Có nên dùng thuốc từ chế phẩm động vật?

17/11/2018 - 06:00

PNO - Gần đây, dư luận xôn xao về thông tin xuất hiện một loại thuốc chứa ADN của người (rất có thể là từ nhau thai).

Để mọi người hiểu rõ hơn về các vị thuốc từ chế phẩm động vật trong Đông y cũng như cách sử dụng các vị thuốc này một cách chính thống, an toàn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với dược sĩ Trần Văn Trễ - nguyên Trưởng khoa Dược, Viện Y dược học TP.HCM.

Vẫn được phép dùng 

Phóng viên: Thưa dược sĩ, nhau thai người (còn gọi là tử hà sa) thực chất có công dụng thế nào? Việc thu mua và chế biến tử hà sa có được phép không? Tử hà sa được ứng dụng ra sao trong điều trị bệnh? Những hiểu lầm của người dân về phương cách sử dụng vị thuốc này?

Dược sĩ Trần Văn Trễ: Trong sách vở đúng là Đông y có vị thuốc tử hà sa. Xét về công dụng thì nhau thai có rất nhiều chất kích sinh nhưng không phải theo cách mà người dân hiểu lầm là dùng nhau thai tươi của bà đẻ. Làm như vậy rất nguy hiểm, có nguy cơ lây nhiễm các bệnh như HIV, viêm gan… Việc chế biến nhau thai thành thuốc không bị cấm nếu được cấp phép và thực hiện đúng quy trình an toàn. Tại Việt Nam và trên thế giới vẫn đang sử dụng nhau thai để làm thuốc. Bản chất nguyên liệu này không hề gớm ghiếc như chúng ta tưởng tượng.

Quá trình bào chế nhau thai rất phức tạp nên không thể tự ý làm hay sử dụng bừa bãi. Chúng ta hẳn rất quen thuộc với thuốc bổ philatop, đây chính là một chế phẩm chính thống được công nhận từ nhau thai. Hiện nay, ở một số nước phát triển, các nhà khoa học còn nghiên cứu và ứng dụng phương pháp mới - cấy một miếng nhau thai vào da, để miếng nhau đó sản sinh ra chất kích sinh, hỗ trợ điều trị bệnh. Việt Nam vẫn đang lưu hành sản phẩm thuốc dạng viên được sản xuất gọi là hà sa đại tạo hoàn.

Co nen dung thuoc tu che pham dong vat?
 

* Ngoài nhau thai, còn những vị thuốc thông dụng nào trong Đông y có nguồn gốc từ chế phẩm động vật được sử dụng phổ biến nữa không? 

- Trong Đông y có rất nhiều vị thuốc từ chế phẩm động vật như tắc kè, mai rùa, mai ba ba, mật (gấu, heo…). Tính năng dược học của mai ba ba và mai rùa chính là chất cystine - một loại a-xít amin chống ô-xy hóa. Hoặc với con tắc kè thì các chất bổ có công dụng chữa bệnh lại chủ yếu nằm ở đuôi. Các loại rắn độc như cạp nong hay rắn lục cũng được sử dụng để tạo ra các loại thuốc như tam xà đởm…

Mật của các loài động vật (gấu, heo…) cũng được sử dụng để chế thành thuốc uống. Trong mật của các con vật này có thành phần a-xít mà khi uống vào giúp mật của người tiết ra nhiều hơn. Viện Y dược học TP.HCM đã chế ra loại viên uống có thành phần làm từ mật heo để hỗ trợ điều trị cho những bệnh nhân mắc bệnh lý đường mật.
Hoặc ví như thịt cóc nếu được sơ chế và dùng đúng cách sẽ là vị thuốc kích thích tiêu hóa, trị chứng biếng ăn cho trẻ con rất tốt.

Đừng thần thánh hóa

* Dược sĩ có thể kể ra những hiểu lầm tai hại người dân hay mắc phải khi sử dụng các vị thuốc bổ từ chế phẩm động vật này? 

- Các vị thuốc trong Đông y nói chung và những vị thuốc từ chế phẩm động vật nói riêng không thể dùng bừa bãi được mà cần trải qua sơ chế, có liều lượng và cần kết hợp thêm một số dược phẩm nữa. Nói cho rõ hơn là bài thuốc Đông y luôn có vị chính và vị phụ. Vị chính có công dụng điều trị bệnh còn vị phụ giải quyết các triệu chứng đi kèm. Chúng ta hay nghe chỉ cái này cái kia bổ lắm rồi săn lùng và sử dụng vô tội vạ, thậm chí sai cách, gây phản tác dụng. 

Chẳng hạn như tâm lý thần thánh hóa mật gấu. Trên thực tế, mật gấu hay mật heo cũng có công dụng như nhau. Hoặc ở vùng nông thôn, nhiều người tự chế biến con cóc, lấy thịt và trứng cóc nấu cháo cho trẻ ăn để trị chứng biếng ăn. Hậu quả là ngộ độc và tử vong cả nhà, bởi ở gáy của con cóc có chất mủ kịch độc gọi là hợp chất bufotoxin tác động lên hệ thần kinh, tim mạch. Khi làm thịt cóc, chất độc này rất dễ dính vào phần thịt. Hoặc dùng rắn độc làm thuốc cũng vậy, trong các thang thuốc khi đọc thấy có vị từ rắn thì cần hiểu rằng con rắn ấy đã được sơ chế và đốt thành than. Khi đó, chất độc trong con rắn cũng đã bị nhiệt làm phân hủy.

* Nếu muốn trị bệnh theo phương pháp Đông y, người dân nên tham khảo hay tìm tới những địa chỉ uy tín nào để đảm bảo an toàn cho sức khỏe?

- Nói tóm lại, nếu muốn điều trị bệnh theo Đông y, mọi người không nên nghe và làm theo những lời mách bảo của người thân, bạn bè vì rất dễ nhận diện nhầm loại thuốc cũng như chế biến, sử dụng sai cách. Để đảm bảo an toàn, chúng ta nên đến các địa chỉ uy tín được cấp phép và công nhận. Tại TP.HCM, người bệnh có thể đến Viện Y dược học, phòng mạch của các lương y được sự giám sát của Bộ Y tế. Khi ấy, bệnh nhân sẽ được thăm khám, chẩn bệnh, điều trị đúng cách tùy theo tình trạng bệnh. Các vị thuốc tại những cơ sở này cũng có nguồn gốc và đã qua thẩm định về độ an toàn.

Trâm Anh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI