Bị ‘tâm thần’ 20 năm, người phụ nữ bất ngờ hết bệnh sau mổ tai

12/09/2019 - 13:50

PNO - Sau cuộc mổ tai, vá màng nhĩ, chị K.A. bỗng "tỉnh" lại, không còn bị "tâm thần" như 20 năm trước khiến ai cũng vui mừng.

Trưa 12/9, TS.BS Nguyễn Thị Thanh Thúy – Trưởng khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM - cho biết, ê-kíp bác sĩ của bệnh viện này đã phẫu thuật vá màng nhĩ, vá rò dịch não tủy giúp chị D.K.A. (39 tuổi, ở Khánh Hòa) hết "tâm thần".

Trước đó, tháng 8/2019, chị K.A. đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM khám bệnh đau nửa đầu phải, chảy dịch tai phải, thường xuyên lên cơn co giật, liệt nửa phần đầu phải; mỗi khi ngủ chị bị ảo giác như đang bay trên không nên rất sợ hãi. Từ khi có những triệu chứng đó chị A. liên tục mất ngủ, sụt 17 ký.

Sau khi thăm khám, chị A. được chẩn đoán bị viêm tai giữa phải tái phát, thủng màng nhĩ, tuy nhiên trên phim CT scan, bác sĩ phát hiện có vùng xương bên trong tai chị A. bị mỏng.

Khai thác bệnh sử, bác sĩ được biết gần 20 năm trước chị A. bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, tụ máu bầm, tuy đã được chữa trị nhưng chị liên tục bị co giật, liệt mặt. Bác sĩ nghi ngờ chị A. bị rò dịch não tủy sau chấn thương.

Bi ‘tam than’ 20 nam, nguoi phu nu bat ngo het benh sau mo tai
Chị A. kể lại tai nạn và chuỗi ngày không biết nói chuyện với ai vì bị "mắc bệnh tâm thần"

“Do dịch trong tai chị A. chảy ra ít, chỉ chảy khi chị ho, hắt hơi nên không đủ để làm xét nghiệm. Qua chẩn đoán hình ảnh cũng không thể chắc chắn bệnh rò dịch não tủy ở bệnh nhân, nên khi mổ vá màng nhĩ, chúng tôi thám sát và phát hiện ở xương trên màng nhĩ có rò dịch. Lúc này ê-kíp quyết định lấy hai vạt da ở thái dương của bệnh nhân để vá lại.

Sau khi mổ, chị A. hết đau đầu, nửa mặt trái có cảm giác, mắt hết mờ, nghe rõ hơn, các cơn co giật không còn. Chị có thể ngủ ngon và không bị ảo giác như trước đây”, bác sĩ Thúy cho biết.

Vui mừng khi thoát khỏi ảo giác, không chỉ trị dứt những bệnh trước đây, chị A. tự nhận bản thân đã hết bị… tâm thần. Chị A. nói: “Năm 2001, tôi bị tai nạn giao thông chấn thương đầu, được cấp cứu và điều trị hơn 2 tháng tại một bệnh viện ở TP.HCM. Khi xuất viện, tôi thường chóng mặt, co giật và liệt nửa bên phải từ mặt xuống cánh tay.

Vài năm sau, mắt tôi mờ hẳn rồi bị ảo giác. Lo lắng, sợ hãi khiến tôi thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, đến khi không thể ngủ được, người nhà khẳng định tôi bị… khùng. Từ đó trở đi, tôi không dám nói chuyện với ai, đi khắp các bệnh viện từ Hà Nội đến TP.HCM điều trị”.

Bi ‘tam than’ 20 nam, nguoi phu nu bat ngo het benh sau mo tai
Bác sĩ Thúy kiểm tra bệnh cho chị A.

Chị A. cho biết đã đi hơn 30 bệnh viện khắp cả nước, nhưng đến đâu cũng được chẩn đoán viêm tai giữa tái phát và bác sĩ chỉ cho thuốc về nhà uống. Trong thời gian uống thuốc, dịch ở tai chị khô, giữ được thính lực nhưng đầu vẫn đau nhức. Bác sĩ thực hiện rất nhiều xét nghiệm như chụp X-quang, CT, MRI, siêu âm, nội soi,… cũng không phát hiện bệnh rò dịch não tủy.

PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy  - Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM - cho hay, rò dịch não tủy ở chị A. là trường hợp rất hiếm, hơn 20 năm trong nghề, bác sĩ Thủy chỉ gặp 3 ca bệnh tương tự.

Bác sĩ Thủy cho biết: “Khi chấn thương đầu, bệnh nhân có thể bị rò dịch não tủy, nhưng đa số bệnh nhân bị chảy dịch ào ạt nên bác sĩ sẽ phát hiện và khắc phục ngay. Nhưng trường hợp chị A. bị chảy dịch rất ít, gần như chỉ bị khi ho, nôn ói, hoặc hắt xì, sau đó dịch này sẽ theo ống tai chảy ra ngoài.

Tuy nhiên, một phần dịch não sẽ đọng lại, chèn ép lên các dây thần kinh, hoặc làm nhiễm trùng phần bị rò dịch khiến chị A. đau đầu, liệt mặt, ảnh hưởng thị giác và co giật.

Nguy hiểm ở chỗ phần dịch này dễ bị nhầm lẫn với dịch máu, mủ trong viêm tai giữa, không thể phát hiện bằng các phương pháp khác, trừ khi mổ để quan sát, nhưng nếu không đầy đủ cơ sở để kết luận, bác sĩ không thể mổ để tìm bệnh.

May mắn, khi nghi ngờ, ê-kíp bác sĩ đã “tận dụng” mổ vá màng nhĩ cho chị để thám sát”.

Hiện sức khỏe chị A. đang tiến triển rất tốt, chị ăn, uống và ngủ ngon giấc hơn, tăng lên 2 ký, tai không còn chảy dịch mủ, hết co giật, đau đầu. Chị A. đã được xuất viện về nhà, vài tháng tới sẽ tái khám và đo thính lực. Chị đã trở lại với cuộc sống thường ngày, người nhà cũng rất vui mừng vì chị hết… bệnh thần kinh.

Tuy nhiên, gần 20 năm phải uống kháng sinh mạnh và nhiều loại thuốc khác nên nguy cơ chị A. mắc các bệnh về gan, thận và kháng thuốc rất cao. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI