Bệnh nhân và bác sĩ lần đầu mạo hiểm với khối u gan ác tính

18/05/2017 - 12:10

PNO - Lần đầu tiên quyết định thực hiện ca cắt khối u ác tính ở gan, nhiều bác sĩ bệnh viện quận 2 đã phải mất ngủ. Vì mổ ung thư gan được xem là kỹ thuật chỉ dành cho các bệnh viện tuyến cuối.

Ba ngày sau khi thực hiện ca phẫu thuật 'mạo hiểm', sức khỏe của bệnh nhân đã dần ổn định, sáng 18/5, các bác sĩ bệnh viện quận 2 mới thở phào nhẹ nhõm.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc bệnh viện quận 2 (TP.HCM), cho biết đây là lần đầu tiên bệnh viện thực hiện ca mổ ung thư gan. 

Bệnh nhân muốn 'bác sĩ quận' mổ ung thư

Bệnh nhân là cụ bà N. T. D. (77 tuổi, sống ở Bình Trưng Tây, quận 2). Cụ bà tuổi cao kèm theo các bệnh lý khác như: đái tháo đường, cao huyết áp đã khiến cho việc tiên liệu sau mổ là một vấn đề cũng khá… nan giải. Tuy vậy, cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều rất háo hức với việc làm lần đầu tiên này.

Benh nhan va bac si lan dau mao hiem voi khoi u gan ac tinh
Cụ D. đang được chăm sóc tại bệnh viện quận 2 sau ca mổ ung thư gan

Lý do dẫn đến sự… mạo hiểm này, theo bác sĩ Trần Văn Khanh chính là xuất phát từ sự tin tưởng của bệnh nhân. Cụ bà N. T. D đến khám tại bệnh viện quận 2 chỉ từ những triệu chứng không rõ ràng như đau hạ sườn phải.

Kết quả siêu âm và chụp CT phát hiện ra khối u ở gan phải, có kích thước khá lớn 5x 5cm. Để chắc chắn, bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ (MRI), kết quả cũng cho thấy bà D. có một khối u ác tính ở gan phải.

Chỉ định trong trường hợp này là phải cắt bỏ khối u ác tính. Nếu để lâu hơn thì khả năng chỉ trong 3-6 tháng, khi  các tế bào ung thư di căn sẽ dẫn đến khả năng tử vong rất cao. Cụ D. được bác sĩ tư vấn nên mổ bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, sau vài ngày nằm điều trị ở đây, cụ D. có thiện cảm với bệnh viện nên quyết định chọn phẫu thuật tại Bệnh viện quận 2 luôn.

Sự mạo hiểm kết thúc có hậu

Sự lựa chọn của cụ bà đã đặt ra một yêu cầu cao hơn cho các bác sĩ bệnh viện quận 2. Trước ca mổ này, y bác sĩ đã từng thành công với các ca mổ trị ung thư dạ dày, đại tràng, ung thư vú… nhưng mổ ung thư gan thì chưa từng thực hiện.

Bác sĩ Trần Văn Khanh quyết định ê kíp bác sĩ của bệnh viện sẽ thực hiện ca mổ này. Ca mổ diễn ra trong gần 3 giờ vào ngày 15/5. Ê kíp mổ gồm 12 người, trong đó phẫu thuật viên chính là bác sĩ Nguyễn Hoài Nghị và Vũ Như Tuyết Hương.

Trước khi bước vào ca mổ, các bác sĩ bệnh viện quận 2 đã hội chẩn nhiều lần với ít nhất 3 bệnh viện tuyến trên là bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM và bệnh viện  Gia Định.

Benh nhan va bac si lan dau mao hiem voi khoi u gan ac tinh
Hình ảnh ca phẫu thuật gan tại Bệnh viện quận 2

Sau khi các bệnh viện đều 'gật đầu' tán thành và lời khuyên cụ thể, các bác sĩ bệnh viện quận 2 mới thực hiện những đường dao đầu tiên. Bác sĩ Nguyễn Hoài Nghị,  tiết lộ: "Đêm trước ca mổ đáng nhớ này, dù đã có kinh nghiệm 19 năm điều trị ngoại khoa nhưng tôi phải tư vấn lại các bậc đàn anh".

Bác sĩ Phan Văn Đức, Phó giám đốc bệnh viện quận 2 cho biết mổ ung thư gan là một kỹ thuật không hề đơn giản với các bác sĩ của bệnh viện hạng 2 như Bệnh viện quận 2. Vì trong 1 phút, có 1,8 lit máu đi qua gan, nếu không biết cách cầm máu thì khả năng tử vong rất cao.

Một kết thúc có hậu cho sự mạo hiểm của các bác sĩ và bệnh nhân là một khối u có kích thước gần bằng qủa cam đã bị… 'trục xuất' khỏi lá gan của cụ D. Do là ca mổ ung thư gan đầu tiên nên cụ bà được giữ lại theo dõi thật kỹ lưỡng. Sau 3 ngày, các dấu hiệu cho thấy sức khỏe cụ bà khá tốt.

Một điều cũng khá thú vị để ca mổ được thành công là việc các bác sĩ phải chạy đi mượn… hệ thống banh bụng hiện đại. Bác sĩ Trần Văn Khanh ví von: “Dù bệnh viện còn nhiều thiếu thốn như đội ngũ y bác sĩ thì có nhiều điều không thiếu: đó là sự nhiệt tình, nhiệt tâm với công việc và người bệnh”. Và mừng là lần đầu tiên bệnh viện quận 2 mổ ung thư gan thành công.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI