Bệnh viêm cơ tim tăng đột biến

08/07/2016 - 07:12

PNO - Trong hai tháng năm và sáu vừa qua, bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận đến sáu bệnh nhi bị viêm cơ tim, hầu hết rơi vào thể tối cấp, nguy cơ tử vong rất cao.

Benh viem co tim tang dot bien
Một nữ bệnh nhân viêm cơ tim tối cấp được cứu sống bằng kỹ thuật Ecmo

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Trí Việt - Trưởng khoa tim mạch Bệnh viện Nhi Đồng 2, trước đây trung bình một năm có khoảng bốn ca viêm cơ tim vào viện. Còn trong hai tháng năm và sáu vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận đến sáu bệnh nhi bị viêm cơ tim, hầu hết rơi vào thể tối cấp, nguy cơ tử vong rất cao.

Dễ nhầm lẫn với sốt vi-rút

Chỉ vào cậu cháu ngoại chín tuổi đang hồn nhiên nằm bấm điện thoại trên giường bệnh, bà Phùng Thị Ngót ở ấp Lồ Ồ, xã An Tây, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương nói: “Cháu còn quá nhỏ để biết mì nh vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh. Bệnh gì mà kinh khủng, vừa thấy nó đi, nói chuyện thì tích tắc hôn mê. Cháu bị ngưng tim ba lần, cả nhà tôi tưởng đã mất cháu, nhưng nhờ các bác sĩ (BS) mà cháu được tái sinh lần nữa”.

Bà Ngót kể, ngày 4/6, bé Nguyễn Tấn Duy Ph. bị sốt, kèm ho và nôn ói, nhưng vẫn đi chơi bình thường. Bà tưởng cháu bị cảm cúm như mấy lần trước nên mua thuốc hạ sốt, cảm cho cháu uống. Đến ngày thứ ba, bé Ph. trở nên lừ đừ, nằm cả ngày không chịu ăn, tim đập làm lồng ngực phập phồng. Bé được đưa đến BS tư gần nhà, BS khám cho biết bé Ph. bệnh nặng và bảo chuyển gấp lên BV tỉnh Bình Dương.

Khi vào BV tỉnh, dù bé vẫn tỉnh táo, đi đứng bình thường, nhưng BS nhận định bé bị bệnh tim rất nặng và cho chuyển lên BV Nhi Đồng 2. Các BS BV Nhi Đồng 2 xác định bé Ph. bị bệnh viêm cơ tim (VCT) thể tối cấp do vi-rút, nên lập tức cấp cứu, tiến hành lọc máu, đặt máy tạo nhịp tạm thời và dùng thuốc hỗ trợ tim. Có đêm, bé Ph. bị ngưng tim ba lần, các BS phải chạy đua, giành giật mạng sống cho bé và đã thành công sau gần một tháng điều trị.

Cũng đang khỏe mạnh nhưng sau khi bị sốt, bé Lê Nhật K., năm tuổi, ở ấp Đông Hưng, xã Tân Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, vào thể tối cấp của bệnh VCT. May mắn là mẹ bé - chị Đặng Phụng Duyên đã linh cảm rằ ng con mì nh đang gặp nguy hiểm dù bé vẫn tỉnh táo, đi đứng bình thường.

Chị Duyên kể: “Tôi thấy con sốt mà uống thuốc vào không bớt, rồi con bị tím tái nên tôi xin BS ở BV huyện chuyển bé lên ngay BV Nhi Đồng 2. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ là con bị sốt thông thường, nhưng nặng hơn những lần trước thôi, chứ không biết là bệnh nguy cấp mà BS bảo vào trễ khoảng 30 phút thì không cứu được bé. BS nói con tôi bị VCT do vi-rút. May mà nhiều ngày sau bé tỉnh rồi dần dần nói được, đi đứng được. Nhưng BS nói bệnh của bé rất nặng, để lại di chứng suy tim nên phải đặt máy tạo nhịp và phải theo dõi sức khỏe chặt chẽ. Có hôm bé đang chơi bỗng ngất xỉu làm tôi rất sợ”.

Không may mắn như hai bệnh nhi trên, bé T. 11 tuổi, con của một BS ở Bình Dương, bị VCT tối cấp và tử vong khi đang được lọc máu.

Không chỉ trẻ nhỏ, mà người lớn cũng mắc bệnh này. Anh Đinh Công H., 38 tuổi ở xã Phú Khánh, Tân Uyên, Bình Dương và anh Nguyễn Thanh Tâm 19 tuổi, ở tổ 4, xã Cẩm Đương, huyện Long Thành, Đồng Nai, đều có dấu hiệu sốt, khó thở, cảm giác như bị ép tim. Cả hai đi khám ở cơ sở y tế địa phương thì người được chẩn đoán là sốt siêu vi, người thì đau thần kinh liên sườn, đến khi vào BV Chợ Rẫy mới phát hiện bị VCT.

Thể tối cấp tỷ lệ tử vong đến 70%

BS Lê Thanh Liêm - Trưởng khoa Nội Tim mạch BV Chợ Rẫy cho biết, bệnh VCT thường có xu hướng tăng vào mùa mưa do siêu vi phát tán. Có những trường hợp bệnh nhân bị VCT thoáng qua, sẽ tự khỏi và không để lại di chứng. Nhưng có những trường hợp chuyển nhanh vào giai đoạn tối cấp với triệu chứng rầm rộ: rối loạn nhịp, suy tim, tụt huyết áp kéo dài, tim đờ ra… Nếu xử lý không kịp, nguy cơ tử vong rất cao, VCT tối cấp có tỷ lệ tử vong đến 70%.

VCT do nhiều nguyên nhân như vi trùng bạch hầu, dinh dưỡng… nhưng chủ yếu là do siêu vi. Do nguyên nhân từ virú t nên triệu chứng ban đầu của bệnh VCT dễ bị nhầm lẫn với sốt vi-rú t như sốt, nôn ói… Với người lớn có thêm triệu chứng khó thở, với trẻ nhỏ ngoài sốt còn có nôn ói, trẻ lớn thì có đau bụng.

Thêm một dấu hiệu giúp hướng đến bệnh VCT là chân tay trẻ bị lạnh, tím tái, tri giác thay đổi, khi đó bệnh dễ chuyển biến sang thể tối cấp. Ngoài ra, theo BS Phan Thanh Thọ - khoa Tim mạch BV Nhi Đồng 2, khi trẻ sốt vi-rút vẫn bắt mạch được, còn VCT thì trẻ bị rối loạn nhịp, rất khó bắt mạch. VCT có bốn cấp: tối cấp (thể sốc- nặng nhất), cấp, bán cấp và mạn tính.

Biến chứng nặng nề của VCT là suy tim, khiến bệnh nhân phải uống thuốc, điều trị suốt đời. Một trong những biện pháp chữa bệnh VCT hiệu quả hiện nay là chạy máy Ecmo, gọi nôm na là máy tim, phổi nhân tạo. Đây là một trong những kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể, máu sẽ được đưa ra khỏi cơ thể bệnh nhân và chạy qua một hệ thống có màng lọc, sau đó trả về cho người bệnh. Đối với những trường hợp bị suy hô hấp cấp, suy tim cấp không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường thì kỹ thuật Ecmo là cứu cánh - nhất là với những bệnh nhân VCT tối cấp. Tuy nhiên, BV Nhi Đồng 1 và 2 đều không có máy này, mà chỉ BV Chợ Rẫy được trang bị .

Thực tế đã có những ca tử vong vì thiếu máy Ecmo và có những ca tưởng đã vô phương cứu chữa, nhưng được hồi sinh ngoạn mục nhờ kỹ thuật Ecmo. BS Nguyễn Minh Trí Việt cho biết: “Bệnh VCT do siêu vi gây ra nên chỉ điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ và theo dõi các biến chứng đề điều trị kịp thời. Một trong những bước quan trọng để chữa bệnh này là cho tim nghỉ ngơi.

Thế nhưng, chỉ có máy Ecmo mới làm được điều đó, mà BV lại không có nên cách điều trị hiện nay là lọc máu, đặt máy tạo nhịp và dùng thuốc hỗ trợ tim tạm thời. Chúng tôi cũng đã điều trị thành công nhiề u ca VCT tối cấp, nhưng nếu có máy Ecmo thì hạn chế được những ca tử vong. Vì có từ 1/3- 1/2 tỷ lệ trẻ VCT tối cấp diễn biến rất phức tạp, rất cần máy Ecmo. Bởi ngoài việc tăng khả năng cứu sống bệnh nhi, thì những trường hợp VCT tối cấp chữa hết thì trẻ có thể phục hồi hoàn toàn. Vừa rồi, chúng tôi cũng chuyển qua BV Chợ Rẫy một trường hợp VCT cấp và được cứu nhờ kỹ thuật này”.

Đây là bệnh không thể phòng ngừa, nhưng có thể hạn chế bằng cách: cả người lớn và trẻ nhỏ nên tập thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh về đường hô hấp hay tiêu hóa nhằm ngăn ngừa bị lây nhiễm siêu vi. Những trường hợp mắc bệnh VCT ở thể cấp, bán cấp thì cần phải nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh hoặc làm việc nặng nhọc để tim được nghỉ ngơi và hồi phục. Ngay khi có dấu hiệu sốt, khó thở hay tay chân lạnh, da tím tái, nên đến BV kiểm tra.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI