Chấm hóa chất trị sẹo: Hiệu quả ít, hậu quả nhiều

18/07/2019 - 07:00

PNO - Chấm hóa chất trị sẹo đã là chuyện của hơn chục năm trước, do một số hạn chế như sẹo có thể to và xấu hơn, thậm chí hóa ác tính.

Nhưng hiện nay, các cơ sở y tế vẫn còn tiếp nhận các ca tai biến do chấm hóa chất chữa sẹo gây ra.

Trước đây, khi kỹ thuật y tế còn hạn chế, để điều trị sẹo xấu, sẹo lồi, các bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân chấm hóa chất (phốt-pho phóng xạ, ni-tơ lỏng...) với mục đích hủy mô làm sẹo xẹp xuống. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy sẹo được điều trị bằng cách chấm hóa chất thay thế thương tổn cũ bằng một sẹo khác to, rộng và xấu hơn, thậm chí hóa ác tính. 

Cham hóa chát trị sẹo: Hieu qua it, hau qua nhieu
Chỉ từ nốt sẹo lồi sau khi chích ngừa đã biến chứng nặng nề do điều trị bằng chấm hóa chất

Chính vì những hạn chế này, ngày nay rất ít cơ sở y tế còn sử dụng phương pháp này mà thay thế bằng kỹ thuật cao, cụ thể là laser. Tại TP.HCM, tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh - Trưởng khoa Da liễu - Chăm sóc da Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết, không còn ghi nhận các cơ sở chuyên khoa da liễu dùng hóa chất điều trị sẹo lồi, ví dụ Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM hay Bệnh viện Da liễu cũng ngưng sử dụng phương pháp này từ chục năm về trước.

Vậy mà bác sĩ Vân Thanh và các đồng nghiệp vẫn tiếp nhận mỗi tuần 3-5 trường hợp đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM để khắc phục tai biến do chấm hóa chất chữa sẹo gây ra.

Nặng nhất vừa qua là trường hợp chị N.T.T., 47 tuổi, ngụ tại Đắk Lắk. Chị T. đến khám trong tình trạng vai trái có một thương tổn lan rộng, sần sùi, giãn mạch, nổi u hạt với đường kính khoảng 8cm. Bệnh nhân than rất ngứa, khó chịu nên cào gãi khiến vùng da này viêm loét chảy máu.

Chị T. kể ban đầu đây chỉ là nốt sẹo lồi sau tiêm chủng hồi bé. Chị tới một cơ sở y tế điều trị bằng cách chấm thuốc (phốt-pho phóng xạ). Ai ngờ, từ một vết sẹo như đầu đũa lại diễn tiến nặng lên. Chị T. được điều trị bằng laser để khắc phục hậu quả.

Một trường hợp khác cũng bị biến chứng do điều trị sẹo bằng hóa chất là P.V.Đ., 16 tuổi, ngụ tại Q.Gò Vấp. Đ. bị mọc cồi mụn ở ngực, để lại vết sẹo lồi khoảng 6mm. Đ. tới cơ sở y tế và được chấm ni-tơ lỏng chữa sẹo.

Ai dè sau khi chấm hóa chất, vết sẹo lồi ra và lan rộng, đường kính 7cm, cao 2cm tính từ bề mặt da. Các bác sĩ Khoa Da liễu - Chăm sóc da đã tiêm thuốc hủy xơ xấu vào sẹo kết hợp với laser. Đ. là trường hợp thứ ba trong tuần bị biến chứng do dùng hóa chất chấm sẹo mà bác sĩ Vân Thanh ghi nhận. 

Bác sĩ Vân Thanh khuyến cáo, đối với điều trị sẹo lồi, sẹo xấu nên sử dụng kỹ thuật cao (laser). Điều trị sẹo bằng hóa chất không còn phù hợp bởi rất khó kiểm soát độ lan rộng khi chấm vào thương tổn do lực mao dẫn trên bề mặt da.

Đó còn chưa kể thao tác, chấm không chính xác. Các hóa chất vừa kể như phốt-pho phóng xạ và ni-tơ lỏng trong quá trình hủy mô đồng thời cũng làm mất sắc tố da vùng bôi thuốc, làm biến đổi luôn tính chất tế bào, khiến các tế bào da phì đại, tăng sản thành u da, thậm chí hóa ác tính.

Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM - cũng cho biết, chấm hóa chất vào u lành, sẹo, bướu máu không xử lý hết được căn nguyên mà chỉ tác động trên bề mặt thương tổn, chưa kể những biến chứng có thể xảy ra. Mặc dù các phương pháp như chấm hóa chất, dán miếng P32 không ai cấm nhưng các cơ sở y tế tại TP.HCM đều không còn sử dụng bởi hiệu quả thấp mà hậu quả lại nhiều. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI