Đấu thầu kéo dài, máy móc lỗi thời bệnh viện vẫn phải mua

12/04/2018 - 19:10

PNO - Sau nhiều năm chờ đợi kết quả đấu thầu tập trung về máy tính, máy lạnh, máy photocopy, nhiều bệnh viện tại TP.HCM phát hoảng khi nhiều loại máy lỗi thời hoặc không còn nhu cầu mua nữa nhưng... vẫn phải sắm!

Nhiều bệnh viện không còn nhu cầu mua máy

Bác sĩ Nguyễn Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, mua sắm tập trung có lợi cho các đơn vị đỡ tốn thời gian và nhân sự làm thủ  tục đấu thầu và có thể mua với giá tốt nhất. Tuy nhiên, thời gian mua sắm tập trung quá lâu, từ lúc lên kế hoạch dự trù, trình ký, phê duyệt đến khi có máy móc phục vụ người bệnh quá dài. Đến thời điểm được mua sắm thì nhu cầu đã khác và các loại máy móc không còn phù hợp với tình hình hiện tại, thậm chí lỗi thời.

Dau thau keo dai, may moc loi thoi benh vien van phai mua
Nhiều bệnh viện rất cần máy tính để triển khai bệnh án điện tử

Kết quả trúng thầu 2 năm 2016 và 2017 về mua sắm máy tính, máy lạnh, máy photocopy được Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (đơn vị đứng ra tổ chức đấu thầu tập trung thuộc Sở Tư pháp TP.HCM) công bố cách nhau chưa đến 1 tháng. Kết quả trúng thầu năm 2016 được công bố vào ngày 25/10/2017, còn kết quả trúng thầu năm 2017 diễn ra vào ngày 21/11/2017, khiến số lượng mặt hàng mua có thể trùng nhau.

Đơn cử, Bệnh viện đa khoa Sài Gòn đề xuất mua 40 máy tính, 5 máy lạnh và 3 máy photocopy cho năm 2016. Việc đề xuất này được phê duyệt vào đầu năm 2016 nhưng đến giữa năm sau kết quả trúng thầu vẫn chưa có.

Cũng năm 2017, bệnh viện thực hiện dự án cải tạo sửa chữa, được UBND TP.HCM phê duyệt cấp 72 máy lạnh, nâng tổng số máy lạnh của bệnh viện lên 110 cái. Vì vậy, khi kết quả trúng thầu năm 2016 được công bố vào cuối tháng 10/2017, bệnh viện này đã không còn nhu cầu mua máy lạnh. Riêng máy tính, bệnh viện vẫn mua vì có thể thay thế cho máy quá cũ.

Dau thau keo dai, may moc loi thoi benh vien van phai mua
Nhiều bệnh tự sửa chữa lại máy lạnh vì chờ kết quả thầu quá lâu

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình cũng xin giảm số lượng máy tính so với đăng ký ban đầu, bởi đề xuất từ đầu năm 2016 nhưng không có kết quả. Đến cuối năm 2017, bệnh viện mới nhận kết quả trúng thầu năm 2016, trong khi chỉ còn vài tháng nữa đơn vị vệ tinh 100 giường đặt tại Bệnh viện An Bình đến thời hạn thanh lý hợp đồng. Bệnh viện sẽ chuyển hết máy móc về trụ sở và không còn nhu cầu mua sắm máy tính.

Bệnh viện Bình Dân, Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM... vì không chờ nổi thời gian trúng thầu nên đã tự thuê sửa chữa máy lạnh, hoặc được người bệnh, ngân hàng, công ty dược... tặng máy lạnh nên cũng không còn nhu cầu mua sắm!

Chưa kể, một số bệnh viện cho biết, vì kết quả đấu thầu tập trung năm 2016 chưa công bố nên kế hoạch mua sắm năm 2017 phải cập nhật lại tình hình mới của bệnh viện. Kết quả đấu thầu 2 năm được công bố cách nhau 1 tháng khiến nhiều mặt hàng bị trùng lắp, số lượng máy móc cần mua sắm bị thừa.

Trong khi đó, “Ngân sách mua sắm này được lấy từ quỹ phát triển sự nghiệp của bệnh viện. Bệnh viện tránh lãng phí mua máy dư thừa, phải tiết kiệm để mua sắm nhiều máy móc khác đang thiếu” – một bác sĩ cho biết.

Dau thau keo dai, may moc loi thoi benh vien van phai mua
Nhiều bệnh viện công muốn sớm có máy móc hoàn thiện để thu hút người bệnh

Bắt buộc phải mua!

Trước tình hình này, ngày 22/3/2018, bà Nguyễn Thị Bình Thuận, Phó giám đốc Sở Tư pháp đã mời họp 17 bệnh viện có nhu cầu thay đổi việc mua sắm để tìm hiểu nguyên nhân và hướng giải quyết.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, những rắc rối này một phần do việc đấu thầu kéo dài khiến các bệnh viện rơi vào thế bị động trong việc mua sắm, đề xuất danh sách cần mua sắm ở mỗi giai đoạn. Đây cũng là lần đầu tiên TP.HCM thực hiện kế hoạch đấu thầu tập trung máy móc nên còn chủ quan, vội vã.

Nếu thực hiện đấu thầu tập trung, cần phải có thời gian chuẩn bị ít nhất 2 năm, cần chuẩn hóa danh mục mua sắm tập trung. Việc mua sắm máy móc không giống như đấu thầu thuốc. Nếu đấu thầu thuốc phụ thuộc vào số lượng bệnh nhân, thời hạn sử dụng thì việc mua sắm máy móc phải có số lượng chính xác để nhà cung ứng nhập  hàng về, không thể để công ty ôm hàng. Chưa kể, máy móc để chậm trễ sẽ lỗi thời...  

Cũng theo đại diện Sở Y tế, một số bệnh viện cũng có lỗi khi thay đổi số lượng máy móc không báo cáo sớm, công bố kết quả thầu rồi mới từ chối nhận hàng. Chẳng hạn, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, trước đây đăng ký máy tính bàn có cấu hình Core I3 nhưng hiện xin sang Core I5 vì cho rằng đấu thầu kéo dài khiến Core I3 đã lỗi thời.

Dau thau keo dai, may moc loi thoi benh vien van phai mua
Thời tiết TP.HCM nắng nóng, nhiều bệnh viện không thể chờ thời gian đấu thầu kéo dài

Cũng theo vị này, Bệnh viện Bình Dân, nếu tự sửa chữa được máy lạnh phục vụ người bệnh thì ngay từ đầu sửa chữa, tiết kiệm ngân sách, chứ không nhất thiết phải đăng ký để dẫn đến tình trạng không muốn mua nữa...

GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM vừa ký công văn gửi đến các bệnh viện yêu cầu phải thực hiện đúng thỏa thuận khung được ký kết, không giảm số lượng máy móc đã mua.

Để tránh tình trạng lãng phí, không ảnh hưởng đến công ty trúng thầu, bác sĩ Nguyễn Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho rằng: "Giữa bệnh viện và công ty trúng thầu nên thỏa thuận sao cho hợp tình hợp lý. Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, đối với máy lạnh, bệnh viện vẫn mua hết số lượng đề xuất. Riêng máy tính, từ năm 2016, bệnh viện đã lên kế hoạch mua 100 bộ nhưng đến thời điểm trúng thầu thì phát hiện mỗi máy tính có kèm theo bộ lưu điện UPS, với giá 1,2 triệu đồng/bộ.

Thực tế bệnh viện đã có hệ thống lưu điện tổng, đảm bảo không mất dữ liệu khi mất điện, không cần UPS. Do đó, để đảm bảo uy tín quy mô đấu thầu tập trung của thành phố, bệnh viện sẽ thương thảo với công ty trúng thầu bằng cách vẫn lấy 80 bộ máy tính không có UPS, đồng thời quy số tiền từ 80 bộ UPS này để mua bổ sung thêm máy tính cho bệnh viện. Bệnh viện đang chờ công ty phản hồi".

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI