Cảnh báo bệnh gút ở người trẻ

15/12/2017 - 14:00

PNO - Trước đây, bệnh gút được xem là “đặc sản”của quý ông trên 50 tuổi, nhưng hiện nay, bệnh gút ở người trẻ trở nên phổ biến.

Theo bác sĩ Cao Thanh Ngọc - Trưởng đơn vị Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cứ bốn người đến khám, được chẩn đoán mắc bệnh gút (bệnh gout), thì độ tuổi 30-40 chiếm 50% và tỷ lệ này ngày càng gia tăng. Rõ ràng, bệnh gút ở người trẻ trở nên phổ biến.

Canh bao benh gut o nguoi tre

Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược tiếp nhận anh N.H.M. (34 tuổi, ở Q. Gò Vấp) đến khám trong tình trạng bàn chân trái sưng to, tấy đỏ, không đi lại được. Anh M. còn bị đi tiêu phân đen sệt, ói ra máu. Bác sĩ (BS) chẩn đoán anh bị xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày kèm đợt cấp viêm khớp gút mạn. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy: anh M. bị thiếu máu nặng, a-xít uric tăng cao kèm suy thận cấp. Anh được truyền máu cấp cứu, nội soi dạ dày điều trị loét.

Anh M. cho biết rất khoái món nội tạng heo, hầu như ngày nào cũng “lai rai” món này với bạn bè. Một năm trước, anh M. thấy sưng đau, đỏ nóng khớp ngón chân trái. Đến khám tại cơ sở y tế địa phương, anh được chẩn đoán mắc bệnh gút, BS cho thuốc uống.

Chừng mười ngày thấy bệnh thuyên giảm, anh M. tự ý ngưng uống thuốc. Sau đó, mỗi lần bệnh tái phát, anh ra tiệm thuốc tây gần nhà mua thuốc giảm đau uống. Tuy đang mang bệnh, nhưng anh M. vẫn không thay đổi thói quen ăn uống, tiếp tục “làm thân” với kẻ thù của gút: ăn nhiều đạm, uống rượu bia, lười vận động trong thời gian dài. Đến khi chân đi không nổi, xuất huyết tiêu hóa anh M. mới chịu đi bệnh viện.

Canh bao benh gut o nguoi tre
 

Trường hợp anh Cao Thanh T. (39 tuổi, ở An Giang) được BS chẩn đoán mắc bệnh gút từ 6 năm trước. Nhưng anh không tin, cho rằng đây là bệnh của người giàu và già. Anh vừa trẻ, vừa nghèo, gầy còm như que củi thì không thể mắc bệnh gút. Uống thuốc Tây không hết đau nhức, anh T. tìm đến những bài thuốc trị khớp “bí truyền” ở vùng Bảy Núi, Campuchia và sử dụng thuốc tể mỗi ngày như “thần dược” vì người bán quảng cáo “sẽ hết đau nhức”.

Cách đây một tuần, các khớp của anh T. đồng loạt "biểu tình": sưng đau khớp, nóng đỏ cổ chân, ngón cái chân phải và khớp gối hai bên khiến anh không đi lại được. Qua thăm khám, các BS ở Bệnh viện Đại học Y Dược cho biết, bệnh gút của anh T. đã tiến triển sang giai đoạn nặng do nhiều khớp đã biến dạng, kèm theo biến chứng của việc lạm dụng thuốc có chứa corticoid khiến bầm máu tay chân, suy thận, loãng xương. Anh T. và gia đình chết sững, không ngờ “thần dược” lại là độc dược giết dần cơ thể anh.

Canh bao benh gut o nguoi tre

Theo BS Cao Thanh Ngọc, gút là một trong những bệnh về xương khớp phổ biến nhất, chiếm khoảng 1/3 tổng số lượng người bệnh đến khám các vấn đề về xương khớp. Điều đáng quan ngại là người mắc gút ngày càng trẻ hóa. Đáng lo hơn, người mắc gút thường xem nhẹ tình trạng bệnh, cho rằng không nguy hiểm nên chỉ khi nào chân sưng đau, đi lại khó khăn mới uống thuốc, thậm chí nhiều người uống thuốc không rõ nguồn gốc đã để lại biến chứng khôn lường.

Triệu chứng đặc trưng của cơn gút cấp là: khởi đầu đột ngột với tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau dữ dội thường ở một khớp, đặc biệt là khớp ngón chân cái, làm hạn chế vận động. Bệnh gút thường ảnh hưởng đến các khớp ở chi dưới. Khi bệnh nặng hơn, nhiều khớp có thể bị ảnh hưởng cùng một lúc dẫn đến đau và cứng khớp.

BS Ngọc nhấn mạnh: “Viêm khớp gút là một bệnh mãn tính, vì vậy người bệnh cần phải dùng thuốc thường xuyên và suốt đời. Nếu không được điều trị phù hợp, người bệnh dễ bị biến dạng xương khớp, giảm chức năng vận động, thậm chí dẫn tới tàn phế hoặc những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, gãy xương, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, đột tử…”.

Để phòng ngừa bệnh gút, cần có lối sống lành mạnh, giảm cân, tập thể dục điều đặn, uống nhiều nước, tránh rượu bia, thuốc lá, tránh thức ăn chứa nhiều đạm động vật...

 Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI