Dị tật bẩm sinh chưa phải chấm hết

15/05/2018 - 06:00

PNO - Nhắc tới dị tật bẩm sinh, mọi người thường nghĩ đó là số phận. Tuy nhiên, một số dị tật có thể trở về gần như bình thường nếu được phẫu thuật chỉnh sửa.

Hiện nhiều bệnh viện có các chương trình phẫu thuật và điều trị miễn phí cho các trẻ kém may mắn này.

Tách các ngón tay dính chùm

Chúng tôi gặp anh Đ.M.S. (52 tuổi, ở H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) ngày 12/5 tại Bệnh viện FV TP.HCM. Con trai anh là bé Đ.H.D., sinh năm 2011 vừa được mổ chỉnh sửa dị tật bàn tay tại bệnh viện cách đây hai ngày. Ai có thể thấu nổi nỗi đau, sự vất vả của vợ chồng anh khi sinh ra năm đứa con thì tới ba đứa bị dị tật bàn tay.

Anh S. đưa bàn tay cong queo, các ngón tay to bè, ngắn ngủn, dính chặt vào nhau của mình cho chúng tôi xem. Đôi mắt người cha thẳm sâu sự xót xa: “Bác sĩ bảo các con tôi bị dị tật bẩm sinh do yếu tố di truyền, có lẽ từ tôi”. Hành trình chạy chữa cho các con là quãng thời gian dài đằng đẵng. 

Bắt đầu hành trình này là đứa con gái Đ.T.T.L., sinh năm 2006. Khi bé vừa lọt lòng, vợ chồng anh S. đã bật khóc vì cả hai bàn tay của con giống hệt bố. Một bé gái kháu khỉnh dễ thương, nhưng đôi bàn tay nhỏ xíu lại ngón to, ngón bé, ngón ngắn, ngón dài, dính chùm với nhau. Vợ chồng làm nông, kinh tế eo hẹp nhưng khi bé L. tròn một tuổi, anh S. quyết định dẫn con đi chữa.

Gia đình anh ở vùng sâu H.Trảng Bom, hai cha con phải vất vả đi mấy chặng xe để lên TP.HCM. Trước đó, anh S. cũng đăng ký cho con khám sàng lọc tại bệnh viện địa phương và hy vọng bé lọt vào danh sách mổ miễn phí. Từ lúc L. được bố ẵm trên tay cho tới khi lẫm chẫm biết đi, lon ton biết chạy, trải qua nhiều ca phẫu thuật, đến năm bé 4 tuổi thì hai bàn tay đã được chỉnh sửa, phục hồi được chức năng và đạt cả tính thẩm mỹ.

Cô bé nay đã học lớp Sáu, đưa hai bàn tay nhỏ nhắn ra cho mọi người xem, các ngón tay lành lặn, gần như không mấy khác biệt so với bình thường. Nếu ba của L. không kiên trì tìm kiếm hy vọng thì số phận của cô bé sẽ không thể mở sang trang mới như thế này. 

Di tat bam sinh chua phai cham het
Bé L. nay đang học lớp Sáu, hai bàn tay đã hồi phục sau khi trải qua các ca phẫu thuật chỉnh sửa

Tìm lại nụ cười cho trẻ

Câu chuyện về những đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh được trao cơ hội trở thành người bình thường không hiếm. Tuy nhiên, đôi khi thông tin đến với các phụ huynh còn hạn chế, nhất là những gia đình ở vùng sâu, vùng xa. Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu - Trưởng khoa Răng - hàm - mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - đã từng cứu không ít bệnh nhi sứt môi hở vòm. Mặc dù đây là dị tật bẩm sinh nhẹ, không có chỉ định bỏ thai và hoàn toàn khỏi nếu được phẫu thuật, thế nhưng do định kiến xã hội, nhiều cha mẹ chịu áp lực từ gia đình nội, ngoại đã quyết định phá thai.

Một số bé may mắn được sinh ra nhưng lại bị chính cha mẹ mình đem giấu bởi xấu hổ. Điển hình là trường hợp bé P.V.K., khi sinh bé, ba mẹ không dám báo tin mừng cho ai bởi kết quả siêu âm thai đã thấy K. bị sứt môi hở vòm.

Suốt ba tháng sau khi sinh, hễ có họ hàng hoặc ông bà lên thăm là ba mẹ bé K. đem con đi giấu ở nhà hàng xóm. Mãi tới khi biết nhiều trường hợp tương tự con mình được phẫu thuật miễn phí tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, ba mẹ K. như được mở lối thoát. Sau khi trải qua các đợt phẫu thuật, môi bé lành lặn, lúc này K. mới được ba mẹ bế về ra mắt ông bà. 

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, mỗi năm Việt Nam có 2.000-3.000 trẻ sứt môi hở vòm chào đời. Mỗi tháng, bệnh viện đã tư vấn cho ít nhất 10 bà mẹ có thai nhi bị tình trạng này không còn ý định bỏ thai. Từ năm 2009 đến nay, bệnh viện đã giúp hơn 5.000 trẻ tìm lại nụ cười. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI