Cẩn thận nếu có tiền căn dị ứng thức ăn

01/06/2018 - 07:58

PNO - Người có tiền căn dị ứng nguy cơ bị sốc phản vệ cao gấp nhiều lần so với người bình thường.

Với món ăn đã từng bị dị ứng trước đó, nếu tiếp tục ăn sẽ có nguy cơ sốc phản vệ, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Sau khi ăn món canh cua đồng nấu với rau muống, khoai sọ được 5 phút, chị N.P., ngụ Q.Đống Đa, TP.Hà Nội bắt đầu thấy hai lỗ tai rất ngứa, rồi ho sặc sụa, nghẹt thở, phải há miệng ra thở… Kèm theo đó là buồn nôn, cảm giác tim đập nhanh, hai mắt sưng phồng, họng như có người bóp nghẹt lại… Lúc đó, người nhà đã đưa chị vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Bác sĩ chẩn đoán chị N.P. bị sốc phản vệ do ăn cua đồng. May mắn, chị N.P. được đưa đi cấp cứu kịp thời nên an toàn tính mạng. Bác sĩ dặn chị từ nay phải kiêng tuyệt đối tôm, cua. Chị cho biết, tiền sử chị cũng dị ứng tôm, cua, nhộng, nhưng chỉ khi ăn nhiều mới bị và cũng chỉ bị mẩn ngứa nhẹ nên chủ quan. 

Can than neu co tien can di ung thuc an
Bệnh nhân bị sốc phản vệ được điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy

Sốc phản vệ do thức ăn rất hay gặp và nhiều trường hợp bệnh nhân quên hoặc chủ quan vì nghĩ món ăn quen thuộc chắc không sao, dù bị dị ứng nhiều lần. Bác sĩ Nguyễn Phương Lan - khoa Cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương - kể, từng tiếp nhận một ca bị sốc phản vệ nặng do bột ngọt.

Nữ bệnh nhân T. dự buổi tiệc khoảng 40 phút thì bị nổi mẩn đỏ, chóng mặt và rơi vào tình trạng khó thở. May mắn tại buổi tiệc có các bác sĩ nên chị T. được xử trí nhanh là đặt nội khí quản để thông thoáng đường thở và đưa đi cấp cứu.

Bác sĩ Lan xác định T. bị sốc phản vệ rất nặng, được điều trị tích cực theo phác đồ và thoát chết một cách ngoạn mục. Chị T. bị dị ứng bột ngọt, nhưng những lần trước chỉ bị choáng nhẹ, mỏi gáy, cổ nên chị chủ quan nghĩ “ăn một chút chắc không sao”. Trường hợp chị N.A., thì bị dị ứng với vỏ đậu phộng. Mỗi khi ăn đậu phộng hay bất cứ món gì được để chung với đậu phộng còn nguyên vỏ thì chị bị sưng môi, nổi mẩn ngứa khắp người.

Có lần chị phải vào bệnh viện cấp cứu vì khó thở, do lúc đó chị không biết mình bị dị ứng với vỏ đậu phộng nên không đề phòng. Hay trước đây, cô gái 20 tuổi ở Hà Nội ngay khi vừa ăn xong tô bún dọc mùng (bạc hà) đã lên cơn khó thở và khi được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai đã không qua khỏi vì sốc phản vệ quá nặng. Người nhà cho biết, lần đầu cô ăn món này chỉ bị ngứa ở hai mép miệng nên không biết đây là món ăn kỵ với cô, dẫn đến chết tức tưởi ở tuổi đôi mươi.

Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Quang Đại - khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết: sốc phản vệ diễn tiến rất nhanh và nặng, vì vậy, nếu không được cứu chữa kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Khi sốc phản vệ từ trung bình đến nặng thì xử trí ngay bằng Adrenalin tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch.

Khi được cấp cứu, xử trí kịp thời, đúng phác đồ thì bệnh nhân cải thiện, khỏe rất nhanh. Nhưng một số trường hợp diễn tiến rất nặng - mà Bệnh viện Chợ Rẫy gặp nhiều. Phản vệ không chỉ tụt huyết áp, mà tổn thương phổi cấp nặng, phức tạp nên nhiều bệnh viện tuyến dưới phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy có đầy đủ máy móc, thậm chí phải đặt máy ECMO thì cơ hội cứu sống nhiều hơn. 

Vậy làm sao để biết loại thức ăn nào bị dị ứng, hoặc làm sao biết mình thuộc cơ địa dị ứng. Bác sĩ Đại giải thích: “Khi ăn vào món gì mà bản thân có triệu chứng như ngứa, nổi mẩn thì cần đánh dấu, ghi lại món ăn đó để sau này tránh không ăn. Còn với những người hay nổi mẩn ngứa, phát ban nên đến các bệnh viện có phòng khám miễn dịch dị ứng khám, hiện tại có kiểm tra sẽ biết được dị ứng với kháng nguyên nào, qua đó phòng tránh dễ dàng hơn”.

“Sau khi ăn thấy cơ thể phát ban, ngứa, đau bụng, nôn ói, khó thở nên nghĩ đến sốc phản vệ. Hoặc ăn xong thấy phát ban, ngứa nhẹ, đặc biệt là người có cơ địa dị ứng thì nên vô ngay bệnh viện để theo dõi”, bác sĩ Đại lưu ý. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI