng Hà) được phát hiện có dịch tả lợn. Ngay sau khi nhận thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiêu hủy toàn bộ số lợn của các hộ này với số lượng 257 con gồm nhiều loại từ lợn thịt, lợn con theo mẹ đến lợn choai.

Dich ta lon chau Phi da xuat hien tai Viet Nam
 

Ông Phạm Văn Đông cho hay, lợn bệnh được phát hiện từ ngày 1/2/2019, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Cục Thú y mới công bố dịch bởi đây là căn bệnh mới trong khu vực nên phải hết sức cẩn trọng: “Chúng tôi phải lấy mẫu xét nghiệm tại nhiều phòng thí nghiệm, tham vấn quốc tế sau đó mới có thể khẳng định và thông báo rộng rãi. Tới nay, bệnh dịch đã xuất hiện 18 ngày nhưng chưa ghi nhận thêm trường hợp nào nhiễm bệnh”.

Cũng theo Cục trưởng Cục Thú y, ngay sau khi phát hiện dịch, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn đã vào cuộc. Trước hết, ngăn chặn ngay việc bán chạy lợn; ngăn chặn việc giết mổ, buôn bán thịt trong vùng dịch, đồng thời xử lý tiêu hủy ngay ổ dịch bằng biện pháp chôn, khử trùng tiêu độc tại hộ có dịch và các hộ xung quanh… 

Việc các ổ dịch này xuất hiện sâu trong nội địa khiến không ít người bất ngờ. Bởi trước đó, nguy cơ bệnh được nhận định xảy ra tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Giải thích điều này, ông Phạm Văn Đông cho rằng, nguyên nhân có thể do chim di cư: “Hiện nay, Trung Quốc, Mông Cổ, Liên bang Nga là các nước đã có dịch. Chim di cư có xu hướng đi từ vùng lạnh tới vùng ấm nên có thể mang mầm bệnh lây lan vào nước ta”.

Không nên tẩy chay thịt lợn

Về dấu hiệu nhận biết lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi, ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y) - cho biết: có ba đặc điểm chính. Thứ nhất, lợn sốt cao, có thể trên 40-420C. Thứ hai, khác với các loại bệnh khác thường chỉ tập trung ở một số loại, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở nhiều loại lợn khác nhau từ lợn nái, lợn con, lợn choai, lợn thịt. Thứ ba, khi mắc bệnh, lợn không chết ồ ạt bởi dịch bệnh này không lây truyền qua hô hấp mà qua chất nhầy, máu… của vật nuôi.

Dich ta lon chau Phi da xuat hien tai Viet Nam
Cục Thú y cho biết đã tiêu hủy 257 con lợn tại các hộ chăn nuôi phát hiện nhiễm vi-rút dịch tả lợn châu Phi

Trước nguy cơ bệnh dịch đã xuất hiện và có thể lây lan rộng, Cục Thú y yêu cầu người dân không bán chạy lợn bệnh, nghi bệnh. Người kinh doanh không giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, nghi bệnh. Khi xuất hiện bệnh, cần báo chính quyền địa phương và cơ quan thú y cơ sở để kịp thời xử lý ổ dịch.

“Chúng tôi khẳng định, với bệnh dịch này không có chuyện điều trị mà phải tiến hành tiêu hủy. Tại một số địa phương, đã có các đơn vị bán thức ăn chăn nuôi tư vấn có thể khám chữa, điều trị bệnh và lấy mẫu thử vi-rút này. Tuy nhiên, Cục Thú y khuyến cáo không nên thực hiện, bởi hành vi này có thể làm lây lan mầm bệnh rộng hơn”, ông Long nhấn mạnh.

Đặc biệt, dịch tả lợn châu Phi là căn bệnh không lây sang người, do đó, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông đề nghị người chăn nuôi và người dân “không nên hoang mang”. Theo đó, người chăn nuôi nên chủ động ngăn chặn dịch bằng phương pháp “sinh học” như rải vôi bột các lối ra vào, chuồng nuôi; kiểm soát chặt chẽ người ra vào cơ sở và mua lợn giống ở các cơ sở uy tín, có kiểm dịch. “Người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng thịt lợn tại các cơ sở uy tín, có kiểm soát giết mổ, dán dấu, lăn dấu, dán tem kiểm định theo quy định pháp luật. Không nên tẩy chay thịt lợn”, ông Phạm Văn Đông kêu gọi.

Liên quan trường hợp Cục Bảo vệ và kiểm tra sức khỏe động thực vật (Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan) thông báo phát hiện xác vi-rút dịch tả lợn châu Phi trên bánh sandwich kẹp thịt lợn của hành khách đến từ Việt Nam, Cục Thú y cho hay có nhiều nguồn tin khác nhau. Trong đó, có thông tin vị hành khách này đến từ Trung Quốc, nguồn tin khác lại nói là Đài Loan... “Do đó, chưa thể kết luận thịt lợn có trong bánh sandwich của hành khách nêu trên là có nguồn gốc từ Việt Nam. Hiện Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan của Đài Loan để làm rõ thông tin trên”, đại diện Cục Thú y cho biết. 

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng cộng đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.

Riêng tại Trung Quốc, từ ngày 3/8/2018 đến 18/2/2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 105 ổ dịch xuất hiện tại 25 tỉnh, trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam. Tổng cộng đã có hơn 950.000 con lợn phải tiêu hủy.

Ngày 17/1/2019, một con lợn chết được tìm thấy trên đảo Mẫu Đơn Giang (đảo hoang không có người), Liên Giang, Đài Loan, cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Kết quả giải trình tự gen của vi-rút này tương đồng 100% với vi-rút dịch tả lợn châu Phi tại Trung Quốc.

Ngoài ra, theo một số nguồn tin, khả năng bệnh dịch này đã xuất hiện tại một số nước trong khu vực nhưng chưa được thông tin chính thức. Như vậy, nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng ở các nước trong khu vực rất cao.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI