Cấp cứu vì mất nước, kiệt sức do nhiệt

29/04/2017 - 22:59

PNO - Kiệt sức do nhiệt, dùng thuốc lợi tiểu; giảm cân sai cách khiến cơ thể bị mất nước dẫn tới ngất xỉu; sốt cao, suýt tử vong vì sốc nhiệt trong phòng điều hòa bị cúp điện...

Đó là những tình huống cần tránh trong thời tiết nắng nóng khắc nghiệt như hiện nay. 

Ngất xỉu vì giảm cân 

Bác sĩ (BS) CK I Nguyễn Viết Hậu - Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM cảnh báo, gần đây, ngày nào khoa Cấp cứu cũng ghi nhận trường hợp bị choáng, ngất do bệnh nhân (BN) sử dụng thuốc lợi tiểu không đúng cách. 

Vừa qua, một nữ BN tên N.K.M. (28 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình) được đưa vào cấp cứu giữa trưa nắng. Cô gái cao chưa tới 1m60 nhưng nặng khoảng 80kg. Sắp lập gia đình nên BN uống thuốc giảm cân để kịp có thân hình thon gọn, chụp ảnh cưới cho đẹp.

Uống thuốc giảm cân được vài ngày, M. thấy rất hiệu quả vì người xọp đi nhanh chóng. Nghe lời bạn bè, cô tăng cường tập thể thao và xông hơi cho mau gầy. Vừa ở phòng xông hơi ra, ngồi xuống ghế, chưa kịp uống nước, M. đã ngất xỉu, lay gọi không tỉnh, được bạn đưa tới BV cấp cứu trong tình trạng choáng váng, nôn ói, huyết áp tụt, sốt cao.

“Nhìn BN chúng tôi nghi cô bị xỉu vì mất nước, kiệt sức do nhiệt. Thuốc giảm cân của M. uống chủ yếu có tác dụng làm lợi tiểu. Cơ thể chúng ta 60-70% là nước, nếu đi tiểu nhiều làm mất nước người nhìn sẽ hốc hác đi. Đã thế, BN lại ăn kiêng, uống ít nước, tập thể thao và xông hơi nên mồ hôi toát ra nhiều, dẫn tới tình trạng cơ thể mất nước và ngất xỉu như trên”, BS Hậu nhận định.

Cap cuu vi mat nuoc, kiet suc do nhiet
Những ngày nắng nóng, bệnh nhân dễ ngất xỉu, choáng vì mất nước, kiệt sức do nhiệt

Với trường hợp của nữ BN này, các BS xử trí truyền dịch bù nước. Sau vài tiếng theo dõi, BN đã hồi phục, được xuất viện ngay trong ngày nhưng kèm theo hướng dẫn phải uống đủ nước và ngưng dùng thuốc giảm cân có tác dụng lợi tiểu. Muốn giảm cân, BN phải có quá trình luyện tập, ăn uống đàng hoàng chứ không nên giảm cân tốc hành.

Bệnh nhân tim mạch dễ choáng 

Nhóm BN bị kiệt sức, mất nước hay đưa tới BV cấp cứu mùa nắng nóng còn phải kể đến người có tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp. Tuần qua, BS Hậu cho biết, có bốn trường hợp như vậy, điển hình là cụ bà 72 tuổi, có bệnh sử suy tim, được con cái đưa vào cấp cứu vì chóng mặt, tụt huyết áp, ngất xỉu.

Sau khi kiểm tra, loại trừ bệnh lý nguy hiểm, các BS xác định nguyên nhân do cụ bà uống thuốc lợi tiểu. Những ngày qua nhiệt độ có lúc lên tới 400C, mồ hôi toát ra nhiều, BN lại uống không đủ nước mới xảy ra tình trạng như trên.

Giải thích về ca bệnh này, BS Hậu phân tích: “Những người bị suy tim, tim co bóp không đủ để cung cấp nước cho các bộ phận trong cơ thể. Từ đó, cơ thể sẽ tự sản sinh ra một chất để giữ nước lại.

Vì thế, người bệnh tim rất dễ bị phù, thậm chí nước ứ đọng, biến chứng thành phù phổi cấp. Đó là lý do tại sao BN tim mạch phải uống thuốc lợi tiểu, tác dụng để tống lượng nước dư thừa ra ngoài.

Khi trời nắng nóng, lượng nước thoát ra từ mồ hôi nhiều, BN không uống nước đầy đủ lại vẫn dùng thuốc lợi tiểu khiến cơ thể bị mất nước trầm trọng”. Thông thường, các BN này sau lần đầu ngất xỉu sẽ tự tìm cách điều chỉnh.

Tuy nhiên, một số cụ lại tự ý bớt đi liều thuốc BS cho, đây là điều không nên. BS Hậu khuyên, vào lúc nắng nóng, thấy mệt mỏi, muốn tăng giảm liều thuốc, BN nên hỏi ý kiến BS để được hướng dẫn, tránh “lợn lành chữa thành lợn què”.

Suýt tử vong vì sốc nhiệt 

Liên quan đến nhóm bệnh cấp cứu trong thời điểm nắng nóng hiện nay, BS Hậu cảnh báo nguy cơ sốc nhiệt dẫn tới tử vong. Sốc nhiệt xảy ra khi cơ thể chúng ta mất nước nặng, kéo dài.

Người bị sốc nhiệt ngoài biểu hiện sốt cao trên 400C còn có triệu chứng thần kinh giống như đột quỵ (co giật, đau đầu, nôn ói). Nguy cơ tử vong của người bệnh tùy thuộc vào thời gian đưa tới BV và mức độ tổn thương các cơ quan như tim, thận, đường ruột…

Những đối tượng dễ bị sốc nhiệt là công nhân lao động ngoài trời (công nhân làm đường, thợ xây). Nếu thấy những người đang lao động ngoài trời nắng bỗng dưng ngã ra, ngất xỉu, sốt cao thì cần lập tức sơ cứu bằng cách đưa BN vào bóng mát, lau mát các vùng nhiều mạch máu như hai nách, bẹn, rồi đưa ngay tới BV. Các trường hợp này, cần được truyền dịch để hạ sốt nhanh chóng.

BS Hậu cũng vừa tiếp nhận hai trường hợp người cao tuổi có dấu hiệu sốc nhiệt được con cháu đưa tới BV kịp thời. Cả hai người đều bị tai biến, không thể tự đi lại. Nhà ở TP.HCM đa phần xây theo kiểu nhà ống, phòng các cụ nằm ở tầng cao.

Bình thường, con cháu đi làm, đóng kín cửa, bật điều hòa cho cha mẹ già. Ai ngờ khi cúp điện, hai cụ nằm trong phòng kín mít, nóng nực cũng chỉ đành… “chịu chết”. Buổi trưa con cái đi làm về, lên thăm bố mẹ thấy sốt cao, li bì, vội vàng đưa đi BV. Ước tính, tỷ lệ tử vong khi bị sốc nhiệt dao động từ 20-80%.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI