Chớ dại mà nặn 'đinh râu'

05/04/2017 - 10:34

PNO - Đinh râu là chân lông vùng da quanh môi, miệng hoặc cằm bị nhiễm khuẩn, có hình dáng tương tự như mụn. Không ít trường hợp tưởng nhầm đây là mụn, cố gắng nặn gây nhiễm khuẩn nặng.

Chết vì... nặn mụn

Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng TP.HCM từng tiếp nhận một bệnh nhân (BN) nữ, 32 tuổi ngụ tại tỉnh Bình Dương, nhập viện trong tình trạng bị nhiễm trùng, viêm tấy vùng mặt, phù nề không thể mở mắt. Nguyên nhân là do BN này tự ý nặn một mụn ở tiền đình mũi, sau đó vùng cánh mũi viêm tấy và lan nhanh lên hai mắt kèm đau nhức dữ dội.

Kết quả chụp CT, xét nghiệm máu cho thấy, BN bị nhiễm trùng tiền đình mũi gây viêm tấy vùng mặt. BN được chỉ định theo dõi viêm tắc xoang hang do nhiễm trùng vùng đầu mặt, có nguy cơ lan vào trong sọ qua hệ thống tĩnh mạch không van.

Nghiêm trọng hơn, đã từng có một BN nam 25 tuổi quê ở Hà Nội tử vong do nặn trúng mụn độc. BN được đưa vào BV Da liễu Trung ương trong tình trạng lơ mơ, sốt cao, nhịp thở nhanh, mạch nhanh, huyết áp tụt, lạnh tím các đầu chi, tiểu ít. Theo chẩn đoán của bác sĩ, BN bị sốc nhiễm trùng mà nguyên nhân là do nặn mụn trứng cá trên mặt, sau đó xuất hiện một nốt ở mũi sưng to, gây đau, sốt cao.  Dù được thở ôxy, lọc máu nhưng do tình trạng sốc quá nặng, BN đã tử vong.

Cho dai ma nan 'dinh rau'


Ban đầu, nó chỉ là một mụn nhỏ như một chiếc đinh, nếu bị bội nhiễm thì đinh râu mới phát triển, to bằng hạt ngô. Khi thấy mụn nhọt càng lớn, nhiều người lại tưởng nhầm đó là mụn, lại tiếp tục lể, nặn, vô tình càng làm cho đinh râu bội nhiễm nặng, gây nguy hiểm. 
Bác sĩ Trần Thế Viện (BV Da liễu TP.HCM) cho biết, đã gặp rất nhiều trường hợp BN bị nhiễm trùng do nặn mụn trứng cá (nhất là trứng cá nằm sâu dưới da) bằng tay, dụng cụ nặn không được vô khuẩn khiến mụn bị bội nhiễm (do tụ cầu hoặc liên cầu khuẩn), gây viêm nhiễm mạnh hơn, khiến vùng da bị nổi nhọt, gọi là đinh râu.

Đinh râu hầu hết chỉ xuất hiện trong phạm vi quanh môi, mép, cằm, thường ăn vào sâu hơn mụn bình thường. Hệ mạch máu khu vực cằm, mép nối thông với các mạch máu trong sọ não; nếu nặn, lể và gây bội nhiễm thì vi khuẩn gây bệnh, kể cả vi khuẩn kỵ khí có độc lực mạnh dễ dàng xâm nhập, ăn sâu vào các xoang mặt, gây viêm tắc tĩnh mạch xoang, dẫn đến nhiễm trùng huyết, đặc biệt có thể gây viêm tắc tĩnh mạch trong não, dẫn đến tử vong. 

Nhận diện “đinh râu” 

Không khó để nhận biết đinh râu. Sau khi nặn mụn một - hai ngày, sẽ xuất hiện vết xước hoặc mụn mủ ở mép, môi hay cằm. BN sốt cao 39 - 400C mụn sẽ sưng lên, nóng, đỏ, đau. Khi bệnh đã tiến triển đến nặng, cả vùng mặt sẽ sưng lên, người bệnh mệt mỏi do nhiễm độc tố vi khuẩn và mất nước, chất điện giải (do sốt cao). Theo bác sĩ Trần Thế Viện, lúc này, BN không được tự ý can thiệp mà phải khẩn trương đến BV để được khám và điều trị kịp thời. 

Cũng có những trường hợp, sau khi xuất hiện đinh râu, BN không hề có triệu chứng sốt, đau nhức, tức đinh râu không bị bội nhiễm. Việc cần làm là có thể chấm thuốc sát khuẩn, cồn i-ốt (dung dịch betadin) ngày ba-bốn lần, sau đó đợi vài ngày cho đinh râu tự chín, tự vỡ và dùng bông y tế vô trùng thấm dịch, lấy đinh râu ra ngoài và tiếp tục rửa bằng cồn i-ốt, chỉ thấm nhẹ, tránh chà xát quá mạnh làm xước vùng mụn vừa được tháo mủ. Nếu sau vài ngày, mụn không tự vỡ mà có dấu hiệu sốt, đau nhức thì tuyệt đối không được tự ý nặn mụn mà phải khẩn trương đến cơ sở y tế khám.  

Đinh râu nguy hiểm nhưng việc phòng ngừa không khó. Khi bị mụn trứng cá, cần vệ sinh da sạch sẽ hàng ngày, nhất là  vùng cằm, gần môi; nếu có điều kiện thì nên đi khám ở bác sĩ da liễu, không nên lể, nặn bằng tay hay dụng cụ chứa nhiều vi khuẩn.

Nếu là nam giới, khi cạo râu, cần tránh làm da tổn thương, chảy máu vì đinh râu không chỉ phát triển do việc nặn mụn mà còn bắt nguồn từ một vết xước nhỏ. Dù không có mụn cũng nên rửa mặt sạch sẽ vì tuyến dầu, tuyến mồ hôi tại chân lông cũng có thể bị tắc nghẽn khiến đinh râu tự mọc. 

 Cẩm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI