Để không chìm trong stress

11/12/2019 - 07:00

PNO - Stress là căn bệnh của thời đại và không kiêng dè bất kỳ ai. Stress là sự căng thẳng, sự phản ứng của cơ thể chúng ta với những đòi hỏi khẩn cấp, những kích thích bên ngoài, hay những mối đe dọa.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy - chuyên gia tham vấn tâm lý chia sẻ: Mỗi người có phản ứng khác nhau trước tác nhân kích thích. Ví dụ với ly hôn, nhiều người thấy nhẹ nhõm, bình thường, coi như một sự giải thoát, họ vui vẻ, tích cực, nhưng với người khác lại là điều cực kỳ tồi tệ. 

Thang đo stress

De khong chim trong stress
 

Một chút căng thẳng sẽ có ích, nó kích thích chúng ta tập trung hơn, huy động bộ não tìm giải pháp tốt hơn. Nhưng nếu quá nhiều căng thẳng, nó sẽ hủy hoại, khiến ta lâm vào trầm cảm, và ở mức độ trầm trọng sẽ dẫn đến tự tử.

Có những người coi thường tình trạng căng thẳng của mình, nghĩ là sẽ vượt qua được, không cần tham vấn tâm lý, cũng như điều trị y khoa, cho đến khi quá muộn.

Trắc nghiệm về mức độ stress của tác giả Kua Ee Heok và cộng sự (Singapore) sẽ giúp ta đánh giá về sức khỏe tinh thần của mình và người thân để không chủ quan cũng đừng trầm trọng hóa. 

Trong 1 tháng qua, bạn thường xuyên có các biểu hiện như sau không:

1. Bạn có khó ngủ không?

2. Bạn có cảm thấy dễ mệt mỏi không?

3. Bạn có cảm thấy căng trong đầu hay bó chặt trong ngực không?

4. Bạn có cảm thấy luôn luôn áp lực không?

5. Bạn có thấy khó tập trung chú ý không?

6. Bạn có thấy không còn thích thú với những sở thích hay hứng thú khác của bạn không?

7. Bạn có cảm thấy không có khả năng ra quyết định không?

8. Bạn có cảm thấy buồn không?

9. Bạn có cảm thấy dễ kích thích, cáu giận không?

10. Bạn có cảm thấy mọi thứ là vô vọng không?

Chấm 1 điểm cho mỗi câu trả lời “có”.

Kết quả: 4 điểm trở lên là mức độ stress nặng và 7 điểm trở lên là stress rất nặng. Nhiều bệnh nhân có điểm trên 4 thường có các triệu chứng rối loạn lo âu hoặc trầm cảm.

Ta nhận thấy đầu óc dạo này nhớ nhớ quên quên, đánh giá tình huống kém, không còn nhạy bén, tỉnh táo, chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực của vấn đề, luôn bi quan và thấy mình là nạn nhân; luôn bồn chồn, lo lắng, những suy nghĩ tiêu cực dồn dập trong đầu là triệu chứng stress về mặt nhận thức, tư duy.

Triệu chứng stress về cảm xúc thể hiện: có khi rất buồn rầu, căng thẳng, lo lắng, kích động, cáu kỉnh, cảm thấy quá tải, muốn buông xuôi, cô đơn, dễ làm cho mối quan hệ xung quanh đổ vỡ. Cha mẹ đang có con nhỏ dễ quạu quọ, đánh mắng con. 

Ta có thể có hành vi quá khích, muốn đánh đập ai đó, tự nhiên không muốn gặp ai, không muốn đi làm, ngủ quá nhiều hoặc quá ít, rối loạn ăn uống, làm việc uể oải, thiếu trách nhiệm; mượn rượu, cà phê, thuốc lá, chất kích thích để thư giãn, thậm chí là phải sử dụng thuốc ngủ. Hoặc ta có những hành vi lặp đi lặp lại như cắn móng tay, bước tới bước lui, nói đi nói lại một câu mà không biết tại sao. 

De khong chim trong stress
 

Triệu chứng stress về thể xác dễ nhận thấy như nhức mỏi, đau lưng, vai, gáy, bụng, đi khám không có bệnh. Bác sĩ chuyên khoa kinh nghiệm khuyến cáo đi khám tâm lý sẽ thấy ngay được nguyên nhân từ những tổn thương bên trong, sức ép tinh thần khiến tình trạng stress kéo dài. Ta dễ bị ốm vặt, tiêu chảy hoặc táo bón, buồn nôn, chóng mặt, đau ngực, tim đập nhanh, căng thẳng, khó chịu với chuyện gối chăn, lãnh cảm. 

Bạn có nhận khi ai đó “ship” đến một “gói… stress”?

Khi ta stress, nguyên nhân bên ngoài là những thử thách, nhưng nguyên nhân bên trong lại đến từ những suy nghĩ tiêu cực của chúng ta về chính mình và cuộc sống. Một trong những nguyên nhân hết sức quan trọng là tư duy cho-mình-là-nạn-nhân, thường trực ý nghĩ tại ai đó, tại vấn đề gì đó, tại hoàn cảnh nào đó làm cho mình khổ. Nhưng thực sự cảm xúc đến từ đâu? Ai chịu trách nhiệm về cảm xúc của chúng ta?

Có ai khác hơn là chính mình? Ai đó đưa đến cho mình điều tồi tệ, vu oan, khinh miệt hay nói xấu, mình có quyền nhận hay không nhận - không để bị ảnh hưởng bởi lời nói, cử chỉ, hành động ấy. Những tác động bên ngoài chỉ là nguyên cớ, nguyên nhân ở cách ta nhìn vấn đề. Mạnh mẽ là khi ta không ngại sóng gió.

Suy nghĩ tích cực, đa chiều, không định kiến chủ quan sẽ giúp ta bình tĩnh, đủ nội lực để vượt qua. Ngưng một công việc không phù hợp, giã biệt một kẻ phụ tình, kết thúc một cuộc hôn nhân không như ý… chẳng sao cả, cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra. 

Đừng đợi đến khi gặp chuyện, bạn mới gồng mình chống đỡ. Xem bộ phim, nghe bản nhạc, đi nhậu tìm niềm vui nhất thời khỏa lấp nỗi buồn chỉ như là thoa dầu gió lên vết thương mà thôi. Bởi khi đau phải biết nguồn cơn từ đâu.

Trốn chạy, kìm nén cảm xúc thậm chí phủ nhận cảm xúc của mình không phải là cách, mà nên rèn cho mình lối sống lành mạnh, tư duy tích cực, tập luyện để vui khỏe. Hít thở sâu là kỹ thuật đơn giản nhưng rất hiệu quả để lắng dịu những cảm xúc tiêu cực. Tập thể dục cho ta năng lượng tích cực, tiết ra hoóc-môn hạnh phúc, “thân khỏe, tâm an, trí sáng”.

“Sáng dậy cười một cái/ Nhìn thấy mình trong gương/ Trời ơi không tin nổi!/ Mình quá là dễ thương!”. Tìm niềm vui mỗi ngày cũng là cách chuẩn bị nội lực cho mình để không bao giờ gục ngã, để yêu người, yêu đời…

Hoài Nhân (ghi) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI