Cặp đôi đồng tính có cơ hội sinh con

11/03/2017 - 14:00

PNO - Một thử nghiệm về sinh sản đã mở ra cơ hội cho những cặp đôi đồng tính nam có con cùng nhau.

Các nhà khoa học "bật mí" rằng đây là một câu chuyện khoa học cực kỳ hấp dẫn và lý thú mà họ vẫn chưa hiểu trọn vẹn nguyên lý quá trình.

Bằng những thí nghiệm với chuột, nhóm nghiên cứu có thể tạo ra một thế hệ con cái khỏe mạnh mà bỏ qua giai đoạn thụ tinh giữa trứng và tinh trùng. Ðây là lần đầu tiên quá trình này được hoàn thành mà không cần đến các dòng vô tính (trứng, tinh trùng).

Ban đầu, nhóm nghiên cứu tạo ra một phôi chuột không cần bố (parthenogenote). Chúng hoàn toàn là những phôi từ mẹ, không có tinh trùng. Thực chất, đây là các trứng phát triển mà không được thụ tinh (không có sự xuất hiện của tinh trùng). Trong thực tế, trứng trưởng thành không được thụ tinh sẽ chết sau vài ngày, nhưng nhóm nghiên cứu đã can thiệp để chúng vẫn phát triển được dù không thụ tinh. 

Cap doi dong tinh co co hoi sinh con
 

Tiến sĩ Tony Perry, Ðại học Bath, Vương quốc Anh - trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi đã thách thức lại quan điểm truyền thống. Từ lúc các nhà khoa học quan sát được tế bào trứng vào khoảng năm 1827, rồi quan sát sự thụ tinh 50 năm sau đó và kết luận rằng chỉ có sự thụ tinh giữa trứng và tinh trùng mới tạo ra được cá thể động vật có vú”.

Tiếp theo, tiêm parthenogenote và tinh trùng vào một phôi bình thường sẽ tạo ra một phôi hoàn chỉnh. Trong nghiên cứu, có 30 chú chuột được sinh ra với tỷ lệ thành công là 24%. Nhớ lại, sinh sản vô tính bằng chuyển ADN, nổi tiếng với sự ra đời của chú cừu Dolly, chỉ thành công với tỷ lệ 1% đến 2%. Và các chú chuột này đều cho thấy sự khỏe mạnh, phát triển bình thường.

Kết quả ngoạn mục này mang một ý nghĩa lớn, đó là tinh trùng có tiềm năng liên kế với một tế bào nguyên gốc xuất phát từ da hay các mô khác trong cơ thể để tạo nên phôi hoàn chỉnh. Nó cũng có thể làm dấy lên vấn đề đạo đức, khi mà vai trò sinh sản của người phụ nữ có thể bị ảnh hưởng.

Cap doi dong tinh co co hoi sinh con
 

Ví dụ, cặp đàn ông đồng tính có thể có con cùng nhau hay một người đàn ông có thể tự thụ tinh tế bào của mình để tạo con cái mang hỗn hợp gen của anh ta và bố mẹ anh ta.Nghiên cứu đã được công bố trên tập san khoa học . Pathenogenote là một dạng mô được dùng khá phổ biến hiện nay trong công nghệ tế bào gốc, ví dụ tế bào da. TS Perry cho biết, nhóm nghiên cứu đang có dự định tạo ra chuột con từ một tế bào gốc không trứng, chứ không phải một parthenogenote.

Tuy nhiên, thiết thực nhất thì kỹ thuật này có thể giúp đỡ những phụ nữ vô sinh (do hóa trị, xạ trị ung thư) có thể có con. Tế bào trứng có thể được đông lạnh trước khi điều trị ung thư, rồi sau đó tiến hành thụ tinh nhân tạo, nhưng quá trình này không đảm bảo thành công.

Kỹ thuật mới này còn hỗ trợ trong việc bảo tồn các loài động vật quý hiếm vì nó không yêu cầu việc phục hồi lại các tế bào trứng.

TS Perry nhấn mạnh rằng những thử nghiệm ban đầu này chỉ mới là nguyên lý, còn phải thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu khó khăn nữa mới có thể ứng dụng kỹ thuật này vào thực tế.

Thụ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI