Con suýt bỏ lỡ kỳ thi vì mẹ cho ăn cháo lươn đậu xanh

12/06/2017 - 18:30

PNO - Những ngày này, khoa khám bệnh và phòng cấp cứu các bệnh viện (BV) thường có nhiều bệnh nhân là học sinh (HS), do mùa thi đã về.

Đây là các bạn trẻ đang trải qua những ngày tháng học hành căng thẳng để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng của cuộc đời: thi trung học phổ thông quốc gia. Áp lực học hành và tẩm bổ quá mức đã khiến các em đổ bệnh bất ngờ. 

Đau dạ dày - tá tràng vì stress

Học ngày, học đêm, thiếu ngủ, ăn uống thất thường là nguyên do khiến HS đổ bệnh. “Cứ thấy bệnh nhân còn trẻ, đang học lớp 12, mà than đau bụng, nôn ói thì phần lớn là hội chứng đau dạ dày tá tràng mà nguyên nhân chính là do stress, áp lực thi cử”, BS Trương Thế Hiệp, Phó khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy cho biết.

Con suyt bo lo ky thi vi me cho an chao luon dau xanh
Học sinh học bài trắng đêm dễ bị ảnh hưởng sức khỏe thể chất và tâm thần.

Mới đây, Thùy T. 18 tuổi, vào BV Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng đau bụng và nôn ói. Mẹ T. cho biết, sức khỏe của em bình thường, đêm nào cũng thức học bài đến 3-4 giờ sáng. Nhưng bỗng dưng ăn gì vào cũng than đau bụng và ói. Sau khi khám, BS kết luận T. bị đau dạ dày và cho về nhà.

BS Trương Thế Hiệp dặn dò: “Học hành nhưng phải chú ý đến sức khỏe, bệnh này cần nghỉ ngơi, ăn uống đúng giờ, đầy đủ, không được bỏ bữa. Lo lắng, áp lực, ăn uống thất thường là bệnh tái lại và nặng hơn”.

Loạn thần vì… học

Ở BV Tâm thần TP.HCM, cũng không hiếm HS được cha mẹ đưa đến khám vì bị rối loạn cảm xúc, thậm chí bị loạn thần vì áp lực phải học giỏi, điểm cao. Em Nguyễn Văn M., ở Bình Chánh, được gia đình chở tới lui BV Tâm thần để tái khám vì mất ngủ, hay nói nhảm một mình.

Con suyt bo lo ky thi vi me cho an chao luon dau xanh
Bên cạnh việc học, cha mẹ cần an ủi các em đừng quá áp lực.

Phải qua nhiều lần khai thác bệnh sử và chắp nối những câu chuyện đứt quãng có phần lơ mơ của M., BS mới biết được nguyên nhân khiến M. bị “hâm”. Vốn là HS học tốt nên cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng và  bắt M. thi tuyển vào lớp 10 một trường nổi tiếng của thành phố.

Dù M. không muốn nhưng sợ cha mẹ buồn nên M. đã cố gắng ôn luyện ngày đêm và thi vừa đủ điểm đậu. Nhưng khi vào học, M. không theo kịp và bị các bạn bỏ xa dần. Bị cha mẹ la rầy, thầy cô góp ý, các bạn “dòm ngó”, càng khiến M. thêm áp lực. Từ đó, M. bị đau đầu, mất ngủ.  

Đến năm cuối trung học, áp lực tăng cao khiến M. cứ lảm nhảm một mình. Cha mẹ mua thuốc bổ, thuốc “nhớ lâu” cho em uống, nhưng không tác dụng. Tháng 2/2017, cha mẹ đưa em đi khám ở BV Tâm thần thì BS kết luận em bị rối loạn lo âu dẫn đến loạn thần.

Ngộ độc vì tẩm bổ

Để giúp con đủ sức khỏe vượt qua “kỳ thi cuộc đời”,  nhiều bà mẹ đã cất công sưu tầm, nấu những món ngon hay các loại thuốc bổ. Em Nguyễn Hồng H., HS Trường THPT M.Đ.C., là một HS học hành thuộc diện khó nhớ - mau quên, nên ngày nào cũng được mẹ bồi bổ món óc heo chưng bí đỏ với kỳ vọng sẽ cải thiện được trí nhớ. Nhưng bổ đâu chẳng thấy, H. bị “Tào Tháo” dí sau năm ngày liên tục ăn óc heo hầm bí, phải ra trạm y tế phường truyền dịch, bù nước.

Con suyt bo lo ky thi vi me cho an chao luon dau xanh
Nhiều học sinh trở nên căng thẳng vào mùa thi.

Nhiều bà mẹ có điều kiện thì tẩm bổ cho con yến sào. Những bà mẹ mê tín thì cho con ăn đậu. Năm ngoái, em Lê Thu Th. suýt lỡ kỳ thi THPT quốc gia khi được mẹ tẩm bổ các loại đậu, gồm chè đậu xanh nước cốt dừa, cháo lươn đậu xanh, cháo bồ câu đậu xanh, chè đậu đỏ… cùng các loại nước tăng lực. Hai ngày trước kỳ thi, Th. phải vào cấp cứu tại BV Chợ Rẫy vì nôn ói, tiêu chảy. 

BS Trịnh Tất Thắng - Giám đốc BV Tâm thần TP.HCM, khuyên: để tránh áp lực, căng thẳng trong thi cử và để thi tốt, các em nên chuẩn bị bài vở trước, chứ không đợi “nước đến chân mới nhảy”.

Bên cạnh đó cần sắp xếp thời gian học- ăn-ngủ hợp lý, khoa học, không nên tự tạo áp lực, hay cha mẹ tạo áp lực cho con. Tuyệt đối không thức trắng đêm dễ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tâm thần.  

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI