Coi chừng trẻ sốc tâm lý khi chứng kiến bạn mình tử vong trên xe ô tô của trường

07/08/2019 - 17:57

PNO - Trong tình huống nhất định, người nhìn thấy, chứng kiến tận mắt sẽ có cảm xúc tâm lý khác rất xa với người nghe thấy, nhưng dù là cách tiếp cận như thế nào cũng gây nên ấn tượng, ám ảnh khó quên.

Trẻ nghe kể lại dễ bị ám ảnh hơn trẻ nhìn thấy bạn mình tử vong

Hơn 16g ngày 6/8, bé L.H.L. (6 tuổi) được phát hiện tử vong trên ô tô đưa rước của Trường Quốc tế Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội). Sự việc không chỉ khiến người thân của bé L. đau lòng, mà những phụ huynh có con đang học tại ngôi trường này nói riêng và những trường khác nói chung, đều lo lắng khi con em mình ngày ngày đi học trên những chiếc xe đưa rước.

Coi chung tre soc tam ly khi chung kien ban minh tu vong tren xe o to cua truong
Bé L. tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa rước của Trường Quốc tế Gateway. Ảnh: Internet

Phụ huynh càng lo lắng, những đứa trẻ phải lên ôtô đi học còn cảm thấy sợ hãi hơn gấp nhiều lần, đặc biệt là những bé đã chứng kiến bạn mình nằm gục trên sàn xe khi theo cô giáo dẫn lên xe để về. Và hình ảnh bé L. được anh bảo vệ vác trên vai chạy vội vào trường sẽ gây nên những ám ảnh cho các bé còn lại. 

Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến - khoa Tâm thể, Bệnh viện Quận Thủ Đức, ở bất kỳ sự việc nào, trong tình huống nhất định, người nhìn thấy, chứng kiến tận mắt sẽ có cảm xúc tâm lý khác rất xa với người nghe kể lại, bởi khi đó mỗi người sẽ tưởng tượng ra một khung cảnh khác nhau nhưng có chung cảm giác rất sợ, nhất là với các bé phải nghe đi nghe lại người lớn nói về chuyện bạn mình đã chết trong ô tô.

Thông thường, khi nghe kể, các bé sẽ hình dung, mường tượng bạn mình la hét, sợ hãi, ngất lịm rồi tử vong, đó là một khung cảnh rất đáng sợ, có thể nhiều trẻ sẽ bị ám ảnh, sốc và sợ ô tô, sợ bước lên xe. Các bé Trường Quốc tế Gateway chỉ mới đi học được hai ngày, chưa thích nghi với một nơi mới, sự việc xảy ra sẽ khiến trẻ sợ cả xe đưa rước của trường.

Coi chung tre soc tam ly khi chung kien ban minh tu vong tren xe o to cua truong
Chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến

Chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến cho biết: “Có thể, khi các bé nhìn thấy bạn mình nằm im trên xe, hay chú bảo vệ “ẵm” trên tay sẽ có những suy nghĩ đơn giản là bạn đang ngủ. Ở độ 6-7 tuổi, các bé cũng sẽ vô tư không nghĩ ngợi về cảnh tượng đó. 

Nhưng khi nghe người lớn nói bạn mình chết do bị “nhốt” trên xe thì các bé sẽ rất sợ. Mới đi học được 1-2 ngày, vừa lạ chỗ, vừa nghe chuyện đi học rồi chết thì trẻ sẽ hình thành tâm lý lo lắng khi đến trường. Vì thế cha mẹ không nên nói về chuyện của bé L. khi có mặt con mình, tuyệt đối không đưa trường hợp này ra hù dọa trẻ mỗi khi bé làm sai, hoặc không chịu đi học”.

Coi chung tre soc tam ly khi chung kien ban minh tu vong tren xe o to cua truong
Mỗi người sẽ mường tượng một khung cảnh khác nhau khi nghe kể về vụ việc của bé L. Ảnh: Internet

Đừng hù dọa trẻ, hãy ở bên, dạy con cách thoát hiểm

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ, Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân cho rằng, trong trường hợp này, các bé còn nhỏ và mới đi học được hai ngày nên khi sự việc xảy ra, tâm lý của trẻ sẽ chuyển biến theo hai hướng: bé có thể quên đi sau 1-2 ngày, hoặc bị sang chấn tâm lý.

Nếu trẻ hỏi về bạn của mình, người lớn phải giải thích cho con hiểu vì sao bạn L. vắng học nhưng giảm thiểu các chi tiết gây ám ảnh, để trẻ hiểu đây là một tình huống không mong đợi. Nên lồng ghép những biện pháp giúp trẻ biết cách thoát hiểm nếu chẳng may bé gặp hoàn cảnh tương tự như: làm thế nào để con bình tĩnh, tìm nước ở đâu, cầu cứu như thế nào,...

Tùy theo sự tiếp cận của mỗi trẻ với sự việc xảy ra mà mức độ tác động sẽ làm bé bị tổn thương hoặc chấn thương tâm lý. Do vậy giáo viên, người thân trong gia đình phải có những sự nâng đỡ phù hợp, kịp thời cho trẻ.

Khi thấy trẻ có biểu hiện sợ hãi ôtô, không dám đến gần xe cộ, hoặc có những hành động khác lạ so với ngày thường như hay giật mình, im lặng, ngồi thu mình vào một góc, mất ngủ, căng thẳng, quấy khóc khi cha mẹ chuẩn bị đồ cho bé đi học... thì có thể trẻ đã gặp vấn đề về tâm lý sau sự việc bé L. tử vong. Lúc này, cha mẹ nên ở bên con, tìm hiểu nguyên nhân; không nên hù dọa, ép buộc trẻ phải đến trường, nên đưa con đến chuyên gia tâm lý để giúp bé ổn định trở lại.

Phải để trẻ ngồi cố định một vị trí trên xe từ khi bắt đầu đến kết thúc năm học

Coi chung tre soc tam ly khi chung kien ban minh tu vong tren xe o to cua truong
Học sinh nên có vị trí ngồi cố định trên xe từ khi mới bắt đầu đến lúc kết thúc năm học. Ảnh: Getty Imager.

Trong câu chuyện bé L. tử vong khi bị bỏ quên trên xe đưa rước, tài xế, giáo viên dẫn trẻ, giáo viên chủ nhiệm và cả người quản lý cao hơn đã không có sự phối hợp chặt chẽ, khi sự việc đau lòng xảy ra chưa được nhìn nhận một cách trọn vẹn mà đang có sự đổ lỗi qua lại.

Câu hỏi đặt ra là tài xế có được huấn luyện trước khi nhận nhiệm vụ đưa rước học sinh không? Hoặc ít nhất, anh ta phải là người yêu thương và quan tâm đến trẻ em. Để khi học sinh đã xuống xe, trước khi đóng cửa ô tô, tài xế phải hỏi “còn bé nào trên xe không?”. Có tài xế còn đi ra phía sau để xem có bé nào bỏ quên nón, cặp sách hay vật dụng nào đó rồi mới quay xe về, bởi nhiệm vụ của anh không chỉ là điều khiển xe xong thì kết thúc hành trình.

Với cô giáo nhận trẻ, không thể lấy lý do có hai bé khác khóc mà quên đi nhiệm vụ của mình. Các bé mới đi học ngày đầu, xa nhà, lạ chỗ tất nhiên phải sợ, quấy khóc, cô giáo có thể nhờ tài xế xe, bảo vệ của trường kiểm tra giúp sĩ số học sinh. Một chiếc xe 16 chỗ, không quá nhiều học sinh, càng không thể đổ lỗi quên vì… bé ngủ trên xe. 

Một trong những kỹ năng rất quan trọng là trong suốt quá trình đi học, từ khi bắt đầu lên xe, các bé luôn phải ngồi đúng vị trí đầu tiên của mình, ngồi cố định, không chuyển chỗ để các bé biết mình ngồi cạnh bạn nào cho đến khi kết thúc năm học, trừ khi bé chủ động muốn thay đổi. Nếu giáo viên hay phụ xe thay đổi chỗ ngồi của bé cũng phải thông báo cho trẻ biết lý do và vị trí mới.

Khi ngồi như thế trẻ sẽ luôn biết bạn ngồi cạnh có đi học hay không, nhắc nhở nhau xuống xe, lên xe và chủ động báo với cô giáo khi bạn mình ngủ quên hoặc không chịu xuống xe.

Phụ huynh nên chú ý vị trí ngồi trên xe của con mình, luôn kiểm tra bằng cách hỏi con "Hôm nay bạn ngồi cạnh mặc quần áo màu gì? Bạn ấy tên gì? Bạn và con trò chuyện vui không?..." để tạo sự gắn kết cho con mình, đây cũng là một cách hình thành nên sự quan tâm của con cái.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI