Cảnh báo tình trạng trẻ tự tử

06/09/2018 - 06:00

PNO - Mỗi tháng, các bệnh viện nhi ở TP.HCM tiếp nhận trên 20 trẻ bị ngộ độc vào viện cấp cứu.

Trong đó, phần lớn là trẻ ngộ độc từ thuốc diệt cỏ paraquat, thuốc an thần, thuốc giảm đau, paracetamol, thuốc trừ sâu… Đặc biệt, có nhiều trẻ ở nhóm tuổi từ 10-15, nhập viện chủ yếu do tự tử. Đây là thông tin từ nghiên cứu của bác sĩ Lê Phước Truyền - Bệnh viện Nhi Đồng 1 về tình trạng trẻ ngộ độc hóa chất tại bệnh viện này.

Theo bác sĩ Truyền, ngộ độc ở trẻ là vấn đề mà bác sĩ cấp cứu thường gặp, trong đó có rất nhiều ca ngộ độc hóa chất do tự tử. Trong hai năm (2014-2016), Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận 25 trường hợp tự tử, trong đó nguyên nhân tự tử do mâu thuẫn trong gia đình là 20 trường hợp, chiếm 80%; mâu thuẫn tình cảm 4 trường hợp và 1 trường hợp mâu thuẫn với bạn bè.

Canh bao tinh trang tre tu tu
Một ca ngộ độc paraquat ở Bệnh viện Nhi đồng 1

Bác sĩ Truyền vẫn nhớ mãi hình ảnh của bé gái 14 tuổi N.T.T. ở tỉnh Khánh Hòa quyết sống chết cùng người yêu và cả hai chọn uống thuốc diệt cỏ paraquat để tự tử. T. đang học lớp Tám và có người yêu học trên một lớp, mới 15 tuổi. Khi phát hiện chuyện tình cảm này, cha mẹ của T. đã ngăn cấm. Cả hai đau buồn nên quyết định tự tử. Do uống ít nên T. chỉ bị loét họng, còn chàng trai trẻ không may tình trạng ngộ độc quá nặng, đã tử vong.

Cũng buồn chuyện tình cảm là trường hợp M. 15 tuổi, là đồng tính nam. Khi phát hiện con trai yêu một bạn trai, gia đình đã ngăn cản quyết liệt. Cảm thấy cô đơn và bế tắc, M. mua thuốc paraquat uống. Thấy con có biểu hiện bất thường: nôn ói, người mệt mỏi nên gia đình nghi ngờ và đưa M. vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu. May mắn, M. được các bác sĩ giải cứu được khỏi tay tử thần.

Ngoài chuyện bị ngăn cấm tình cảm, còn có một nguyên nhân tự tử phổ biến ở các em là giận hờn gia đình. Bác sĩ Truyền chia sẻ: “Có hai bé gái 15 tuổi, bỏ nhà đi chơi với bạn trai rồi về bị cha mẹ la nên tự tử bằng cách uống thuốc paracetamol. Hai trẻ nhập viện trong tình trạng tỉnh, được rửa dạ dày, sau đó được xuất viện”. 

Qua nghiên cứu của bác sĩ Truyền cho thấy, hầu hết trẻ tự tử đều có gia cảnh đặc biệt như: cha mẹ ly hôn, cha mẹ bỏ đi làm ăn xa, phải sống với ông bà… Do vậy, khi có buồn phiền trong tình cảm, hoặc ở nhà cha mẹ, ông bà la mắng thì các em dễ rơi vào tâm trạng giận hờn, buồn vu vơ và tự tử - nhưng phụ huynh thường không biết nguyên nhân do mình.

Đặc biệt, có trường hợp, con uống thuốc diệt cỏ paraquat tự tử, vào bệnh viện cấp cứu nhưng phụ huynh vẫn nghĩ là con mình bị ngộ độc thực phẩm sau khi uống trà sữa. Đến khi kết quả xét nghiệm cho thấy bé bị ngộ độc do thuốc paraquat, người nhà mới ngỡ ngàng. Cô bé đã không qua khỏi, đành kết thúc cuộc đời ở tuổi 14. 

Theo bác sĩ Truyền, để phòng tránh tình trạng trẻ tự tử vai trò của phụ huynh rất quan trọng. Còn với những trẻ lớn - nhất là ở tuổi thanh thiếu niên - đây là lứa tuổi tâm lý chưa ổn định, dễ bị tác động và các em còn chịu áp lực từ gia đình, nhà trường và tình cảm nam nữ mới lớn - nên người lớn cần tâm lý, trò chuyện cởi mở với các em để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. 

Khánh Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI