Bộ trưởng Y tế lo bệnh nhân hạ đường huyết... vì chờ khám!

18/05/2018 - 17:15

PNO - Theo chân một bệnh nhân đưa mẹ đi khám, Bộ trưởng Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, nếu chờ kết quả xét nghiệm sau đó lại phải siêu âm thì bệnh nhân có thể bị hạ đường huyết vì đói...

Ngày 18/5, Bộ Y tế tổ chức hội nghị giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện.

Theo khảo sát của Bộ Y tế về sự hài lòng của người bệnh, vẫn còn có tới 21% người bệnh không hài lòng về chất lượng bệnh viện. Trong đó, chủ yếu là tình trạng nhà vệ sinh bẩn và thời gian chờ khám kéo dài.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá người bệnh vẫn còn phải chờ khám quá lâu. Đơn cử như một người khám lâm sàng trung bình tổng thời gian khám là 66,5 phút nhưng thời gian chờ khám lên tới 45,4 phút. 

Bo truong Y te lo benh nhan ha duong huyet... vi cho kham!
Bộ trưởng Tiến cho rằng, có thể tính đến phương án khám bệnh sau 17 giờ

“Có hôm tôi theo một người con đi khám bệnh, từ lúc nộp hồ đưa mẹ vào đến khám, chờ kết quả xét nghiệm, đi siêu âm, chụp chiếu... Nếu chờ kết quả xét nghiệm sau đó lại phải siêu âm thì bệnh nhân có thể bị hạ đường huyết vì đói”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ. 

Theo Bộ trưởng Tiến, bệnh nhân chống gậy, chống nạng cũng không nằm ngoài danh sách bệnh nhân phải đợi chờ khám bệnh... 

Thời gian kéo khám dài cũng là nguyên nhân khiến các bệnh nhân đều đổ dồn đi khám vào buổi sáng, để tránh phải quay trở lại bệnh viện trong ngày hôm sau. Thống kê tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), có 80% người đến khám vào buổi sáng.

Bộ trưởng đề nghị các bệnh viện phấn đấu giảm thời gian chờ đợi của người bệnh bằng mọi giải pháp quyết liệt.

“Chúng ta cứ kêu ca khó khăn khi thực hiện cải tiến thời gian khám chữa bệnh nhưng phải quyết tâm phải đặt quyền lợi của người bệnh lên trước để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng giờ khám, bàn khám, khám sớm và có thể tính đến giải pháp khám sau 5 giờ chiều và hẹn khám theo giờ”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề xuất.

Đáng lưu ý, người bệnh kém hài lòng nhất khi đánh giá về mức độ hài lòng là tiêu chí nhà vệ sinh bệnh viện chỉ đạt 3,58 điểm/5 điểm. Theo khảo sát của Bộ Y tế năm 2017 trên các cơ sở y tế toàn quốc, nhà vệ sinh ở mức “5 sao” chỉ đạt 2,1%; mức 4 là 32,98%; mức 3: 46%; còn mức chưa đạt là 1 và 2 là: 2 và 17%. 

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chia sẻ bà luôn kiểm tra nhà vệ sinh khi đến làm việc tại các bệnh viện và phát hiện một số bệnh viện tỉnh không có xà bông rửa tay, thậm chí là phòng vệ sinh của nhân viên y tế.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng nhấn mạnh về việc xử lý trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện: “Cơ sở y tế nào để nhà vệ sinh bẩn thì kết luận trưởng khoa, giám đốc bệnh viện đó ở bẩn; quy trách nhiệm rõ. Không thể để tình trạng nhà vệ sinh của cán bộ y tế, người bệnh như hiện nay”, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI