Chữa dị tật từ bào thai

01/10/2017 - 06:00

PNO - Bệnh lý thai kỳ ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Đó là nhận định của bác sĩ (BS) Trần Nhật Thăng - Trưởng đơn vị Chẩn đoán trước sinh, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM.

“Ngại” tầm soát thai kỳ, hậu quả đau lòng. BV Đại học Y Dược TP.HCM vừa ghi nhận, thai phụ L.N.M. (30 tuổi, Tiền Giang) mắc nhiều chứng bệnh, thai bị chết lưu (tuần thứ 30) do suy dinh dưỡng.

Chua di tat tu bao thai
Thai phụ phải tầm soát thai kỳ. Ảnh: Phạm An.

Khi mang thai đến tuần thứ 22, chị M. lần đầu khám thai, siêu âm, không phát hiện bất thường về sức khỏe của mẹ và thai nhi. Sau đó, chị không khám thai vì người nhà can ngăn, cho rằng sóng siêu âm không tốt đối với thai nhi. Mới đây, thai đến tuần thứ 30, chị có những triệu chứng chóng mặt, mờ mắt, nước tiểu màu nâu đỏ.

Thai phụ khám tại khoa Phụ sản BV Đại học Y Dược trong tình trạng huyết áp cao, rối loạn đông máu, suy chức năng gan, tổn thương võng mạc. Các BS chẩn đoán, chị M. bị tiền sản giật nặng, thai nhi bị suy dinh dưỡng và chết lưu. Đây là trường hợp rất đáng tiếc vì không theo dõi thai kỳ liên tục để có hướng điều trị kịp thời. 

Theo BS Thăng, tỷ lệ thai phụ mắc nhiều bệnh lý nội - ngoại khoa, cường giáp, tim mạch, viêm gan siêu vi B, tiền sản giật và đái tháo đường thai kỳ ngày càng nhiều. Theo thống kê của Hiệp hội Sản phụ khoa thế giới (FIGO), tỷ lệ mắc đái tháo đường trong thai kỳ chiếm khoảng 16% trên tổng số các bà mẹ mang thai; bên cạnh đó, tiền sản giật chiếm 3-5%. 

Chua di tat tu bao thai
Chẩn đoán trước khi sinh sẽ giúp trẻ có cơ hội điều trị sớm, chào đời an toàn


Đa số các trường hợp được phát hiện khá muộn, thường là vào 3 tháng cuối thai kỳ. Không được phát hiện kịp thời, các bệnh lý này chẳng những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của thai phụ mà thai nhi còn buộc phải sinh ra trong những hoàn cảnh ngặt nghèo (chủ động sinh non) hoặc thậm chí không có cơ hội sống (chủ động kết thúc thai kỳ nhằm bảo vệ người mẹ).

Trong giai đoạn mang thai, cơ thể phụ nữ thay đổi liên tục và khó dự đoán. Việc khám thai thường xuyên và định kỳ là biện pháp quan trọng nhằm đánh giá rủi ro, phát hiện sớm các biến chứng thường gặp, cũng như chẩn đoán sớm và đầy đủ những dị tật bẩm sinh của thai nhi. Nhờ đó, có kế hoạch điều trị cho trẻ sơ sinh kịp thời hoặc sửa chữa những khiếm khuyết bẩm sinh. 

Chua di tat tu bao thai
Ảnh Internet.

BS Nguyễn Hoàng Bắc - Giám đốc BV Đại học Y Dược TP.HCM nhận định, thực tế việc khám và chẩn đoán bệnh lý thai kỳ vẫn chưa thực sự được các bà mẹ quan tâm. Họ không biết rằng, nếu được chẩn đoán và phát hiện bệnh lý, dị tật sớm, với sự phát triển của y học hiện nay, em bé sẽ có cơ hội chào đời khỏe mạnh.

“Chẩn đoán trước khi sinh có rất nhiều kỹ thuật tiên tiến như sinh thiết nhau thai, điều trị bằng laser, thậm chí còn có thể tiến hành mổ nội soi một số bệnh lý khi em bé vẫn còn là bào thai”, BS Bắc nói. 

Theo BS Bắc, một số dị tật nếu được phát hiện sẽ điều trị sớm từ khi còn là bào thai: rối loạn nhịp tim, hẹp van động mạch chủ, hẹp van động mạch phổi, thiếu máu… 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI