Dạy trẻ phòng chống xâm hại tình dục

16/07/2015 - 08:11

PNO - PN - Gần đây, Xã An Thới Đông (H.Cần Giờ, TP.HCM) xôn xao chuyện bé T. (14 tuổi) bị “yêu râu xanh” 78 tuổi dụ dỗ và xâm hại nhiều lần, khiến bé phải cùng bà nội trốn sâu vào rừng đước. Vụ việc đang được công an giải quyết,...

Sáng 13/7, Hội LHPN H.Cần Giờ đã tổ chức buổi trò chuyện chuyên đề “Dạy trẻ ứng xử với những hành vi xâm hại tình dục” tại Trung tâm văn hóa xã An Thới Đông, thu hút gần 200 người là cha mẹ có trẻ từ 14 tuổi trở xuống tham dự. Với cách truyền đạt nhẹ nhàng, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã giúp người tham dự nhận diện nguy cơ và cách phòng, chống hành vi xâm hại tình dục trẻ em…

Day tre phong chong xam hai tinh duc

TS Huỳnh Văn Sơn trao đổi kỹ năng phòng chống lạm dụng tình dục cùng người dân xã An Thới Đông

Người lớn quá vô tư!

TS Huỳnh Văn Sơn chỉ ra những hiện tượng xâm hại phổ biến khiến mọi người giật mình: “Ở vùng quê như An Thới Đông này, một cậu bé sáu tuổi bị người lớn tụt quần để nghịch “trái ớt”, một cô bé 12 tuổi vẫn có thể bị một người đàn ông lớn tuổi bẹo má với câu đùa “xinh quá, lớn lên thi hoa hậu được đây”. Có thể mọi người thấy những hành động này là bình thường vì bắt gặp thường xuyên, nhưng thực ra đó là hành động sai trái. Trong 10 người hành xử như vậy, tám người có động cơ trong sáng, nhưng chỉ cần một người vẩn đục trong suy nghĩ và một người nghĩ đến điều bậy bạ là đã xuất hiện hai mối nguy cơ. Chúng ta dễ dãi nghĩ rằng đó chỉ là những cử chỉ đùa giỡn, nhưng thực ra đó là hành vi trái phép, tiềm ẩn nguy cơ xâm hại tình dục”.

Ở miền quê Việt Nam, người dân sống thân tình, khắng khít với nhau, xóm giềng như người nhà nên lắm lúc xuề xòa trong việc giữ khoảng cách an toàn với nhau. Chị Đào Thị Thủy (xã An Thới Đông) bày tỏ: “Ngay như chuyện các bà mẹ ở quê hồn nhiên đưa con gái ra lu nước ven đường, nơi có người qua lại để tắm, tuy bé mới năm-sáu tuổi, nhưng cũng đã là đối tượng có nguy cơ bị xâm hại rồi”.

Một câu chuyện mới xảy ra được kể tại buổi trò chuyện khiến mọi người sững sờ: người mẹ bán quán nước, bận đi lấy hàng gấp, bảo con gái (sáu tuổi) ở nhà trông quán. Người mẹ còn nhờ một thanh niên đang uống nước trong quán để mắt đến bé. Đâu ngờ, khi trở về, thấy con tỏ vẻ hoảng sợ, gặng hỏi, người mẹ mới biết con mình vừa bị xâm hại tình dục. TS Sơn nhận định: “Những kiểu chủ quan theo cách như vậy, rõ ràng là “giao trứng cho ác”. Các phụ huynh phải luôn nhớ, bất kỳ đứa trẻ nào cũng có nguy cơ bị xâm hại tình dục, nguy cơ đến bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào”.

Mẹ là “lá chắn”

Chị Trần Thị Cúc - Phó chủ tịch Hội LHPN xã Tam Thôn Hiệp, H.Cần Giờ chia sẻ: “Tôi được báo một vụ xâm hại tình dục trẻ em, nhưng thú thật, tôi rất lúng túng bởi người mẹ cố giấu thông tin, trong khi xóm giềng đã đồn ầm cả lên. Vụ việc cứ thế trôi dần vào dĩ vãng”. TS Huỳnh Văn Sơn nhận định: “Trong xóm có một đứa trẻ bị xâm hại, những người hàng xóm nói với nhau điều gì? Nào là “cha mẹ làm gì, không lo chăm con mà để con ra nông nỗi như vậy?”, hoặc “tui thấy con bé đó cũng điệu lắm, mới nứt mắt mà đã ăn diện cho ra cớ sự”… Những kiểu tạo dư luận như vậy khiến nạn nhân rơi vào bi kịch nặng hơn”.

Theo TS Sơn, vai trò của người mẹ cực kỳ quan trọng. Có trường hợp, khi trẻ khai báo mình bị quấy rối hoặc xâm hại tình dục, người mẹ lại nổi giận, chửi mắng, thậm chí đòi đuổi con ra khỏi nhà. Đây là sai lầm lớn. Trong những lúc ấy, nạn nhân cần mẹ nhất.

Hoặc, do lúng túng trong cách giải quyết nên nhiều phụ huynh chọn giải pháp im lặng, cho qua việc con mình bị lạm dụng tình dục. Họ không hiểu rằng, nếu không tố cáo và xử lý tới nơi tới chốn, nỗi ám ảnh của nạn nhân càng hằn sâu theo thời gian. Nạn nhân nhiều khả năng sẽ bị sang chấn tâm lý, lãnh cảm khi trưởng thành. Nếu để tội phạm nhởn nhơ, nguy cơ có thể lặp lại đối với chính nạn nhân đó, hoặc xảy ra với những nạn nhân khác.

Phòng bao giờ cũng quan trọng hơn chống. TS Huỳnh Văn Sơn gợi ý những cách đơn giản để các bà mẹ có thể giúp trẻ em gái tự bảo vệ mình: Mẹ và bé có thể chơi trò đèn giao thông. Trên cơ thể của bé, mẹ giao ước những điểm tuyệt đối không được chạm vào là khu vực đèn đỏ, những điểm có thể vô tình bị chạm đến là khu vực đèn vàng và những điểm được chạm đến là đèn xanh. Mẹ sẽ dùng bàn tay của mình là “xe”, chạy ngược chạy xuôi trên người của bé, đèn xanh chạy bình thường, đèn vàng vừa chạy qua vừa rú còi báo động, đến khu vực đèn đỏ thì dừng lại. Bé sẽ thích thú với trò chơi này, đồng thời nhớ được đâu là khu vực “tuyệt đối không được đụng đến”.

Mẹ cũng có thể vẽ ra cơ thể của bé gái, sau đó cắt những bông hoa màu xanh, vàng, đỏ và yêu cầu bé dán những bông hoa vào điểm thích hợp. Bé sẽ nhớ những bông hoa màu đỏ dán vào khu vực “tuyệt đối không để người khác nhìn thấy và chạm tới”.

TS Sơn chia sẻ: “Người mẹ cần kết bạn với con, trò chuyện, chơi đùa với con để tạo sự tin tưởng, gần gũi, hướng dẫn con nhận biết những nguy cơ bị xâm hại tình dục. Nếu nhận thấy nguy cơ, con sẽ báo cho mẹ ngay và biết cách thoát khỏi dễ dàng”.

 TRẦN TRIỀU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI