Đấu thầu với 'giá bèo', nhiều bệnh viện không mua được thuốc

15/11/2018 - 15:16

PNO - Nhiều bệnh viện tại TP.HCM không mua được nhiều loại thuốc do giá kế hoạch được xây dựng trong kế hoạch đấu thầu thuốc (giá muốn mua) thấp hơn giá của công ty muốn bán.

Nhiều đơn hàng cả trăm triệu đồng nhưng công ty từ chối

Đầu tháng 7/2018, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kết quả trúng thầu thuốc cho năm 2018, tuy nhiên có đến 52 loại thuốc không mua được do giá kế hoạch thấp hơn giá công ty muốn bán. Đặc biệt, nhiều mặt hàng thuốc mà bệnh viện muốn mua số lượng lớn, giá trị lên đến vài trăm triệu đồng nhưng không có công ty nào tham gia.

Dau thau voi 'gia beo', nhieu benh vien khong mua duoc thuoc
Nhiều loại thuốc không trúng thầu vì bệnh viện muốn mua giá thấp

Đơn cử như bệnh viện mở gói thầu cho thuốc chứa hoạt chất Donepezil hydrochloride 10mg, giá muốn mua khoảng 77.000 đồng, số lượng 12.000 viên, tổng giá trị mời thầu cho mặt hàng này hơn 972 triệu đồng. Đây là loại thuốc hướng thần, được chỉ định điều trị các triệu chứng giảm trí nhớ mức độ nhẹ hoặc vừa trong bệnh Alzheimer.

Hay thuốc tiêm Fentanyl 0,1mg/2ml (loại thuốc giảm đau mạnh), Bệnh viện Nguyễn Tri Phương muốn mua 50.000 ống với giá khoảng 11.000 đồng/ống 2ml, tổng giá trị lên tới 590 triệu đồng nhưng không có công ty muốn bán.

Nhiều mặt hàng thuốc khác có giá trị cả trăm triệu đồng nhưng không công ty nào tham dự thầu như: thuốc tiêm Galantamin 5mg/1ml, hơn 418 triệu đồng; thuốc chứa hoạt chất Paracetamol 325mg + tramadol 37,5mg được mua đến 200.000 viên với tổng giá trị 800 triệu đồng; thuốc viên Felodipin 5mg, giá 270 triệu đồng, thuốc viên Diacerein 50mg với nhu cầu mua đến 644 triệu đồng…

Tình trạng này xảy ra tương tự ở các bệnh viện áp thầu (không tổ chức đấu thầu mà dựa vào kết quả trúng thầu của bệnh viện khác để mua).

Dau thau voi 'gia beo', nhieu benh vien khong mua duoc thuoc
Bệnh viện huyện Bình Chánh

Đại diện Bệnh viện huyện Bình Chánh cho biết cũng chỉ mua được 76% loại thuốc generic (thuốc được sản xuất theo tiêu chuẩn thuốc gốc do hết thời hạn bản quyền) do nhiều mặt hàng có giá kế hoạch thấp hơn giá công ty. Trong số 12 loại thuốc có giá kế hoạch thấp hơn giá chào của công ty chủ yếu là thuốc tiêm truyền như: Glucose chai 250ml, Fentanyl 0,1mg/2ml, Dobutamin 250mg/20ml, Midazolam 5mg/1ml…

Dược sĩ Phạm Hữu Phước – Trưởng khoa Dược, Bệnh viện huyện Nhà Bè, cho biết, bệnh viện này cũng chưa mua được một số loại thuốc do giá muốn mua thấp hơn giá công ty muốn bán. Chẳng hạn bệnh viện muốn mua 9.400 lọ kháng sinh dạng chích Augmentin 1,2g với giá 42.210 đồng/lọ. Trong khi đó, Công ty Smithline của Anh nhập khẩu về Việt Nam, chào bán ở Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM giá 42.308/lọ. Vì vậy, Bệnh viện Nhà Bè đang trình lại Sở Y tế kế hoạch mới để mua thuốc với giá 42.308 đồng/lọ.

Ngay cả mặt hàng thuốc của Việt Nam như Lisonopril Stada 10mg, bệnh viện cũng không mua được vì mời giá 2.000 đồng/viên, trong khi công ty dược trúng thầu ở Bệnh viện Nguyễn Trãi vào tháng 7/2018 đến 2.300 đồng/viên.

Dau thau voi 'gia beo', nhieu benh vien khong mua duoc thuoc
Người bệnh muốn nhận thuốc ở bệnh viện hơn ra ngoài mua

Đây là những thuốc thiết yếu cần cho người bệnh

Theo dược sĩ Phạm Hữu Phước, giá kế hoạch được Bệnh viện huyện Nhà Bè nộp về Sở Y tế từ tháng 10/2017 để mua thuốc cho 2018. Đến tháng 2/2018, Sở phê duyệt, lúc này một số loại thuốc lên giá nên bệnh viện không mua được.

Dược sĩ Lưu Hoàng Anh – Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM cho biết, Thông tư số 11/2016/TT-BYT về đấu thầu thuốc có quy định khi lập kế hoạch đấu thầu, bệnh viện phải tham khảo giá thuốc trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế khác nhưng giá kế hoạch (giá mời thầu) không được cao hơn giá trúng thầu.

Vì vậy, khi Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tổ chức đấu thầu, một số mặt hàng thuốc không mua được do có giá kế hoạch thấp so với giá bán ra của công ty. Chưa kể, lúc xây dựng giá kế hoạch để trình Sở Y tế, một số mặt hàng thuốc chưa tăng giá, chưa trúng thầu nơi khác nên bệnh viện phải lấy giá cũ. Đến khi bệnh viện mở thầu, giá cũ này không còn phù hợp với giá thuốc mới của công ty vừa trúng thầu.

Dau thau voi 'gia beo', nhieu benh vien khong mua duoc thuoc
Mỗi ngày Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tiếp nhận từ trên 2.000 bệnh nhân đến khám

Một số công ty dược cho hay, sở dĩ giá thuốc tăng hơn so với giá kế hoạch của các bệnh viện vì nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc, tỷ giá đồng đô la Mỹ liên tục tăng… Giá thuốc tăng mới không bị lỗ.

Đại diện một bệnh viện hạng 2 cho biết, các bệnh viện còn một ít thuốc dự trữ, nếu công ty không bán hoặc chậm bán thuốc thì người bệnh sẽ gặp khó khăn vì thay đổi loại thuốc đang điều trị, thậm chí có thể thay đổi phác đồ điều trị. Nếu điều này xảy ra, việc điều trị theo phác đồ mới chưa chắc hiệu quả bằng loại thuốc bệnh nhân đang uống.

Năm 2019, các bệnh viện phải tự đấu thầu để ràng buộc công ty dược

Bác sĩ Nguyễn Đình Xướng - Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chia sẻ, khi chấp nhận đấu thầu thì bệnh viện này mua được giá rẻ, bệnh viện kia mua giá cao hơn hay rớt thầu là chuyện bình thường; quan trọng đấu thầu phải minh bạch và mua được thuốc cho bệnh nhân.

Dau thau voi 'gia beo', nhieu benh vien khong mua duoc thuoc
Người bệnh sợ cảnh phải ra bên ngoài mua thuốc

Ví dụ cũng thuốc giảm đau paracetamol, nhưng nếu bệnh viện quận huyện chỉ mua vài nghìn viên thì chắc chắn giá phải cao hơn so với bệnh viện tuyến cuối mua cả trăm ngàn viên. Bởi với số lượng thuốc chào mua quá lớn, nếu công ty không bán giá rẻ, chấp nhận lời ít hơn thì công ty khác sẽ trúng thầu.

Riêng với những mặt hàng thuốc không trúng thầu do giá kế hoạch thấp hơn so với giá công ty đưa ra, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã lập lại kế hoạch mua thuốc bổ sung nộp về Sở Y tế để sớm mua thuốc phục vụ bệnh nhân.

Trong khi đó, một số bệnh viện quận/huyện lo lắng vì mua số lượng thuốc không nhiều như các bệnh viện tuyến cuối. Công ty dược thường ưu tiên “bỏ hàng” cho nơi mua nhiều, còn nơi mua ít chưa chắc có thuốc nếu số lượng thuốc sản xuất có hạn.

Thạc sĩ, dược sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP.HCM, cho biết, ngay sau khi có kết quả trúng thầu, bệnh viện nào vẫn chưa mua được thuốc thì lập ngay kế hoạch mua thuốc bổ sung gửi về Sở Y tế. Sở sẽ duyệt cho các bệnh viện mua thuốc bằng các hình thức mua thuốc nhanh gọn như mua sắm trực tiếp (áp thầu), chỉ định thầu… Sau 2 - 4 tuần, bệnh viện sẽ có thuốc cho người bệnh. Vì phải mất 2 - 4 tuần chờ duyệt và mua thuốc bổ sung, nên việc đảm bảo cho bệnh nhân không thiếu thuốc phụ thuộc nhiều vào kế hoạch dự trữ thuốc tồn kho từ mùa thầu trước của bệnh viện.

Dau thau voi 'gia beo', nhieu benh vien khong mua duoc thuoc
Kiểm kê thuốc ở một bệnh viện

Cũng theo dược sĩ Dũng, thông thường, các bệnh viện xây dựng giá kế hoạch dựa trên giá trúng thầu của lần liền kề trước đó, nhưng nếu công ty thông báo giá thuốc tăng thì việc xây dựng giá kế hoạch cũng phải được điều chỉnh. Giá kế hoạch lúc này được xây dựng dựa trên báo giá của 3 nhà cung cấp khác nhau để tìm giá thấp nhất, nhưng không được cao hơn giá công ty kê khai hoặc kê khai lại với Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.

Trong những năm gần đây, tình hình kinh tế tương đối ổn định, giá thuốc không có biến động nhiều, thậm chí giá một số mặt hàng thuốc trong nước còn giảm nên rất thuận lợi cho việc lập giá kế hoạch trong đấu thầu mua thuốc. Tuy nhiên, bệnh viện nào nếu biết công ty báo giá mới mà vẫn xây dựng giá kế hoạch cứng nhắc thì việc không mua được thuốc là do bệnh viện đó tự làm khó mình.

Cũng theo Sở Y tế, kể từ đợt đấu thầu tới (2018 - 2019), Sở Y tế sẽ bắt buộc các bệnh viện tuyến quận, huyện phải tổ chức đấu thầu rộng rãi để buộc nhà cung ứng cung cấp đầy đủ thuốc. Vì nếu áp thầu, bệnh viện sẽ không ràng buộc được công ty cung cấp đủ thuốc, đúng hẹn.

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI