Chỉnh sửa gen và lằn ranh đạo đức

28/11/2018 - 06:58

PNO - Việc công bố em bé chỉnh sửa gen không phải là đột phá y khoa mà chính là sự “vượt rào” có thể dẫn đến nhiều tổn hại khôn lường cho tương lai loài người.

Giới y khoa đã nhận định như vậy trước thông tin nhà khoa học Trung Quốc He Jiankui bất ngờ tuyên bố tạo ra hai bé sinh đôi là những em bé chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới. 

Chỉnh được bất cứ điều gì trên con người?

Nhà khoa học này khẳng định nghiên cứu của ông chỉ nhằm mục đích ngăn chặn nguy cơ nhiễm HIV đối với những đứa trẻ có cha nhiễm HIV. He Jiankui cho biết, ông không muốn lợi dụng biện pháp chỉnh sửa gen và cam kết sẽ bồi thường cho trẻ tham gia thí nghiệm trong bất cứ tình huống nào xảy ra kết quả bất lợi. Điều này được ông và gia đình trẻ đồng thuận như một thỏa thuận dân sự. Nhưng điều này không dừng lại ở sự lựa chọn cá nhân.

Theo thông tin từ Guardian, ông He Jiankui từng theo học tại Đại học Rice và Stanford (Mỹ), sau đó trở về quê nhà mở phòng thí nghiệm tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật phương Nam, nơi ông điều hành hai công ty chuyên về gen. Việc chỉnh sửa gen ông công bố lần này không phải là thí nghiệm đầu tiên. Trước đó, ông từng chỉnh sửa gen cho chuột và khỉ. Lần này, ông chọn điều chỉnh gen HIV với lý do ngành y tế Trung Quốc gặp khó khăn khi đối phó với lượng bệnh nhân nhiễm HIV quá lớn tại nước này.

Giới y khoa cho rằng, có rất nhiều cách để ngăn ngừa HIV và cách chỉnh sửa gen như nhà khoa học He Jiankui tiến hành thí nghiệm trên cơ thể người là không cần thiết. Điều này sẽ gây ra tâm lý “chỉnh được bất cứ điều gì” trên con người, trái ngược với tiến trình tạo hóa. 

Chinh sua gen va lan ranh dao duc

Công bố của nhà khoa học He Jiankui làm dấy lên lo ngại về giới hạn đạo đức trong việc can thiệp chỉnh sửa gen

Không bao giờ có những cá thể hoàn hảo

Năm 1996, cừu Dolly ra đời và là sinh vật đầu tiên được nhân bản vô tính thành công. Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng thay đổi ngành công nghệ sinh học thế giới. Đạo diễn người New Zealand Andrew Niccol năm 1997 đã ra mắt phim Gattaca. Bộ phim đã truyền tải những thông điệp về mục đích sống, về những giới hạn và tiềm năng của con người khi gen (thứ định hình con người về mặt sinh học) hoàn toàn được kiểm soát. Bộ phim đưa người xem đến ranh giới của sự nhận thức nên hay không can thiệp vào tạo hóa. Cột mốc kế đến là tháng 4/2003, bản đồ gen được hoàn thành. Tháng 5/2006, trình tự của chromosome cuối cùng đã được công bố trên tạp chí Nature. 

Chỉnh sửa gen tạo nên những cá thể hoàn hảo, tham vọng khó cưỡng của rất nhiều nhà khoa học và cũng là ước ao chiếm hữu lợi thế mà rất nhiều người mong muốn, hướng đến một thế hệ “thượng đẳng”. Tuy nhiên, phương pháp can thiệp chỉnh sửa gen đang bị cấm ở hầu hết các quốc gia. 

Trong quyển sách mới nhất Blueprint (Bản sao kỹ thuật), nhà tâm lý học người Mỹ Robert Plomin có đề cập về khát khao ngày càng mãnh liệt tạo nên những con người hoàn hảo. Nếu việc chỉnh sửa gen không có những ràng buộc cụ thể, mọi thứ sẽ trở nên vô cùng xáo trộn. Đây có thể coi là nhận thức biến tướng từ quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) vốn yêu cầu cần có chẩn đoán di truyền tiền cấy phôi (PGD). Ở Anh, Cơ quan Ủy quyền Phôi học và Sinh sản con người quy định nghiêm ngặt quá trình PGD, chỉ cho phép tiến hành PGD ngăn chặn những gen mang bệnh hiếm gặp. PGD sử dụng cho những mục đích khác đều là phạm pháp. Ở Mỹ, mọi thứ “dễ thở” hơn và phong trào PGD ở Mỹ hướng đến là tạo ra những đứa trẻ có trí thông minh kiệt xuất, IQ cao ngất ngưởng. 

Chinh sua gen va lan ranh dao duc
 

Công ty Genomic Prediction ở New Jersey (Mỹ) mới đây tuyên bố họ có cung cấp dịch vụ “tinh chọn” gen thông minh, tạo ra “thành phẩm” là đứa trẻ đặc biệt tinh khôn. Họ bắt đầu đặt vấn đề kết hợp với những nơi thực hiện IVF ở Mỹ để “săn” khách hành tiềm năng.  

Ban đầu, chỉnh sửa gen không bắt nguồn từ mục tiêu tạo ra cá thể hoàn hảo vì các nhà khoa học đều hiểu không thể tìm được hết mọi bệnh tật ở một cá thể. Nếu phôi không mang bệnh di truyền của bố mẹ thì em bé chào đời vẫn có thể mắc những bệnh khác mà bác sĩ không thể tiên liệu được. Vì vậy, việc rộ lên công nghệ chỉnh sửa gen người đã đi ngược với tiến trình phát triển tự nhiên, triệt tiêu một số đặc điểm loài người và song song đó, tạo nên một ngành kinh doanh hứa hẹn béo bở đánh vào lòng tham chẳng bao giờ có giới hạn của con người. 

Với giới chuyên môn, việc công bố em bé chỉnh sửa gen từ Trung Quốc lần này không phải là đột phá y khoa mà chính là sự “vượt rào” có thể dẫn đến nhiền tổn hại khôn lường cho tương lai loài người. 

Thiên Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI