Cần quyết liệt với anti vắc xin

23/03/2019 - 13:50

PNO - Trẻ từ 6-16 tuổi không bị cấm đến trường, nhưng cha mẹ sẽ bị phạt đến 500 euro nếu không chứng minh được các em đã tiêm chủng đầy đủ.

Đó là quy định mới nhất tại Ý sau những nỗ lực của chính quyền nhằm chống lại các bậc phụ huynh theo phong trào chống vắc-xin.

Trước Ý, Úc, Pháp và một số bang ở Mỹ cũng đã ra luật phạt những phụ huynh không cho con em tiêm chủng đầy đủ mà vẫn đưa các em đến trường, tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Không phải tự nhiên chính quyền các nước phải mạnh tay đến vậy. Cuối năm 2018, giáo sư Amanda Cohn thuộc Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ đã phải cay đắng thừa nhận: “Nước Mỹ đã mất miễn dịch cộng đồng trên 18 bang và chúng ta đang quay lại thời kỳ nguyên thủy”. Bà Amanda khẳng định: “Con bạn giờ không còn an toàn nữa. Miễn dịch cộng đồng đã mất. Những dịch bệnh từ xa xưa đã quay trở lại”. 

Can quyet liet voi anti vac xin
 

Miễn dịch cộng đồng hay miễn dịch che phủ là khái niệm của y tế thế giới, theo đó, nếu một cộng đồng có từ 85% cư dân trở lên được tiêm chủng chống lại một loại bệnh, cộng đồng đó được xem là miễn nhiễm với bệnh đó. Nôm na là nếu con bạn không được chủng ngừa sởi, nhưng sống trong cộng đồng có từ 85% người đã được chủng ngừa sởi, xem như con bạn an toàn với vi-rút bệnh sởi.

Điều nghiệt ngã là trong lúc nhiều quốc gia đang cố nâng tỷ lệ người được tiêm chủng lên 95% để tăng hiệu quả của miễn dịch cộng đồng thì các nhóm chống vắc-xin, chủ trương “thuận tự nhiên” đang cố làm điều ngược lại và ngày càng lôi kéo được nhiều người từ chối tiêm chủng.

Lý lẽ của họ khá đơn giản, nhưng dễ được chấp nhận, rằng vắc-xin chính là thuốc độc, bởi ngoài vi-rút/vi trùng gây bệnh (mà các nhà khoa học khẳng định là đã bị làm yếu đi - PV) thì vắc-xin còn chứa cả thủy ngân (thimerosal) và bột nhôm (aluminium).

Kết quả, các bậc phụ huynh “thông thái” đã từ chối tiêm “chất độc” vào cơ thể con em mình; bất chấp việc các nhà khoa học đưa ra bao nhiêu bằng chứng, kết quả thử nghiệm lâm sàng để chứng minh tỷ lệ của các chất có trong vắc-xin là không thể gây hại cho cơ thể.

Tại Việt Nam, thông tin về những ca tử vong, sự cố, phản ứng sau khi tiêm vắc-xin trở thành lý do để các bà mẹ trì hoãn tiêm chủng cho trẻ theo lịch hoặc tìm cách cho trẻ tiêm loại thuốc khác. Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, thành phố hiện có 139.005 trẻ (chiếm 47%) chưa được tiêm phòng bệnh sởi - rubella.

Đáng chú ý, 97% số trẻ mắc bệnh sởi là những trẻ chưa được tiêm chủng. Nếu biết rằng bệnh sởi từng được xem là bệnh của quá khứ, vì đã có vắc-xin miễn dịch, nay đã quay trở lại ở khắp các quốc gia, bạn sẽ hiểu nỗi lòng của giáo sư Amanda Cohn.

Nếu ngay cả ở những đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội mà tỷ lệ tiêm chủng vẫn chưa đạt mục tiêu miễn dịch che phủ, để rồi khi dịch bệnh xảy ra, chúng ta hoảng loạn xét nghiệm, điều trị và đổ lỗi cho mọi thứ. 

Có lẽ chúng ta cần quyết liệt với những “nhà khoa học tự phát” đang coi thường sức khỏe, tính mạng con em họ lẫn sức khỏe cộng đồng. 

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI