Câu chuyện cổ tích của người mẹ ‘khát con’

10/10/2019 - 08:00

PNO - Đằng đẵng 3 năm đi khắp các nước trên thế giới để ‘tìm con’ nhưng vô vọng, để rồi, chính trên quê hương Việt Nam, điều kỳ diệu xảy ra khi một thiên thần đã đến với gia đình chị Thủy.

40 phút “kiểm tra kiến thức” bác sĩ của chàng rể Tây

Được chồng là người Canada thương yêu hết mực, ai cũng cho rằng chị Trịnh Thanh Thủy (*, 36 tuổi, Việt kiều Canada) có cuộc sống hạnh phúc viên mãn. Mấy ai biết, nhiều năm liền chị Thủy mòn mỏi mong con, chỉ thoáng thấy một đứa trẻ cũng chạnh lòng.

Đến bệnh viện khám, chị Thủy được bác sĩ chẩn đoán bị tắc nghẽn hai vòi trứng. Vốn là chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực dầu khí, sống ở nhiều nước Mỹ, Anh, Pháp, Brasil, Mexico, Singapore… chồng chị liền tìm hiểu về bệnh của vợ. Biết vợ sẽ gặp khó khăn trong việc có thai, anh an ủi sẽ luôn yêu thương chị dù họ không có con.

Chị Thủy kể: “Gia đình nhà chồng tôi rất tình cảm, quan tâm, họ nói không sao đâu, đừng suy nghĩ nhiều. Nhưng chính tôi lại gây khó cho mình khi khao khát làm mẹ. Năm 2013, tôi đi điều trị tại các bệnh viện ở những quốc gia chồng đến công tác. Ở đâu, chồng tôi cũng “phỏng vấn” bác sĩ. Anh ấy chỉ tin tưởng một vài bệnh viện ở châu Âu, nhưng tôi phải chờ từ 6 tháng đến 3 năm mới đến lượt.

Điều đó khiến tôi căng thẳng. Thay vì chữa trị, tôi lên chùa cầu xin, tìm thầy lang, thầy phong thủy xin thuốc và hai vợ chồng đã uống hết vài trăm thang thuốc”.

Một lần chị Thủy khám bệnh tại Singapore, nữ bác sĩ người Ấn Độ cho biết chị phải xếp hàng đợi… 2 năm. Bà khuyên chị nên về Việt Nam gặp thạc sĩ – bác sĩ Võ Thanh Liên Anh - Trưởng khoa Lâm sàng, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc ở Bình Dương.

“Bác ấy chỉ biết bác sĩ Liên Anh trong một hội nghị về vô sinh hiếm muộn mà chị Liên Anh thuyết trình. Với những điều mơ hồ đó, chồng tôi chần chừ, cho rằng những nước châu Âu có bác sĩ và thiết bị hiện đại hơn còn chưa chắc chữa được. Nhưng tôi vẫn quyết định về Việt Nam.

Sau khi khám, bác sĩ Liên Anh nói tôi phải làm thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilisation - IVF) mới có thể sinh con. Kết luận này giống như những lần tôi khám trước đây. Chồng tôi muốn gặp riêng bác sĩ. Không biết hai người trao đổi những gì, nhưng sau hơn 40 phút, chồng tôi bị thuyết phục”, chị Thủy vui vẻ kể lại.

Bác sĩ Liên Anh chia sẻ: “Bệnh nhân người nước ngoài đến khám ở bệnh viện rất nhiều, họ có kiến thức và yêu cầu rất cao. Người bệnh đã thất bại ở nhiều nơi nên người nhà muốn tư vấn kỹ, do vậy tôi cần tạo niềm tin để người bệnh yên tâm, tuân thủ, hợp tác điều trị hiệu quả hơn. Vui nhất là khi chị Thủy đậu thai ngay trong lần chuyển phôi đầu tiên”.

Hai lần hư thai vẫn tin vào bác sĩ

Khi thai được 2 tuần tuổi, chị Thủy trở về Canada để tiếp tục công việc, đợi ngày sinh con. Nhưng chỉ 2 tháng sau, chị đau đớn phát hiện mình bị ra huyết. Không chấp nhận sự thật, chị giấu mọi người với hy vọng con đừng bỏ rơi mình. Chồng chị phát hiện và đưa vợ đến bệnh viện, bác sĩ kết luận tim thai không còn.

Phải mất 1 năm chị Thủy mới lấy lại tinh thần, tiếp tục về Việt Nam chuyển phôi. Nhưng, chị có thai rồi lại hư. Chị bật khóc với chồng: “Em muốn có con! Em muốn có một bé gái giống em bé hàng xóm”.

Trước đây, khi chuyển phôi lần đầu, bác sĩ Liên Anh đã tư vấn nên phẫu thuật để giải quyết thông tắc vòi trứng trước, nhưng chị Thủy không làm, có thể đây là nguyên nhân khiến chị bị hư thai.

Chị Thủy nói: “Chỉ còn một phôi cũng là cơ hội cuối cùng để làm mẹ. Tôi sợ lắm, cầu xin bác sĩ. Chị Liên Anh nói sẽ cố hết sức mang con về cho tôi. Nghe vậy, mọi đau khổ tan biến, tôi tin 100% duyên mẹ con tôi đến rồi”.

Cau chuyen co tich cua nguoi me ‘khat con’
Gia đình hạnh phúc của chị Thủy. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nói về điều này, bác sĩ Liên Anh phân tích: “Trước đó, tôi đã tư vấn chị Thủy phẫu thuật cắt ống dẫn trứng ứ dịch trước khi chuyển phôi do ống dẫn trứng đã tổn thương, chứa dịch viêm nhiễm sẽ ảnh hưởng đến quá trình làm tổ của phôi. Buồng tử cung của chị cũng có đa polyps và u xơ tử cung phối hợp lạc nội mạc trong cơ tử cung, khả năng thất bại sẽ cao. Tuy nhiên, chồng chị ấy kiên quyết không cho mổ vì sợ ảnh hưởng sức khỏe của vợ.

Quá thương chị, tôi nhiều lần gặp người nhà tư vấn, cố gắng thuyết phục họ chấp nhận để chị Thủy cắt ống dẫn trứng trước khi chuyển phôi. Sau đó, các bác sĩ hồi hộp không kém gia đình chị Thủy. Khi em bé chào đời khỏe mạnh, ai cũng thở phào nhẹ nhõm”.

Khoảnh khắc bác sĩ trao bé trai khỏe mạnh, kháu khỉnh cho mình, chồng chị Thủy quyết định sẽ về Việt Nam làm việc, đóng góp cho quê hương của vợ, nơi giúp anh gặp người con gái của cuộc đời mình và “se duyên” cha - con cho người đàn ông ngoại quốc.

Tham dự nhiều hội nghị ở Áo, Hồng Kông, Singapore, Đài Loan… được chia sẻ và cập nhật kiến thức về ngành hỗ trợ sinh sản từ các nước, bác sĩ Liên Anh tâm huyết: “Ngành hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam nói chung và Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc nói riêng có sự phát triển vượt bậc, bắt kịp những tiến bộ y học hiện nay trên toàn thế giới. Gần như mọi kỹ thuật hiện đại đều có thể thực hiện thành công tại Việt Nam, không thua kém các nước bạn như Thái Lan, Singapore…

Khi được chẩn đoán vô sinh, hiếm muộn, không có nghĩa bạn hết hy vọng, đừng trì hoãn vì sẽ khiến vuột mất cơ hội làm cha mẹ. Người bệnh cần được điều trị đúng, kịp thời để bác sĩ có những phương pháp rõ ràng, tốt nhất trên con đường “tìm con” của các gia đình”.

Cau chuyen co tich cua nguoi me ‘khat con’
 

Ngọc Ẩn (ghi theo lời kể của nhân vật)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI