Bảo vệ bệnh viện chặn xe cấp cứu chở trẻ sơ sinh: Xã hội bon chen, tình người đắt đỏ?

08/07/2016 - 14:39

PNO - Xe cứu thương từ Hà Nội về Nghệ An có giá khoảng 4-5 triệu đồng nhưng phía gia đình chị Xoa đã được đề nghị thuê với giá 7 triệu. Chị không đồng ý, gọi xe ở ngoài vào thì bảo vệ chặn lại.

Không thể chấp nhận!

Sáng ngày 8/7, trước thông tin mà gia đình chị Nguyễn Thị Xoa (sinh năm 1997, ngụ thôn Tân Thành, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) - mẹ cháu bé Trần Công D. (9 tháng tuổi, tử vong trên xe cấp cứu tại cổng Bệnh viện Nhi Trung ương) cung cấp, báo Phụ nữ TP. HCM đã có cuộc khảo sát giá xe cấp cứu tại địa bàn TP. Hà Nội.

Theo đó, một nhân viên của Công ty vận chuyển người bệnh Bắc Việt cung cấp, xe từ TP. Hà Nội về tới huyện Quỳ Hợp - Nghệ An có giá giao đồng từ 4,6 - 5,2 triệu đồng. "Giá 4,6 triệu là chưa có bác sĩ, y tá đi kèm. Nếu người nhà bệnh nhân có thêm nguyện vọng có nhân viên y tế thì thêm 600.000 đồng" - nhân viên này nói.

Trước thông tin vẫn cung đường vận chuyển đó nhưng có gia đình nhận được mức giá cao hơn, từ 6 - 7 triệu đồng, nhân viên này tỏ ra khó hiểu. Người nhân viên này cho biết: "Với bệnh viện tư nhân, xe cấp cứu hạng sang thì có thể có giá cao hơn. Nhưng với dạng xe cấp cứu phổ thông, dành cho bệnh nhân như cháu bé ở Nghệ An thì chắc chắn không thể có giá 7 triệu".

Cũng tại một đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyện bằng xe cứu thương trên địa bàn Hà Nội cho biết, giá thành cho quãng đường vận chuyển về tới huyện Quỳ Hợp, Nghệ An chỉ dao động trong tầm trên dưới 5 triệu đồng. "Thời điểm hiện tại, giá xăng đang ở mức thấp. Hơn nữa, gia đình cũng không có yêu cầu gì đặc biệt nên chỉ cần xe cứu thương loại thường thôi" - đại diện đơn vị này tư vấn.

Bao ve benh vien chan xe cap cuu cho tre so sinh: Xa hoi bon chen, tinh nguoi dat do?
Bảo vệ liên quản đến vụ việc chặn xe cứu thương tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tuy nhiên, cũng theo vị này, vấn đề giá thành vận chuyển mỗi hãng có một mức khác nhau. Giá vận chuyển thường được tính theo chất lượng xe, dụng cụ y tế trên xe và nhân viên đi kèm. Nhưng chuyện ngăn cản không cho bệnh nhân đi chỉ vì không thuê xe của một đơn vị nào đó là không thể chấp nhận được.

Trước đó, theo lời kể của chị Xoa, vào sáng ngày 2/7, trước khi làm thủ tục xuất viện cho con trai, gia đình có nhận được cuộc điện thoại (không biết là của ai) xưng là đội xe cấp cứu của Bệnh viện Nhi Trung ương đề nghị gia đình thuê xe để chở cháu bé về quê với giá 7 triệu đồng (có y tá đi kèm).

Trong khi đó, có người nhận chở con chị Xoa về quê chỉ với giá hơn 2 triệu đồng (bằng 1/3 lời đề nghị trước đó). Khi chiếc xe vào sảnh của bệnh viện không bị ngăn cản, chỉ đến lúc đưa cháu bé lên xe thì bỗng nhiên có vài bảo vệ ở đâu tới yêu cầu không được vận chuyển bệnh nhân.

Sau quãng thời gian lời qua tiếng lại, đội bảo vệ đóng hết các cổng ra của bệnh viện. Đồng thời, họ lấy xích đòi xích xe lại. "Trong lúc này thì cháu đã trút hơi thở cuối cùng, bên ngoài bảo vệ vẫn không cho xe đi. Chỉ khi có công an tới thì tôi mới được đưa con về nhà", chị Xoa uất nghẹn.

Đắt nhất tình người?

Sự việc tại Bệnh viện Nhi Trung ương đúng sai thế nào, đang chờ công an TP. Hà Nội vào cuộc điều tra làm rõ. Nhưng dù có như thế nào đi chăng nữa cũng không khiến cộng đồng cầm được nước mắt xót thương cho cháu bé đoản mệnh.

Nói về tất cả những bi kịch trong cuộc sống và cái cùng quẫn, bế tắc trong xã hội, Đại đức Thích Thanh Huân - trụ trì chùa Pháp Vân, Phó Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hay, đều do con người tự đem đến cho nhau.

Bao ve benh vien chan xe cap cuu cho tre so sinh: Xa hoi bon chen, tinh nguoi dat do?
Chị Xoa và đứa con tử vong trên xe cứu thương vào sáng ngày 2/7 (Ảnh cắt từ clip).

Đại đức Thích Thanh Huân lý giải: "Tiền bạc, đất đai, nhà cửa... đều là những thứ vô tri, vô giác. Con người tự tạo cho nhau những khổ đau, sự thù hận cho lẫn nhau. Chính những hành xử của con người với nhau, những điều lệ đề ra trong xã hội gây ra mâu thuẫn xã hội. Đi cùng với đó là lòng tham luôn có trong mỗi con người khiến cho cái Tâm bên trong không được trong sáng dẫn đến những hành động trái với đạo lý. Nếu như lòng tham vẫn còn thì những bi kịch của con người sẽ luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác, thời này sang thời khác".

Nhắc đến sự việc bảo vệ chặn xe chở trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Nhi Trung ương, Hòa thượng Thích Đức Nhân - Trụ trì chùa Huệ Quang, tỉnh Quảng Trị nghĩ tới tình thương của con người với con người. "Luật Nhân - Quả báo ứng sẽ cho mỗi người thấy mình gieo "nhân" nào thì sẽ gặp "quả" ấy.

Hành động của các nhân viên bảo vệ đã phải chịu sự trả giá khi nhiều ngày qua bị dư luận lên án, bản thân họ hàng ngày đang phải đối diện với suy nghĩ của mình trước hành động hôm đó. Không chỉ vậy, người thân của họ cũng bị ảnh hưởng vì sức ép rất lớn từ dư luận" - Hòa thượng Thích Đức Nhân cho biết.

Mọi hành động của con người đều có thể lý giải, có thể nhân viên bảo vệ vì công việc, vì cuộc sống của vợ con mà sẵn sàng đối xử nhẫn tâm với chính đồng loại. Nhất là trong xã hội bon chen, nhiều sức ép cơm - áo - gạo - tiền sẽ càng khiến con người nảy sinh lòng tham mà hành động lệch quy chuẩn đạo đức xã hội.

"Nói như thế không phải để biện minh cho cái xấu mà thấy rằng họ đã tự đưa mình rơi vào "bể khổ", đánh mất đi tình thương đồng loại, giữa người với người. Tuy nhiên, trong giáo lý nhà Phật luôn luôn mở rộng từ bi, chỉ cần họ nhận ra lỗi và tu tập. Có như thế xã hội mới tránh được vòng luân hồi, nghiệp báo" - Đại Hòa thượng Thích Đức Nhân đưa ra lời khuyên.

Đoàn Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI