Đầu tháng cao điểm bệnh tay chân miệng, đã có trẻ tử vong

26/09/2018 - 14:20

PNO - “Đừng vào đó, ám ảnh lắm”, vị bác sĩ nhi khoa nói khi chúng tôi xin vào phòng cấp cứu của khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).

Bệnh tay chân miệng không chỉ bất ngờ xuất hiện nhiều ca nhiễm mà còn diễn tiến rất nặng. Hiện đã có một trẻ ở TP.HCM tử vong vì căn bệnh này.

Dau thang cao diem benh tay chan mieng, da co tre tu vong
Bệnh nhi nằm phòng cấp cứu khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1.

Bệnh tay chân miệng đang bước vào mùa cao điểm hàng năm (tháng 8, 9, 10). Số ca nhập viện do mắc bệnh này ngày càng dồn dập và hầu hết trở nặng. Suốt 3 tuần qua, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 và các đồng nghiệp luôn túc trực ở các giường bệnh nhân nặng.

Lối đi trong phòng cấp cứu của khoa Nhiễm - Thần kinh chen kín các xe thuốc. Nhân viên y tế đi như chạy. Có bác sĩ ngồi bóp bóng giúp thở cho bệnh nhi. Trẻ bệnh nặng phải thở máy, trẻ nhẹ hơn thì 2 em nằm chung một giường. Bệnh nhi nằm thiêm thiếp, tay chân được buộc chặt vào thành giường tránh co giật.

Dau thang cao diem benh tay chan mieng, da co tre tu vong
Trẻ em nằm cấp cứu tại khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 do mắc bệnh tay chân miệng.

Trong đợt bùng phát bệnh tay chân miệng này, tại đây có ít nhất 8 trẻ thở máy, 4 trẻ phải lọc máu. Phòng cấp cứu có khoảng 25-30 trẻ. Các bé bị bệnh tay chân miệng cấp độ nặng được theo dõi sát sao. 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết chỉ trong 3 tuần gần đây, số lượng trẻ bị tay chân miệng phải điều trị nội trú tăng gấp 5 lần so với cùng thời điểm năm ngoái. Có đến trên 80% trẻ đang ở khoa Nhiễm - Thần kinh bị bệnh tay chân miệng (179 trẻ trên tổng số 220 trẻ).

Dau thang cao diem benh tay chan mieng, da co tre tu vong
25-30 trẻ bị bệnh tay chân miệng nặng đang được theo dõi sát sao.

Số lượng bệnh nhi vào viện cao nhất được ghi nhận vào thứ Hai (24/9) với 222 trẻ. Thời điểm này mới vào đầu những tháng cao điểm nên theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, số trẻ nhập viện do bệnh tay chân miệng sẽ còn tăng.

Chăm con gái 26 tháng tuổi ở đây, chị Võ Thị Lệ Hằng (34 tuổi, ngụ Hóc Môn, TP.HCM) cho biết không hiểu sao con mình lại bị bệnh tay chân miệng. Mẹ con chị ở bệnh viện đến nay đã 17 ngày.

Dau thang cao diem benh tay chan mieng, da co tre tu vong
Một em bé bị lở miệng do bệnh tay chân miệng.

Chị Hằng cho biết các con trước của chị cũng từng mắc tay chân miệng. Tuy nhiên, lần này con gái 26 tháng tuổi của chị bị biến chứng của bệnh. Sau 2 ngày sốt cao, bé bị run tay, run chân, nôn ói, lơ mơ.

Khi nhập viện, con gái chị Hằng được đưa ngay vào phòng cấp cứu. Chẩn đoán sau đó xác định bé bị bệnh tay chân miệng độ 4 (rất nặng). Vài ngày sau, bé bị phù phổi - biến chứng của tay chân miệng nên phải thở máy, lọc máu, tiếp đó bé bị viêm phổi. Chị Hằng cho biết gần nhà không có bé nào bị bệnh này, con gái chị cũng không gửi nhà trẻ.

Dau thang cao diem benh tay chan mieng, da co tre tu vong
Một em bé ở TP.HCM bị bệnh tay chân miệng.

Theo ghi nhận của phóng viên, số trẻ bị bệnh tay chân miệng phải nhập viện trong tháng 9/2018 hầu hết từ 15 đến 25 tháng tuổi. Bố mẹ các bé hoàn toàn bất ngờ vì nhà cửa đều được lau dọn sạch sẽ. Các bé đều được chăm sóc ở nhà, không gửi nhà trẻ. Hầu hết phụ huynh không hiểu vì sao con mình bị bệnh tay chân miệng.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết chưa thể đưa ra nhận định gì về nguyên nhân dẫn đến việc nhiều bé bị bệnh tay chân miệng. Ông cũng cho biết phần lớn trẻ bị tay chân miệng là dưới 3 tuổi và trẻ bị nặng nhất dưới 1 tuổi.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo, người lớn phải chủ động bảo vệ con mình bằng cách rửa tay bằng xà phòng khi đi làm về. Trẻ em trước khi vào lớp học và sau khi tan trường nên rửa tay. Nếu nhà có trẻ bị bệnh tay chân miệng, tuyệt đối không cho trẻ đến trường để tránh lây lan cho các trẻ khác.

Dau thang cao diem benh tay chan mieng, da co tre tu vong
Đã có một trẻ tử vong do biến chứng của bệnh tay chân miệng.

Trong số các trường hợp bị bệnh tay chân miệng trong đợt cao điểm này, có đến 50% trường hợp được xác định mắc type Enterovirus 71 (EV71) – một type virus có độc tính mạnh, lây lan nhanh. Chính type virus EV71 gây ra các biến chứng, ảnh hưởng đến thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim… dẫn đến tử vong.

Chính vì sự nguy hiểm của type virus EV 71, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng phụ huynh cần hết sức đề phòng bệnh tay chân miệng, chú ý các dấu hiệu nguy hiểm phải đưa con đi cấp cứu như sốt cao, giật mình, tay chân lạnh, run tay… Sau 2 ngày trẻ sốt cao, phụ huynh nên đưa con đi khám bệnh.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng nếu ở tỉnh xa, chuyển viện chưa chắc đã tốt và kịp thời vì bệnh có thể diễn tiến nhanh. Các bệnh viện tuyến tỉnh hiện nay đã có đủ trình độ và máy móc để điều trị bệnh tay chân miệng.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI