Câu chuyện của một bác sĩ mắc 5 bệnh ung thư truyền nghị lực và luôn giúp đời

12/02/2019 - 06:00

PNO - Mang trong người đến 5 loại bệnh ung thư khác nhau, nhưng vẫn sống sót sau 16 năm chống cự với bệnh tật. Đó là câu chuyện của bác sĩ Phạm Trường Giang, 65 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM.

Một ngày đầu năm mới Kỷ Hợi 2019, chúng tôi gặp bác sĩ Phạm Trường Giang (sinh năm 1954, quận 10, TP.HCM) ở quán cà phê 30-4 trong dinh Thống Nhất (quận 1, TP.HCM).

Cau chuyen cua mot bac si mac 5 benh ung thu truyen nghi luc va luon giup doi
Nụ cười yêu đời luôn trên khuôn mặt bác sĩ Phạm Trường Giang

Đây là nơi chốn quen thuộc của vợ chồng bác sĩ Phạm Trường Giang – người có nickname Giang Pham trên facebook. Quán cà phê này là nơi ông thường tư vấn cho những người quen bị ung thư khủng hoảng tâm lý, hay hướng dẫn chế độ dinh dưỡng trong quá trình trị bệnh. Bản thân ông là một bệnh nhân ung thư nên việc tư vấn với người cùng cảnh ngộ mang lại sức thuyết phục rất lớn.

Đứng lên từ bi kịch của bản thân

Năm 2003 khi vừa bước qua tuổi 49, bác sĩ Phạm Trường Giang đang phụ trách về y tế học đường của Phòng Giáo dục đào tạo quận 7 (TP.HCM) bỗng mệt mỏi, chán ăn, sụt cân… ông quyết định đi khám bệnh.

Kết quả nội soi, giải phẫu bệnh lý xác định ông cùng lúc bị hai loại ung thư ở đại tràng và dạ dày. Trong vòng 16 năm (2003 - 2018), bác sĩ Phạm Trường Giang được xác định mắc 5 loại ung thư khác nhau ở đường tiêu hóa và tiết niệu đều ở giai đoạn 2: ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư đại tràng sigma, ung thư bàng quang, ung thư đại tràng ngang. 

Cau chuyen cua mot bac si mac 5 benh ung thu truyen nghi luc va luon giup doi
Bác sĩ Phạm Trường Giang ngồi thiền trên bãi biển

Một gia đình nhỏ 4 người mà ông là trụ cột chính bỗng rơi vào khủng hoảng. Ông nghỉ việc để chữa bệnh. Phòng nha là thu nhập chính của cả nhà được người vợ thay ông gánh vác nhưng chẳng bao lâu, phòng nha cũng đóng cửa.

Bác sĩ Phạm Trường Giang nhớ lại: “Lúc đó, tôi suy sụp lắm. Cảm xúc bàng hoàng khiếp sợ. Tại sao lại là mình? Chính mình là thầy thuốc, có hiểu biết, có khám bệnh thường xuyên cơ mà. Mình phải làm gì? Lúc đó, chỉ nghĩ đó là án tử, không sống được quá 5 năm, chứ đừng nói là đến 16 năm như giờ”. 

Giữa bi kịch của bản thân, bác sĩ Phạm Trường Giang quyết định phải đứng lên: “Có bi quan nhưng tôi nghĩ ta đâu thể mãi thế này. Tôi tiếp tục làm việc, điều trị vì mình còn sống thì hai con mình còn sống. Mình chết thì con mình khổ. Chi bằng hãy quên đi bệnh tật mà sống”.

Cau chuyen cua mot bac si mac 5 benh ung thu truyen nghi luc va luon giup doi
Những vết mổ trên bụng bác sĩ Phạm Trường Giang

“Bí quyết của tôi để chiến đấu với ung thư là phải hoàn toàn tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Phải tự mình lên kế hoạch đi gặp bác sĩ để tầm soát bệnh chứ không phải chờ bác sĩ kêu mình. Phải lập kế hoạch trong 3 tháng – 6 tháng – 1 năm.

Bản thân tôi sau khi điều trị ung thư, cứ mỗi năm phải đến bệnh viện thực hiện thăm khám, thử máu, siêu âm, chụp X-quang, chụp CT, MRI để truy tìm ra bệnh điều trị kịp thời”, bác sĩ Phạm Trường Giang chia sẻ.

Cau chuyen cua mot bac si mac 5 benh ung thu truyen nghi luc va luon giup doi
 

"Những nghịch cảnh cứ liên tiếp xuất hiện trong cuộc đời tôi đến nỗi giờ có chuyện gì không may, tôi vẫn xem là chuyện bình thường.

Nghịch cảnh có thể tiếp diễn hoài, tôi tự hỏi không biết sẽ còn tới đâu nữa. Nhưng dù sao, đã chiến thắng nó 5 lần rồi”.

Và ông luôn để cuốn hồi ký của tay đua xe đạp nổi tiếng thế giới Lance Armstrong về hành trình chiến thắng ung thư ở đầu giường suốt 15 năm qua.

Chi tiết Lance Armstrong sau khi vào hóa trị, vẫn đạp xe ngoài trời đêm tuyết lạnh cho đến toát mồ hôi khiến bác sĩ Giang Phạm vô cùng ấn tượng.

Học theo cách của tay đua xe đạp huyền thoại này, sau mỗi lần vào hóa chất, dù mệt đến lả người, ông đều gượng dậy, bước ra khỏi giường, cầm lấy vợt và ra sân tennis.

Bác sĩ Giang tâm sự: “Sau khi vào thuốc, cơ thể thường rất mệt mỏi. Ai cũng chỉ muốn nằm lì trên giường, không muốn ngồi dậy. Nhưng nếu hôm nay vào thuốc thì buổi trưa ngày hôm sau, dù trời nắng, tôi vẫn xách vợt ra đánh, cho đến khi mồ hôi túa ra. Khát thì uống nước, đói thì ăn. Nhiều người hóa trị sụt cân nhưng tôi thì không. 

Tất nhiên, bệnh thì ngồi một chỗ đã mệt rồi, giờ còn bắt phải đánh tennis thì sao làm được? Vậy thì hãy làm những gì bạn có thể, như chơi môn thể thao hoặc chỉ cần đi bộ cũng được, chỉ cần làm sao cho toát mồ hôi. Thật ra chính người bệnh phải tự cứu mình, chứ không ai khác.”

Sống là để san sẻ yêu thương 

Những ngày hiện tại, vượt qua 16 năm sóng gió, bác sĩ Phạm Trường Giang luôn nhìn người vợ mình đầy âu yếm. Bà xã của ông – cô Đặng Thị Hồng – từng là điều dưỡng của Bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM đã sát cánh cùng chồng, chống lại căn bệnh ung thư.

Nỗ lực của vợ là động lực giúp bác sĩ Phạm Trường Giang có thể đi qua chặng đường đầy sóng gió. Vì vậy, đi bất cứ nơi đâu, gặp gỡ với bất cứ ai, bên cạnh ông luôn có vợ. Có lẽ đây cũng là liều thuốc an thần của cuộc đời ông: “Chị là năng lượng tích cực của anh. Đó cũng là cơ may của trời đất. Bệnh này nếu đơn phương độc mã thì rất khó vượt qua".

Chị T.T.H. (34 tuổi, nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) khi biết tin mẹ bị ung thư vòm hầu họng, hoang mang không biết nên điều trị theo hướng nào.

Cau chuyen cua mot bac si mac 5 benh ung thu truyen nghi luc va luon giup doi
Bác sĩ Phạm Trường Giang và các bác sĩ từng điều trị cho ông

Lời khuyên của bác sĩ Giang Phạm ngắn gọn và chắc nịch: “Hãy nghe theo phác đồ điều trị của bác sĩ” đã giúp chị tin tưởng cho mẹ đi xạ trị.

Trong một nhóm nhỏ hơn, số lượng khoảng 500 người, bác sĩ Phạm Trường Giang thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp trong các sự kiện, các buổi tập yoga cho bệnh nhân ung thư. Ở giai đoạn cuối của cuộc đời của họ, chính bác sĩ Phạm Trường Giang là người ở gần bên.

Bác sĩ Phạm Trường Giang chia sẻ: “Khi thấy cơ thể mình khỏe, tôi đến tận giường bệnh hoặc đến nhà người bệnh để hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư, giúp mọi người có năng lượng tích cực. Căn bệnh này, ngoài thuốc men, dinh dưỡng, còn cần phải có tinh thần rất tốt mới vượt qua. Thậm chí nếu phải ra đi, hãy ra đi trong an lành".

Cau chuyen cua mot bac si mac 5 benh ung thu truyen nghi luc va luon giup doi
Ngay sau mỗi lần hóa trị, bác sĩ Giang bắt mình phải ráng ra sân tennis đánh banh cho ra mồ hôi

Có bệnh nhân, bác sĩ Giang đến với nụ cười, vòng tay ôm chặt cùng lời nói: "chúng ta ai rồi cũng ra đi". Nghe những lời động viên nhẹ nhàng và thanh thản này, bệnh nhân nào cũng thấy nhẹ nhõm. 

Cau chuyen cua mot bac si mac 5 benh ung thu truyen nghi luc va luon giup doi
Vợ chồng bác sĩ Phạm Trường Giang đi đâu vẫn luôn có nhau

Theo bác sĩ Giang, "Còn sống hãy chia sẻ, truyền cảm hứng cho nhau. Cuộc sống này vô thường, không ai biết ngày mai ra sao. Với người bệnh ung thư, cuộc sống càng vô thường hơn.

Nghĩa là có sẵn một bản án tử, bất cứ lúc nào bệnh cũng tái phát và ra đi bất cứ lúc nào. Đó là chuyện đương nhiên nên phải sống tích cực hơn. Không cần biết mình có thể sống 5 năm hay 10 năm nữa, chỉ cần biết ngày hôm nay tôi làm điều gì mà tâm tôi hài lòng là được.

Bây giờ nhìn lại, tôi giật mình đã thắng bệnh ung thư đến năm thứ 16 rồi. Có thể ngày mai tôi ra đi, đó là chuyện đương nhiên xảy ra. Tuy nhiên, ngày mai là chuyện của ngày mai. Còn hôm nay, tôi vẫn thanh thản ngồi uống cà phê và trò chuyện với những người mình yêu thương".

Cau chuyen cua mot bac si mac 5 benh ung thu truyen nghi luc va luon giup doi
 

“Mỗi ngày tôi chơi tennis 2 giờ, tuần 2 ngày. Vận động sao cho ra mồ hôi. Uống nhiều nước từng ngụm nhỏ, ăn nhiều bữa. Uống các loại sữa như sữa bò, sữa đậu nành hoặc ăn thịt, cá.  Cố gắng ăn nhiều nhất có thể.

Cố gắng chọn lựa thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được chứng minh có giá trị dinh dưỡng cho người bệnh ung thư”, bác sĩ Phạm Trường Giang bật mí về thói quen sinh hoạt hàng ngày.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI