Cô gái trẻ đổ vỡ hôn nhân vì không có âm đạo

28/08/2018 - 19:44

PNO - Chịu đựng căn bệnh không có âm đạo từ năm 17 tuổi, chị V.M.A quyết định kết hôn với một người đàn ông có vấn đề về khả năng sinh sản.Tuy nhiên, do khiếm khuyết sinh dục nên cuộc hôn nhân của chị cuối cùng cũng tan vỡ.

Ngày 28/8, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết vừa phẫu thuật tạo hình thành công dị dạng âm đạo bẩm sinh cho chị V.M.A (23 tuổi, ở Lục Ngạn, Bắc Giang).

Năm 17 tuổi, trong khi bạn bè cùng trang lứa đến tuổi dậy thì, chị A. vẫn không thấy xuất hiện kinh nguyệt dù tuyến vú và các cơ quan sinh dục ngoài phát triển bình thường.

Co gai tre do vo hon nhan vi khong co am dao
 

Thấy lạ, gia đình đưa chị đến khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Tại đây, các bác sĩ phát hiện chị mắc bệnh không có âm đạo, tử cung có kích thước rất nhỏ nhưng buồng trứng vẫn phát triển bình thường.

Sau khi phát hiện, chị A. không phẫu thuật tạo hình mà âm thầm chịu đựng căn bệnh quái ác này. Cách đây vài năm, chị lập gia đình với một người đàn ông từng bị quai bị khiến vợ chồng chị không thể sinh con. Đồng thời, do chị bị khiếm khuyết cơ quan sinh dục nên cuộc sống hôn nhân cũng đổ vỡ.

Tại Bệnh viện E, sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán chị mắc dị tật bẩm sinh gọi là hội chứng bất sản ống Muller (hay còn gọi là hội chứng Mayer-Rokitansky-Kuster-Hauser). Đây là dị tật không có âm đạo bẩm sinh.

Các bác sĩ tiến hành mổ tạo hình âm đạo cho bệnh nhân bằng cách tạo khoang âm đạo mới, nằm giữa trực tràng và bàng quang. Ca phẫu thuật đã thành công, hiện bệnh nhân được tiếp tục nong âm đạo trong 3-6 tháng.

Co gai tre do vo hon nhan vi khong co am dao
Chị V.M.A được các bác sĩ phẫu thuật tạo hình lại âm đạo như những người phụ nữ bình thường.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Lương Thanh Tú – khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E - người mắc hội chứng Mayer-Rokitansky-Kuster-Hauser vẫn có 2 buồng trứng, các hormon giới tính trong giới hạn bình thường nhưng lại không có cơ quan sinh dục.

Thống kê trên thế giới ghi nhận, cứ 4.000 bé gái sinh ra thì có 1 bé không có âm đạo. Bệnh thường phát hiện ở độ tuổi sơ sinh hoặc dậy thì. Ở tuổi sơ sinh, bệnh có thể biểu hiện ở các khối u vùng âm hộ hoặc các triệu chứng tiểu khó, tiểu rặn, nặng thì nhiễm trùng tiểu. Ở tuổi dậy thì, nữ giới chỉ bị đau bụng theo chu kỳ tháng nhưng không thấy kinh.

Khi phát hiện mọi bất thường ở cơ quan sinh sản, bệnh nhân không nên giấu diếm. Bởi khi được tạo hình âm đạo, bệnh nhân cải thiện đời sống tình dục và có cơ hội thực hiện thụ tinh nhân tạo, mang thai hộ - bác sĩ Tú khuyến cáo.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI